bBệnh cơ tim giãn là một trong những bệnh lý cơ tim thường xảy ra ở độ tuổi 20 – 50. Các bệnh nhân có thể không xuất hiện triệu chứng nhưng cũng có thể có những biểu hiện của tình trạng của rối loạn nhịp, suy tim. Cùng tìm hiểu cơ tim giãn là bệnh gì, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị ra sao qua bài viết sau.
1. Bệnh cơ tim giãn là gì?
Bệnh cơ tim giãn là một bệnh lý cơ tim liên quan đến sự bất thường về kích thước, mà cụ thể là sự giãn nở các buồng tim. Tình trạng giãn nở thường bắt đầu từ tâm thất trái với hiện tượng thất trái phì đại, giãn rộng và yếu dần.
Khi thất trái giãn nhẹ, các buồng tim khác sẽ cố gắng giãn nở để giữ được nhiều máu nhất đi nuôi cơ thể. Sau một thời gian, tất cả các buồng tim đều giãn rộng ra, khiến các thành cơ tim yếu đi và không thể co bóp để bơm máu mạnh như trước.
Bệnh lý này có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là ở nam giới từ 20 – 50 tuổi. Một số trường hợp bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Cơ tim giãn là bệnh lý cơ tim đặc trưng bởi tình trạng buồng tim giãn rộng, thành tim suy yếu và giảm sức có bóp.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây giãn cơ tim
Cho đến nay, đa số trường hợp mắc bệnh đều không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tâm thất trái bị giãn và suy yếu, bao gồm:
– Béo phì
– Bệnh đái tháo đường
– Bệnh tăng huyết áp
– Các bệnh lý tuyến giáp
– Rối loạn nhịp tim
– Lạm dụng rượu, cocain
– Sử dụng thuốc trong quá trình điều trị ung thư
– Nhiễm trùng
– Các chất độc như chì, thủy ngân và coban
– Biến chứng ở giai đoạn cuối của thai kỳ
– Bệnh cơ tim chu sản
– Tổn thương cơ tim sau cơn đau thắt ngực
– Tiền sử gia đình (người nhà bị giãn nở cơ tim)
– Rối loạn hệ thống miễn dịch, như bị lupus gây viêm cơ tim
– Rối loạn thần kinh cơ
Trong đó, yếu tố di truyền chiếm khoảng 25 – 50% các trường hợp giãn cơ tim. Khoảng 30 – 40% người lớn mắc bệnh này có liên quan đến các bệnh tự miễn.
3. Triệu chứng của bệnh giãn cơ tim
Bệnh cơ tim giãn nếu không được phát hiện sớm và khắc phục kịp thời có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim, thuyên tắc do cục máu đông. Người bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu thường xuất hiện hầu hết là biểu hiện của suy tim hay rối loạn nhịp tim gây nên, bao gồm:
– Mệt mỏi, thậm chí đến tột độ do tim không thể cung cấp đủ máu đi nuôi cơ thể
– Khó thở do phổi không được cung cấp đủ oxy hoặc xảy ra thuyên tắc
– Giảm khả năng gắng sức do tim suy yếu
– Sưng (phù) ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc ở bụng do cơ chế giữ lại nước và natri của thận
– Tăng cân, ho và sung huyết
– Đau tức ngực
– Chóng mặt, ngất xỉu
– Có tiếng thổi ở tim
Nếu tốc độ máu chảy quá chậm có thể gia tăng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu tại nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, não, các chi gây nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi, đột quỵ, thuyên tắc mạch ngoại biên…
Mệt mỏi, khó thở, sưng phù,… có thể là những triệu chứng suy tim ở người bệnh bị giãn cơ tim.
4. Chẩn đoán cơ tim giãn
4.1 Chẩn đoán lâm sàng
Khi thăm khám tại chuyên khoa tim mạch, các bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng mà bạn gặp phải, các yếu tố bệnh sử, tiền sử gia đình. Sau đó, kiểm tra bằng các thao tác sờ tim, gõ tim, nghe tim… Qua đó đưa ra những nhận định ban đầu.
4.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Một số xét nghiệm, chụp chiếu có thể dùng trong chẩn đoán bệnh cơ tim giãn gồm:
– Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ có những đánh giá về tình trạng sức khỏe của bạn, đồng thời giúp phát hiện nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa hay độc tố trong máu – các yêu tố có thể gây giãn nở cơ tim.
– X-quang ngực: Kiểm tra cấu trúc và kích thước của tim, phổi, lượng dịch trong hoặc quanh phổi.
– Điện tâm đồ (ECG): Tìm kiếm các dấu hiệu nhịp tim bất thường, từ đó xác định các vấn đề đang xảy ra ở tâm thất trái.
– Siêu âm tim: Tái hiện hình ảnh của tim nhờ các sóng âm thanh, từ đó cho thấy độ giãn rộng của tâm thất trái nếu có, xác định lượng máu được bơm ra khỏi tim mỗi nhịp đập và hướng đi của dòng máu.
– Chụp CT hoặc MRI: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định một trong các kỹ thuật này để kiểm tra kích thước và chức năng của tâm thất trái.
Nếu bác sĩ đã sử dụng các phương pháp trên mà không xác định được nguyên nhân gây bệnh thì nguyên nhân di truyền sẽ được xem xét. Khi đó, các thành viên khác trong gia đình có thể được kiểm tra để sàng lọc yếu tố di truyền.
5. Điều trị bệnh giãn cơ tim
Sau khi chẩn đoán, tùy theo mức độ của bệnh và tình hình sức khỏe của từng bệnh nhân mà cá bác sĩ có thể sử dụng một hoặc một số phương pháp điều trị kết hợp với thay đổi lối sống nhằm cải thiện bệnh.
5.1 Các phương pháp điều trị bệnh cơ tim giãn
Các loại thuốc có thể làm chậm tiến triển của bệnh, thậm chí trong một số trường hợp còn giúp cải thiện tình trạng tim. Các nhóm thuốc được chỉ định có thể bao gồm: thuốc chẹn beta, thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE), thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông,…
Các loại thuốc này có tác dụng làm giảm nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim, ức chế hoạt động co mạch, giảm độc tính lên tế bào cơ tim, điều hòa nhịp tim, giảm tích nước, ngăn huyết khối,… nhờ vậy giúp giảm nguy cơ biến chứng và tử vong ở người bệnh.
Ở những bệnh nhân có bệnh tiến triển nặng, điều trị nội khoa không đáp ứng, các bác sĩ có thể cân nhắc việc can thiệp phẫu thuật hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ tạo nhịp, tăng khả năng co bóp cho tim.
Dù điều trị bằng phương pháp nào, bệnh nhân cũng cần thăm khám và tuân theo các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để việc điều trị đạt được hiệu quả tối ưu, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chứng cơ tim giãn có thể được chẩn đoán và điều trị hiệu quả tại chuyên khoa tim mạch uy tín.
5.2 Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị bệnh cơ tim giãn
Để quá trình điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh bị giãn cơ tim và bệnh nhân tim mạch nói chung nên bổ sung các loại hoa quả như chuối, cam, quýt, dưa đỏ, đậu nành, ngũ cốc, yến mạch, rau xanh, các loại nấm… Bổ sung các loại cá và thịt trắng. Các thực phẩm này giúp điều hòa nhịp tim, cân bằng huyết áp, duy trì ổn định các chỉ số đường huyết, nhờ đó ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó nên hạn chế thức ăn chứa nhiều muối, thực phẩm chứa nhiều chất béo. Duy trì tập thể dục thể đều đặn với cường độ vừa để cải thiện sức khỏe, tránh hoạt động thể lực mạnh làm tăng gánh nặng cho tim.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh cơ tim giãn. Lưu ý, những kiến thức trong bài viết chỉ mang tính tham khảo không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần đi khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.