Các tế bào bạch cầu (máu trắng) đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Ở người bình thường, mức cho phép dao động từ 4.000 – 10.000 /mm3 máu. Trên 10.000 tế bào bạch cầu/mm3 được gọi là bạch cầu tăng. Vậy bạch cầu tăng có sao không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Tế bào bạch cầu tăng cao có thể liên quan tới nhiều bệnh, trong đó có ung thư.
Các tế bào máu trắng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, tìm kiếm sự xâm nhập của virus, vi khuẩn và nấm trong máu. Khi có sự xâm nhập này, các tế bào bạch cầu sẽ phát hiện ra và phá hủy chúng trước khi có thể gây bệnh. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, mỗi loại có chức năng riêng của chúng. Một số trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn ngoại, trong khi những tế bào khác tấn công các tế bào bị nhiễm virus. Các loại bạch cầu khác thậm chí có thể đóng một vai trò trong các phản ứng dị ứng!
Bạch cầu tăng có sao không?
Do các tế bào máu trắng có tác dụng chống lại nhiễm trùng, nên rất nhiều người trong số chúng ta cho rằng, mức độ cao của tế bào bạch cầu là có lợi? Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Bạch cầu tăng cao chỉ ra nhiều vấn đề có thể là nhiễm trùng, căng thẳng, viêm nhiễm, chấn thương, dị ứng… thậm chí nguy hiểm hơn, đó có thể là ung thư.
Một số nguyên nhân khiến bạch cầu tăng cao:
Sau khi tập thể dục nặng, bạch cầu cũng thường tăng.
Nhiễm trùng: chẳng hạn như vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc vi rút nhân lên trong máu, tủy xương của chúng ta tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn để chống lại nhiễm trùng. Nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến viêm, do đó có thể làm cho số lượng tế bào máu trắng tăng lên.
Hút thuốc hoặc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): COPD bao gồm bệnh phổi và đường hô hấp như khí phế thũng hoặc viêm phế quản mạn tính làm tắc nghẽn đường khí. Tình trạng này thường được gây ra bởi hút thuốc lá, dẫn đến viêm trong phổi và đường dẫn khí. Khi bạn bị viêm, cơ thể sẽ tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn để chống lại nó.
Bệnh bạch cầu: là một loại ung thư làm tăng đáng kể số lượng tế bào máu trắng trong máu. Các tế bào bạch cầu này thường không có tác dụng chống lại nhiễm trùng như tế bào bình thường, không những vậy nó nhân lên không ngừng, chiếm diện tích của các tế bào máu khỏe mạnh khác, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho người bệnh.
Rối loạn hệ thống miễn dịch: như bệnh Crohn hoặc Graves có thể làm tăng mức độ tế bào máu trắng.
Ở những người có số lượng tế bào máu trắng cao, có thể đi kèm các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi…
Căng thẳng: căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất cũng có thể làm tăng số lượng bạch cầu. Tuy nhiên, sau khi hết căng thẳng, mức độ bạch cầu sẽ trở lại bình thường.
Tập luyện thể thao: Nếu bạn xét nghiệm máu ngay sau khi tập luyện, tế bào bạch cầu cũng có thể tăng cao hơn bình thường, tương ứng với cường độ và thời gian tập luyện. Sau đó, lượng bạch cầu sẽ giảm xuống mức bình thường. Vì vậy, để kết quả chính xác, bạn nên chờ 1 ngày sau buổi tập luyện nặng để xét nghiệm.
Chính bởi có rất nhiều nguyên nhân khiến bạch cầu tăng cao mà không phải lúc nào cũng là bệnh lý, do vậy, chúng ta không nên quá lo lắng, tốt nhất nên tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Thông thường, trong trường hợp này bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân, từ đó mới có thể tư vấn điều trị nếu cần thiết.
Các triệu chứng của số lượng bạch cầu tăng cao là gì?
Cách duy nhất để thực sự xác định mức độ bạch cầu là xét nghiệm máu. Những người có bạch cầu tăng thường không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Tuy nhiên, những người bị tăng bạch cầu cũng có thể gặp các triệu chứng khác như: sốt, ngất xỉu, chảy máu, bầm tím, giảm cân và đau trên cơ thể.
Để đặt lịch khám, vui lòng liên hệ Tổng đài 1900 55 88 92/ hotline: 0936 388 288.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.