Trong một số bệnh lý nhất định, người bệnh sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật để phục vụ việc điều trị. Vậy câu hỏi được quan tâm đó là, trường hợp nào/ ai cần phẫu thuật cắt túi mật. Cùng tìm hiểu ngay.
1. Vì sao phải cắt bỏ túi mật?
Túi mật là một túi hình quả lê nằm ở dưới gan, ở phía trên bên phải của bụng. Đây là nơi dự trữ mật – một loại dịch tiêu hóa được sản xuất bởi gan, có chức năng tiêu hóa mỡ. Khi dạ dày bắt đầu tiêu hóa thức ăn, túi mật cũng sẽ thực hiện chức năng của mình bằng cách co bóp và tiết mật vào ruột non.
Nếu túi mật bị cắt bỏ, mật từ gan vẫn sinh ra nhưng không được dự trữ trong túi mật như trước mà chuyển dần vào ruột non. Vì vậy, trong các trường hợp mắc các bệnh lý nghiêm trọng ở túi mật thì chỉ định cắt bỏ túi mật sẽ được thực hiện.
Cắt bỏ túi mật để điều trị các bệnh nghiêm trọng ở túi mật.
2. Ai cần phẫu thuật cắt túi mật?
2.1. Ung thư túi mật
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể được chỉ định ở những bệnh nhân bị ung thư túi mật để điều trị ung thư hoặc để giảm đau, hạn chế các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Nếu ung thư đã lan ra ngoài túi mật, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật triệt để hơn.
2.2. Ai cần phẫu thuật cắt túi mật? – Người bệnh có sỏi túi mật
Sỏi túi mật là sự kết tụ thành một khối rắn chắc của các thành phần có trong dịch mật, chủ yếu là cholesterol, bilirubin (sắc tố mật), canxi. Sỏi mật trong một số trường hợp không gây ra triệu chứng và không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu sỏi mật quá to gây đau, tắc đường mật thì có thể cần thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ túi mật.
Một trường hợp khác là sỏi túi mật trong ống dẫn mật. Sỏi túi mật có thể làm tắc nghẽn ống dẫn cho phép mật chảy từ túi mật hoặc gan xuống ruột non gây đau, vàng da và nhiễm trùng. Đây là tình trạng đòi hỏi phải điều trị y tế ngay lập tức và có thể phải phẫu thuật cắt túi mật để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
2.3. Người bệnh bị viêm túi mật
Viêm túi mật – tình trạng túi mật bị viêm, xảy ra khi sỏi kẹt ở cổ túi mật. Bệnh gây ra các triệu chứng là sốt và đau dữ dội. Khoảng 20% bệnh nhân viêm túi mật cấp tính bắt buộc phải mổ cấp cứu để cắt bỏ túi mật ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lan rộng hoặc thủng túi mật.
Hình ảnh một ca phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi.
2.4. Ai cần phẫu thuật cắt túi mật? – Người bệnh có polyp túi mật
Khi túi mật có polyp kích thước lớn hơn 10mm hoặc kích thước polyp có dấu hiệu tăng nhanh thì cần xem xét tới khả năng cắt túi mật. Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị tối ưu nhất.
Đặc biệt, trường hợp có đồng thời cả sỏi túi mật và polyp túi mật lớn thì chỉ định cắt túi mật chắc chắn được thực hiện để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
3. Phẫu thuật cắt túi mật có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Như đã nói ở trên, túi mật chỉ là nơi dự trữ mật từ gan đổ xuống, khi cần tiêu hóa thức ăn, túi mật sẽ co bóp, tống mật xuống ruột. Sau khi cắt túi mật, mật sẽ đổ trực tiếp từ gan xuống tá tràng. Mới đầu người bệnh có thể cảm thấy chán ăn, chậm tiêu, ngứa, đau bụng… nhưng sau một thời gian, cơ thể sẽ thích nghi dần, hệ tiêu hóa trở lại bình thường, sẽ không còn tình trạng này nữa. Do đó phẫu thuật cắt túi mật không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Tuy nhiên, vì không còn nơi dự trữ mật cũng như cơ chế điều tiết mật nên người bệnh sau cắt túi mật cần chú ý tới chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt và làm việc khoa học để giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra được thuận lợi.
4. Những lưu ý cho người bệnh sau cắt túi mật
Như đã nói ở trên, sau thực hiện phẫu thuật cắt túi mật, người bệnh cần quan tâm với những lưu ý lớn như sau:
4.1. Lưu ý chế độ ăn uống
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ không cần phải kiêng khem kỹ thứ gì nếu đường mật ở bên trong – ngoài gan cùng chức năng gan không bị tổn thương và vẫn hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, để tốt hơn cho hệ tiêu hóa, sau khi phẫu thuật cắt túi mật, bệnh nhân nên chọn ăn những thực phẩm dễ tiêu, tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ. Đồng thời, hãy tập thói quen vừa ăn vừa thăm dò cơ thể, nếu bất kỳ biểu hiện đáng ngờ nào thì cần linh hoạt điều chỉnh chế độ ăn hoặc thăm khám khi cần.
Sau cắt túi mật, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn khoa học, đủ dưỡng chất.
4.2. Lưu ý chế độ sinh hoạt
Khi sức khỏe đã ổn định trở lại, người bệnh có thể sinh hoạt, làm việc, vận động thể chất như bình thường. Cần lưu ý rằng, không nên làm quá sức và hãy bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng rồi mới tăng dần cường độ lên. Nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng, stress kéo dài.
4.3. Lưu ý chế độ thăm khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ
Sau phẫu thuật cắt túi mật thì nguy cơ tái phát sỏi mật hay viêm nhiễm sau cắt vẫn có thể xảy ra. Vì thế, để phòng ngừa tốt tình trạng này, người bệnh nên chú ý tẩy giun đều 6 tháng/lần và thăm khám sức khỏe tiêu hóa định kỳ.
Các trường hợp người bệnh sau phẫu thuật gặp phải những triệu chứng như: rét run, sốt rét, bị nôn hoặc buồn nôn dữ dội, sưng hoặc tấy đỏ quanh vết mổ, cảm giác chướng bụng, đau bụng, co rút bụng, bị vàng da, vàng mắt,… thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra.
Như vậy, bạn đã có cho mình câu trả lời ai cần phẫu thuật cắt túi mật cùng những ảnh hưởng cũng như lưu ý sau cắt túi mật. Trong trường hợp phải thực hiện phẫu thuật, bạn không cần quá lo lắng mà hãy lựa chọn bệnh viện uy tín để tiếp nhận việc điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm khi kéo dài bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.