Chế độ dinh dưỡng luôn là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi chúng ta. Với người bệnh ung thư thì dinh dưỡng lại càng có vai trò quan trọng bởi nó có thể tác động tới khả năng phục hồi hay nguy cơ tái phát bệnh. Cụ thể, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu người bệnh nên ăn gì sau khi điều trị ung thư vú bằng phẫu thuật.
1. Dinh dưỡng sau phẫu thuật ung thư vú quan trọng ra sao?
Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật ung thư vú là một vấn đề rất quan trọng và nhận được nhiều quan tâm từ các chị em. Bởi sau phẫu thuật, đặc biệt là nếu kết hợp điều trị phẫu thuật với hóa trị hay xạ trị từ trước đó thì cơ thể người bệnh thường có hiện tượng chán ăn, mất sức, thiếu dinh dưỡng và giảm cân.
Trong giai đoạn này, chế độ ăn hợp lý có thể giúp người bệnh bổ sung dinh dưỡng để nhanh hồi phục, vết mổ chóng liền hơn và đặc biệt là hạn chế được các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, hay một số biến chứng khác sau phẫu thuật.
Ngược lại, nếu người bệnh không có một chế độ dinh dưỡng phù hợp thì sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình hồi phục, thậm chí có thể khiến bệnh tái phát và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về lâu dài.
Chính vì vậy, gia đình và người nhà cần xây dựng một thực đơn lành mạnh, hợp lý cho các bữa ăn hàng ngày của bệnh nhân dưới hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo được hiệu quả tốt nhất cho quá trình điều trị.
2. Nên ăn gì sau khi điều trị ung thư vú bằng phẫu thuật?
Dưới đây là một số loại thực phẩm được khuyến khích thêm vào thực đơn của người bệnh sau phẫu thuật ung thư vú:
2.1. Thực phẩm giàu protein giúp thúc đẩy quá trình hồi phục
Bệnh nhân ung thư vú sau khi phẫu thuật thường cần nhiều protein (chất đạm) hơn bình thường để có thể chữa lành các tế bào bình thường, chống nhiễm trùng và làm lành vết mổ.
Có thể bổ sung protein cho cơ thể thông qua bột protein, sữa bột, trộn pho mát với rau, khoai tây, cơm. Một số loại thức ăn nhẹ chứa nhiều protein như đậu nành, hạnh nhân,… cũng là lựa chọn hoàn hảo.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần bổ sung chất đạm để nhanh lấy lại sức và hồi phục
2.2. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ các tế bào trong cơ thể không bị tổn thương và hư hại. Một số chất chống oxy hóa phổ biến có thể kể đến như:
– Beta-carotene: thường có trong khoai lang, quả mơ, cà rốt, các loại rau củ và trái cây có màu cam.
– Lycopene: thường có trong cà chua, bưởi hồng và là chất tạo nên màu đỏ, hồng trong những loại quả này.
Thay vì sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp thì bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú nên áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung các loại thực phẩm tươi sống chứa chất chống oxy hóa như đã nêu ở trên.
2.3. Đậu nành và các món ăn từ đậu nành
Trong đậu nành có một hàm lượng lớn estrogen thực vật, đây là một loại chất dinh dưỡng có vai trò tương tự như estrogen trong cơ thể. Đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ và súp miso chính là những thực phẩm chứa nhiều estrogen thực vật này.
Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về lượng estrogen thực vật có thể bổ sung thêm thông qua thức ăn để không gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị ung thư vú.
Bổ sung vừa đủ đậu nành và các món ăn từ đậu nành sẽ rất tốt cho bệnh nhân ung thư vú
2.4. Một số loại thực phẩm khác
Ngoài những cái tên đã nhắc đến ở trên thì các loại thực phẩm sau đây cũng được chứng minh là tốt cho người bệnh ung thư vú và nên bổ sung sau khi phẫu thuật:
– Ngũ cốc nguyên hạt
– Thức ăn dạng lỏng, mềm (cháo, súp,…)
– Thực phẩm chứa nhiều kẽm (tôm, cua, sò, hàu,…)
– Thực phẩm chứa nhiều sắt (gan, tiết động vật, thịt bò, thịt dê, thịt cừu,…)
– Thực phẩm giàu vitamin A (cá, lòng đỏ trứng, cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ,…)
– Thực phẩm giàu vitamin C (rau ngót, cam, bưởi, dứa,…)
Người bệnh nên ăn các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin A, C
3. Một số lưu ý khác về chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư vú
Để trả lời cho câu hỏi ăn gì sau khi điều trị ung thư vú bằng phẫu thuật thì ngoài việc bổ sung thêm các loại thực phẩm bổ dưỡng, người bệnh và gia đình cũng cần lưu ý một vài điều sau đây:
– Ưu tiên lựa chọn các loại thức ăn giàu protein ít béo thay vì giàu chất béo.
– Tránh xa các loại đồ nướng, thịt hun khói, thịt nguội, chả lụa và xúc xích.
– Hạn chế sử dụng đồ uống có chứa cồn và chất kích thích, nếu uống rượu thì chỉ được uống tối đa 1-2 ly mỗi ngày.
– Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, bổ sung thêm các bữa phụ, đa dạng khẩu phần ăn.
Bên cạnh đó, gia đình và người nhà cũng nên linh hoạt lựa chọn các món ăn có đủ dinh dưỡng nhưng cũng phải phù hợp với sở thích và khẩu vị của người bệnh. Vận động, khuyến khích người bệnh ăn tự nguyện để người bệnh luôn giữ được tinh thần thoải mái, lạc quan.
Trên đây là một số hướng dẫn và lưu ý về chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho quá trình hồi phục của người bệnh sau khi điều trị ung thư bằng phẫu thuật cũng như ngăn bệnh tái phát. Để có thể xây dựng được một chế độ ăn phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của người bệnh thì bạn hãy thường xuyên trao đổi và trò chuyện với các bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng. Đừng vì chủ quan mà để cơ thể bị thiếu chất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và cả quá trình điều trị ung thư bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.