Bệnh mất ngủ về đêm ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Cũng vì nhiều người gặp phải nên đa phần bệnh nhân bỏ qua khi các triệu chứng mới chớm, dẫn đến bệnh ngày càng nặng hơn và gây những tác hại đối với cơ thể. Cùng tìm hiểu về tác hại của chứng mất ngủ đêm và nguyên nhân gây mất ngủ trong viết dưới đây.
1. Mất ngủ về đêm – Tình trạng ngày càng phổ biến và trẻ hóa
Mất ngủ là tình trạng ngày càng phổ biến khi có tới 35 – 40% dân số bị mất ngủ. Bình thường, người trưởng thành cần ngủ 7-9 tiếng/đêm để nghỉ ngơi tái tạo năng lượng tiếp tục công việc, cuộc sống. Nhưng khi bị mất ngủ, thời gian ngủ giảm xuống chỉ còn 4 – 5 tiếng mỗi đêm. Thậm chí nhiều người không ngủ được chút nào. Không chỉ giảm thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng “xuống dốc không phanh” với các biểu hiện:
– Trong khi ngủ: Khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh giấc trong đêm, tỉnh dậy sớm do không ngủ được
– Khi thức dây: Không có cảm giác được nghỉ ngơi, buồn ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, lo âu,… Nhiều người cảm thấy căng thẳng, kém tập trung, lo lắng thái quá, thay đổi tâm trạng, hay quên.
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ cao hơn nam giới. Nguy cơ mất ngủ suốt đời cao hơn 40% ở phụ nữ. Có tới 67% phụ nữ gặp phải những vấn đề liên quan tới giác ngủ ít nhất một vài đêm trong tháng và 46% gặp vấn đề hầu như mỗi đêm.
Đặc biệt, mất ngủ ngày càng trẻ hóa khi mắc cả ở đối tượng dưới 40 tuổi, dân văn phòng, học sinh sinh viên,…
Mất ngủ về đêm là tình trạng giấc ngủ ban đêm ngắn hoặc/và kém chất lượng.
2. Bệnh mất ngủ về đêm gây những ảnh hưởng gì cho người bệnh?
Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, việc mất ngủ thường xuyên, liên tục vào ban đêm sẽ dẫn sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cả về thể chất lẫn tinh thần. Những ảnh hưởng cụ thể gồm:
2.1 Thừa cân, béo phì hoặc gầy sút, suy nhược
Thông thường, tình trạng gầy sút sẽ xảy ra trong thời gian đầu bị mất ngủ. Nhưng sau đó, cơ thể có cơ chế bù trừ nên sẽ thúc đẩy người bệnh ăn nhiều hơn, thậm chí mất kiểm soát. Thêm vào đó, mất ngủ làm tăng tiết hormone thèm ăn và che mờ vùng não điều khiển việc ăn uống. Tình trạng này gây tăng cân, béo phì.
2.2 Làm giảm hiệu quả làm việc, học tập do bệnh mất ngủ về đêm
Tình trạng mất ngủ thường xuyên dễ khiến bạn buồn ngủ vào ngày hôm sau, gây mệt mỏi, thiếu tập trung, do đó gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả công việc.
2.3 Tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần
Trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt,… là những bệnh tâm thần mà người bị mất ngủ thường xuyên có thể mắc phải. Do hệ thần kinh không được nghỉ ngơi đủ trong thời gian dài, dễ tổn thương nên gây ra các bệnh lý trên.
2.4 Giảm sức đề kháng do bệnh mất ngủ về đêm kéo dài
Mất ngủ thường xuyên có thể gây suy giảm hệ miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi,…
2.5 Dễ mắc các bệnh mạn tính
Các bệnh mạn tính do mất ngủ điển hình là huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường.
Vì thế, khi có các triệu chứng của bệnh mất ngủ, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để được thăm khám chuyên sâu, chẩn đoán và điều trị sớm.
Mất ngủ vào ban đêm có thể gây mệt mỏi, mất tập trung vào ban ngày, gây ảnh hưởng đến công việc.
3. Các nguyên nhân gây mất ngủ về đêm
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ về đêm, trong đó phổ biến nhất là tình trạng căng thẳng, thiếu thư giãn, tình trạng đau nhức, khó chịu do ảnh hưởng của bệnh tật, lối sống. Một số nguyên nhân gây mất ngủ đêm có thể kể đến như:
3.1 Căng thẳng, lo lắng
Áp lực, lo lắng trong công việc, học tập, gia đình, con cái… khiến bạn không thể thư giãn tâm trí, dẫn đến khó ngủ về đêm.
3.2 Trầm cảm
Ở những người mắc bệnh trầm cảm, hormone cân bằng hóa học trong não bị suy giảm khiến người bệnh khó ngủ.
3.3 Bệnh lý thần kinh
Các bệnh lý liên quan tới thần kinh gây ra chứng đau đầu, chóng mặt, chấn thương sọ não có thể là nguyên nhân gây mất ngủ.
3.4 Thuốc
Các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng… nếu dùng sai chỉ định có thể gây mất ngủ, khó ngủ về đêm.
3.5 Chất kích thích
Nếu sử dụng cà phê, rượu bia, thuốc lá, ma túy, đồ uống có cồn một cách quá mức, các giai đoạn của giấc ngủ sẽ bị gián đoạn.
3.6 Thay đổi môi trường sống
Nguyên nhân mất ngủ này thường gặp khi đi du lịch, thay đổi việc làm, nhà ở.
3.7 Thói quen ngủ xấu
Đi ngủ và thức dậy không đúng giờ có thể khiến đồng hồ sinh học trong cơ thể thay đổi, khiến bạn khó không duy trì được một giấc ngủ ngon và sâu.
3.8 Ăn quá muộn
Ăn quá nhiều và quá muộn trước khi đi ngủ khiến cơ thể không thoải mái khi nằm xuống và khó có được giấc ngủ ngon. Nhiều người còn gặp phải trình trạng ợ nóng, ợ chua, trào ngược gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tình trạng mất ngủ vào ban đêm.
4. Nên làm gì khi bị mất ngủ?
Có nhiều loại mất ngủ và nguyên nhân gây mất ngủ khác nhau, dựa trên tình trạng bệnh cụ thể các bác sĩ mới có thể đưa ra phương án điều trị tốt nhất.
Nếu bị mất ngủ, việc áp dụng một số biện pháp thay đổi lối sống có thể có tác dụng như:
– Tạo ra và duy trì nhịp thức – ngủ, đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
– Thư giãn bằng cách ngâm chân vào nước ấm 5 phút, massage bàn chân trước khi ngủ.
– Bổ sung các thực phẩm giúp giảm chứng mất ngủ như chuối, hướng dương, vừng…
– Không sử dụng đồ uống có chứa cafein (chè, trà, cà phê, chocolate) sau 2 giờ chiều hoặc uống rượu bia, hút thuốc lá gần giờ ngủ hay trong đêm.
– Không ăn quá nhiều hoặc quá no trước khi ngủ.
– Không vận động mạnh trước khi ngủ hoặc tập thể dục cường độ cao vào buổi chiều tối.
Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu về bệnh mất ngủ về đêm và những biện pháp cải thiện. Khi có các triệu chứng mất ngủ, bạn nên đi khám chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và điều trị tránh những nguy hại đến sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.