Các triệu chứng tai biến thoáng qua tương đối giống với tai biến thực sự, tuy nhiên thời gian diễn ra các triệu chứng thường ngắn và tự hết nên thường bị bỏ qua. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để tìm hiểu về cơn tai biến thoáng qua, từ đó sớm nhận diện nguy cơ và phòng tránh tai biến hiệu quả.
1. Mối liên quan giữa cơn tai biến thoáng qua và tai biến thực sự
Cơn tai biến (đột quỵ) thoáng qua hay tai biến mạch máu não thoáng qua, thiếu máu cục bộ thoáng qua có triệu chứng tương đối giống với tai biến thực sự nhưng thường chỉ kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ trước khi biến mất, hiếm khi kéo dài đến 24 giờ. Do diễn ra trong thời gian ngắn nên cơn tai biến thoáng qua chưa gây tổn thương cho não nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến thực sự. Vì vậy không thể chủ quan.
Một số nghiên cứu cho thấy 12% số trong tổng số ca đột quỵ, người bệnh có xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó. Cũng theo thống kê, khoảng 12% trường hợp đột quỵ (mà đã từng có tai biến thoáng qua trước đó) sẽ tử vong trong vòng 1 năm kể từ ngày khởi phát. Nguy cơ đột quỵ xảy ra cao nhất là trong vòng 90 ngày sau khi xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua. Khoảng từ 9 – 17% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ trong vòng 90 ngày.
Như vậy, để phòng ngừa đột quỵ xảy ra, việc phát hiện sớm và cảnh giác trước cơn tai biến thoáng qua là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh vì bỏ qua những dấu hiệu này mà phải đối mặt với những nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Cơn tai biến thoáng qua có các triệu chứng tương tự tai biến thực sự nhưng thời gian xảy ra thường ngắn và có thể tự hết.
2. Triệu chứng tai biến thoáng qua là gì, có dễ nhận biết không?
2.1 Các triệu chứng tai biến thoáng qua
Như đã nói ở trên, các triệu chứng của cơn tai biến thoáng qua thường đột ngột và diễn ra trong thời gian ngắn nên người bệnh ít khi để ý. Tuy nhiên dấu hiệu tương tự đột quỵ có thể xuất hiện mờ nhạt như:
– Người bệnh cảm thấy yếu mệt, tê, mỏi tay chân, mặt
– Khó cử động hoặc liệt hoàn toàn một bên cơ thể
– Giọng nói bất thường, ngọng, nói khó, phát âm không rõ, khó nghe, khó hiểu
– Giảm thị lưc, nhiều người bị mù tạm thời ở một bên mắt, thậm chí cả hai mắt
– Chóng mặt, đau đầu từ nhẹ đến dữ dội không rõ nguyên nhân
2.2 Cần làm gì khi thấy các triệu chứng tai biến thoáng qua?
Khi xuất hiện các dấu hiệu, dù triệu chứng có tự hết thì người bệnh nhân cũng cần đến khám tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Bởi nếu không được xử trí, điều trị kịp thời, xác định các yếu tố nguy cơ và có kế hoạch dự phòng hiệu quả thì việc xảy ra đột quỵ là chuyện khó có thể tránh khỏi.
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu não thoáng qua
Nguyên nhân của cơn thiếu máu não thoáng qua thường là do có sự xuất hiện đột ngột cục máu đông hoặc xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn mạch máu não. Điều này gây giảm lưu lượng tưới máu cục bộ hoặc toàn thể. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ bất thường của động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống.
Tuy nhiên cùng một cơ chế sinh bệnh nhưng khác với tai biến thực sự, ở các trường hợp tai biến thoáng qua, cơ thể có khả năng tự làm tan cục máu đông, tái thông mạch máu não. Cũng chính vì vậy mà các triệu chứng thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không để lại di chứng.
Bất kỳ ai cũng có thể bị cơn tai biến thoáng qua, tuy nhiên nguy cơ sinh bệnh thường cao hơn ở những đối tượng sau:
– Trên 55 tuổi
– Người có bệnh tăng huyết áp
– Người mắc bệnh mỡ máu cao
– Người bệnh đái tháo đường
Xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn đường lưu thông của máu lên não là một trong những nguyên nhân gây tai biến thoáng qua.
4. Chẩn đoán và điều trị thiếu máu não thoáng qua
Bệnh nhân có triệu chứng của cơn thiếu máu não, dù chỉ là thoáng qua cũng cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây bệnh nhân sẽ được khám, chẩn đoán xác định hoặc loại trừ đột quỵ cấp. Các xét nghiệm, chẩn đoán bao gồm: chụp cộng hưởng từ não (MRI), chụp cắt lớp vi tính não (CT não), xét nghiệm máu, siêu âm, chụp số hóa hệ động mạch cảnh ngoài sọ, điện tim,… Các chỉ định, xét nghiệm này cần thực hiện và hoàn tất trong 24 – 48 giờ. Từ kết quả này, các bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ tái phát cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ não để can thiệp kịp thời.
Mục tiêu của điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua là ngăn ngừa nguy cơ tắc mạch máu bằng các biện pháp:
4.1 Điều trị bằng thuốc
Tùy vào tình trạng thực tế vào nguyên nhân thiếu máu não, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc sau: thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc hạ mỡ máu,… Ngoài ra cần điều trị và theo dõi chứng loạn nhịp.
4.2 Thay đổi lối sống
– Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên là biện pháp được khuyến cáo để tăng cường lưu thông máu, giúp mạch máu dẻo dai hơn, từ đó ngăn ngừa cơn thiếu máu não thoáng qua tái phát hoặc đột quỵ não. Người trưởng thành cần tập tối thiểu 150 phút mỗi tuần hoặc 75 phút với cường độ cao.
– Giảm cân: Với những người bị béo phì, cần duy trì chỉ số BMI an toàn, đặc biệt là những người có BMI >30.
– Ăn uống lành mạnh: Hạn chế bia rượu, chất kích thích, bỏ thuốc lá hạn chế mỡ động vật và muối,… sẽ giúp bạn ngăn bệnh tái phát và chuyển biến thành đột quỵ. Thay vào đó hãy tích cực ăn thực phẩm tươi sống, hoa quả nhiều vitamin và khoáng chất.
Những bệnh nhân đã từng bị tai biến thoáng qua cần được theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên, phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát. Nếu việc dùng thuốc không đáp ứng, không đem lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, can thiệp để tái thông mạch não.
Tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn lành mạnh là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp ngăn ngừa và giảm các triệu chứng tai biến.
Như vậy, triệu chứng tai biến thoáng qua thường rất nhẹ nhàng và diễn ra nhanh chóng. Điều này càng khiến việc chẩn đoán và theo dõi trở nên phức tạp. Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ dù ở mức độ nào, bệnh nhân cũng nên đi khám tại cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán, phát hiện sớm nguy cơ và xử trí kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.