Không ít sản phụ hiện nay phải đối mặt với tình trạng tắc tia sữa. Cách điều trị tắc tia sữa như thế nào? Cần chú ý những gì khi khắc phục tình trạng tắc tia sữa? Tất cả sẽ được bật mí qua những thông tin dưới đây.
1. Tắc tia sữa – Vấn đề nan giải của nhiều sản phụ
Lòng ống dẫn sữa bị hẹp, không đủ rộng khiến tia sữa không thể chảy ra một cách bình thường, dẫn đến hiện tượng tắc tia sữa sau sinh. Dần dần, sữa bị dồn ứ lại, chị em sẽ cảm thấy đau tức vùng ngực, sữa rỉ ra khiến cho tuyến vú dễ bị viêm, có mủ. Vì vậy, đây được coi là vấn đề nan giải khiến rất nhiều mẹ bỉm phải đau đầu tìm các xử lý.
Một số biến chứng có thể xảy đến nếu tình trạng tắc tia sữa không được khắc phục gồm áp xe vú, viêm tuyến vú, xơ hóa và u xơ tuyến vú,…
Thông thường, tình trạng tắc tia sữa sẽ có một số biểu hiện cụ thể như sau:
– Vắt, hút nhưng sữa không ra hoặc ra ít.
– Bầu ngực luôn có cảm giác căng tức khó chịu, đến mức nóng ran, ngứa ngáy.
– Có thể xuất hiện hạch, cục do sữa bị tắc lâu ngày.
– Mẹ có thể bị sốt do vú sưng đau, bị viêm, có mủ, kích thích hệ miễn dịch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mẹ bỉm bị tắc tia sữa sau sinh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, một số nguyên nhân chính gồm:
– Mẹ nhiều sữa, bé không bú hết, sữa tồn đọng, vón cục.
– Sữa chưa chảy ra sau khi sinh nở hoặc bé bú chưa đúng cách, chưa đúng khớp ngậm.
– Cho bé bú không thường xuyên, sữa dễ vón cục, gây tắc tia sữa.
– Mẹ bị stress, căng thẳng, thường xuyên mệt mỏi.
– Ngực thường xuyên phải chịu áp lực, sức ép, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa.
Tắc tia sữa là vấn đề thường gặp ở rất nhiều mẹ sau sinh
2. Các cách điều trị tắc tia sữa hiệu quả
Tắc tia sữa không những dễ gây ra nhiều biến chứng như viêm tuyến vú, áp xe vú, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của mẹ mà còn khiến cho bé không được bú đủ sữa mẹ, thấp còi, nhẹ cân, khó phát triển thể trạng tốt, đề kháng kém. Vì vậy, việc điều trị là vô cùng cần thiết và phải được thực hiện nhanh chóng.
2.1. Điều trị tắc tia sữa bằng cách cho bé bú thường xuyên
Cho bé bú thường xuyên vừa giúp mẹ biết cách để bé ngậm đúng khớp, vừa giúp thông tia sữa, kích thích hoạt động tiết sữa của tuyến vú. Mẹ nên đổi nhiều tư thế để tìm được tư thế lực hút mạnh nhất, giúp thông tia sữa nhanh hơn.
Bé bú đúng cách, lực hút đủ sẽ giúp sữa được tiết ra dễ dàng hơn. Vậy nên, các mẹ nên lưu ý cho bé bú thường xuyên hơn ở bên bầu vú bị tắc sữa. Đặc biệt, khi bé đói, nên cho bú vì lúc này bé sẽ tập trung hơn vào việc hút sữa, giúp sữa không bị tắc, vón cục, khiến bầu ngực khó chịu, căng tức.
2.2. Massage tại nhà
Có rất nhiều bài tập massage bầu ngực nhằm kích thích tia sữa, điều trị tắc tia sữa hiệu quả. Các mẹ không nên massage quá mạnh mà chỉ cần dùng lực vừa đủ, xoa ấm hai bàn tay trước khi thực hiện để hiệu quả massage được tốt nhất. Mẹ nên tranh thủ thời gian, massage thường xuyên để giúp cho tuyến vú được thông tia sữa, cũng giảm bớt đau tức do tắc sữa, ứ đọng trong bầu ngực.
Các mẹ nên lựa chọn tư thế thoải mái trước khi tiến hành massage thông tắc tuyến sữa. Thông thường, tư thế tốt nhất là nằm ngửa, thả lỏng. Mẹ dùng một tay đỡ bầu ngực, tay còn lại xoa, massage nhẹ nhàng với lực vừa đủ. Massage theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, tối thiểu 20 phút mỗi lần để sữa không còn là các cục cứng gây đau, tắc.
Sau khi thực hiện, các mẹ có thể nặn thử xem sữa có tiết ra ở đầu núm vú hay không. Cứ cách 2 đến 3 tiếng, các mẹ nên massage một lần để kích thích tuyến sữa lưu thông.
2.3. Khắc phục tắc tia sữa bằng lược
Đây là một phương pháp dân gian được truyền miệng. Cách sử dụng rất đơn giản. Mẹ chỉ cần dùng lược dày, chải đều từ trong ra ngoài hai bên bầu ngực. Cách này giúp tia sữa được khơi thông, cải thiện tình trạng tắc tia sữa hiệu quả.
2.4. Chườm nóng trị tắc tia sữa
Bên cạnh massage, các mẹ có thể ứng dụng phương pháp chườm nóng để cải thiện tình trạng sữa vón cục. Bạn có thể sử dụng một chiếc khăn mỏng, nhúng vào nước ấm và chườm lên ngực. Hiện tại, có rất nhiều loại túi chườm nóng cũng có thể sử dụng để chườm tại nhà, đơn giản và nhanh chóng.
2.5. Sử dụng thuốc điều trị tắc tia sữa
Hiện nay, việc sử dụng thuốc trị tắc tia sữa vừa tiện lợi, vừa nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc chữa tắc tia sữa cũng có tác động thay đổi hormone nội tiết tố của mẹ bỉm sau sinh. Bởi vậy, ngoài việc tìm hiểu kỹ về thành phần, tác dụng phụ của thuốc, các mẹ nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên phù hợp nhất, tránh việc dùng thuốc sai cách, dẫn đến những hệ quả ảnh hưởng tới sức khỏe.
2.6. Chiếu đèn hồng ngoại chữa tắc tia sữa
Đây là phương pháp vật lý tiên tiến, giúp chữa tắc tia sữa hiệu quả, an toàn mà các mẹ bầu thường lựa chọn thời gian gần đây. Phương pháp này sử dụng tia hồng ngoại, tác động vào các đường ống sữa trong bầu ngực, làm giãn nở, thông tắc ống sữa. Không chỉ vậy, tia hồng ngoại còn có tác dụng kích thích lưu thông mạch máu, tăng tuần hòa máu, tốt cho sức khỏe của mẹ và giúp điều trị dứt điểm tắc tia sữa.
Điều trị tắc tia sữa có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và bé
Tình trạng tắc sữa kéo dài có thể dẫn đến áp xe vú, viêm nhiễm tuyến vú. Thậm chí, một số trường hợp nhiễm trùng quá nặng khiến bầu ngực bị hoại tử tuyến vú, cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, việc thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ là rất quan trọng. Khi cảm thấy tình trạng tắc tia sữa không có chuyển biến tích cực, chị em cần nhanh chóng đi khám, nghe theo chỉ định của bác sĩ, tiến hành điều trị để tránh những hệ quả đáng tiếc.
3. Một số lưu ý khi khắc phục tình trạng tắc tia sữa
Những cách khắc phục tình trạng tắc tia sữa được chia sẻ trên đây đều rất đơn giản, dễ áp dụng hàng ngày. Tuy nhiên, các mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Tùy vào từng cơ địa, chị em có thể thực hiện phương pháp trị tắc sữa cho phù hợp. Không nên dùng những cách có thể gây kích ứng, dị ứng trên da.
– Khi áp dụng các bài thuốc hay phương pháp dân gian, chị em nên tìm hiểu kỹ càng, tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh áp dụng sai khiến tình trạng trở nên nặng hơn.
– Nên điều trị từ khi tia sữa mới tắc để có hiệu quả tốt hơn.
– Kiên trì thực hiện để nhận được hiệu quả tốt nhất.
– Không nên sử dụng tiếp nếu phương pháp đó làm bạn cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy, nổi mẩn trên da.
Để phòng tránh tình trạng tắc tia sữa sau sinh, chị em nên thực hiện một số lưu ý như:
– Cho bé bú thường xuyên, thử nhiều tư thế để kích thích sữa về.
– Nghỉ ngơi đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường các món ăn lợi sữa.
– Uống nhiều nước ấm.
– Tránh để đầu óc căng thẳng, mệt mỏi, không nên suy nghĩ nhiều.
Các mẹ bầu nên cho bé bú sớm để tránh gặp tình trạng tắc tia sữa
Đó là một số lưu ý đối với những mẹ bỉm đang gặp phải tình trạng tắc tia sữa sau sinh. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, mẹ bỉm khi gặp tình trạng tắc tia sữa cần thực hiện thăm khám, kiểm tra và nghe lời khuyên từ các bác sĩ chuyên khoa. Tuy các cách làm trên được thông tin rộng rãi, thế nhưng, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, các mẹ vẫn nên nghe theo chỉ định từ bác sĩ.
Tại Thu Cúc TCI, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Sản sẽ trực tiếp thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân khi gặp tình trạng tắc tia sữa. Thu Cúc TCI sử dụng phương pháp điều trị tắc tia sữa chiếu tia hồng ngoại, an toàn, hiệu quả nhanh chóng, dứt điểm. Bên cạnh đó, chuyên khoa Dinh dưỡng sẽ tư vấn cho các mẹ cách xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, giúp cải thiện nội tiết tố, tăng cường hoạt động của tuyến sữa. Từ đó, các mẹ bỉm không những không phải lo về vấn đề tắc tia sữa mà còn cải thiện, phục hồi tốt sức khỏe sau sinh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.