Bệnh đau đầu hầu như không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm khác.
1. Bệnh đau đầu là gì?
Đau đầu là bệnh cực phổ biến ở mọi lứa tuổi. Đau đầu là cảm giác đau nhức ở phần đầu do nhiều chứng bệnh khác nhau gây ra. Cơn đau có thể xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn hoặc kéo dài ở bất kỳ vị trí nào trên đầu.
Đau đầu kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh
Đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh được chia thành nhiều loại như: Đau nửa đầu, đau đầu chuỗi, đau đầu do xoang, căng cơ, do chấn thương…
2. Triệu chứng bệnh đau đầu là gì
Một số triệu chứng đau đầu phổ biến là:
2.1. Đau đầu căng cơ
Khi bị đau, người bệnh cảm thấy nhức giống như đầu bị quấn, bó chặt. Cơn đau thường xảy ra ở hai bên đầu và diễn ra trong một thời gian ngắn.
2.2. Đau nửa đầu
Các cơn đau xuất hiện ở một bên đầu, kéo dài từ vài giờ đến cả ngày và thường xuyên lặp lại. Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn hoặc nôn đi kèm. Đồng thời, khi bị đau nửa đầu, người bệnh thường nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi.
2.3. Đau từng cơn
Cơn đau đầu nhức nhối bắt đầu ở khu vực xung quanh mắt, có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ. Đi kèm cơn đau có thể là các triệu chứng sưng mắt, sụp mí, chảy nước mắt, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
3. Nguyên nhân do đâu
3.1. Các bệnh lý gây đau đầu
Người mắc các bệnh như viêm xoang, đau nửa đầu, thiếu máu… thường sẽ xuất hiện tình trạng đau đầu.
– Viêm xoang: Hầu hết các trường hợp viêm xoang thường xuyên có tình trạng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Muốn dứt điểm cơn đau này cần điều trị khỏi bệnh viêm xoang.
Viêm xoang gây ra tình trạng đau nửa đầu thường xuyên
– Đau nửa đầu Migraine: Triệu chứng này thể hiện rõ ở các cơn đau nửa đầu không cố định. Lúc đau, da đầu căng và giật từng cơn. Cơn đau bình thường đến dữ dội. Bệnh đau nửa đầu phổ biến ở phụ nữ trung niên. Các triệu chứng bệnh chủ yếu xảy ra vào buổi sáng.
Đau nửa đầu Migraine không nguy hiểm, tuy nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân. Một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh.
– Thiếu máu: Thiếu máu, đặc biệt thiếu máu lên não sẽ tạo ra những cơn đau nhức đầu nghiêm trọng, kèm theo mệt mỏi, chóng mặt… Để dứt điểm tình trạng này, bệnh nhân cần điều trị khỏi bệnh thiếu máu.
– Tăng nhãn áp: Bệnh lý ở hệ thần kinh mắt, đặc biệt là các bệnh lý tăng nhãn áp, rối loạn điều tiết… sẽ gây ra cơn đau dữ dội.
– Người mắc các bệnh như: tăng huyết áp, lupus ban đỏ, tăng huyết áp…
3.2. Đau đầu là dấu hiệu của một số bệnh
Đau đầu có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm. Do vậy người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời.
– Tai biến mạch máu não: Tình trạng đầu đau nhức liên tục, có thể kèm theo giảm thị lực, giảm khả năng nói, mất thăng bằng, nôn mửa, thay đổi ý thức, tê bì vùng mặt… có thể là triệu chứng thường thấy của tai biến mạch máu não.
– Khối u não: Khoảng 50% người bệnh u não thường xuyên bị đau đầu. Cơn đau nặng hơn vào ban đêm và ngày càng dữ dội. Người bệnh cần chụp CT hoặc MRI để chẩn đoán kịp thời nếu phát hiện các cơn đau như thế này.
– Nhiễm trùng não hoặc màng não: Các cơn đau liên tục đi kèm các biểu hiện như sốt, cứng vùng gáy, sợ ánh sáng… là dấu hiệu bệnh nhiễm trùng não hoặc nhiễm trùng màng não. Bệnh nhân cần xét nghiệm máu, chụp MRI và chọc dò dịch tủy để chẩn đoán đúng bệnh.
– Di chứng chấn thương: Các chấn thương từ nhẹ đến nặng ở vùng đầu có thể gây tụ máu và là nguyên nhân dẫn tới đau đầu. Để chấm dứt cơn đau, người bệnh cần phẫu thuật giải phóng dây thần kinh theo chỉ định của bác sĩ.
3.3. Nguyên nhân không do bệnh lý
Một số lý do đau đầu không do bệnh lý đó là:
– Mất nước
– Căng thẳng kéo dài
– Thay đổi hormone sau sinh
– Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc ở chu kỳ kinh nguyệt.
– Tác dụng phụ của thuốc
– Sử dụng nhiều đồ uống không tốt như bia rượu, cà phê…
– Rối loạn thói quen sinh hoạt
Các nguyên nhân ngoài bệnh lý thường lành tính, người bệnh cần chú ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt đảm bảo khoa học, để chấm dứt các cơn đau.
4. Điều trị dứt điểm bệnh đau đầu
Trước tiên, để điều trị bệnh, bạn cần có lối sống khoa học, lành mạnh, đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Nếu các cơn đau nhức dữ dội và liên tục không rõ nguyên nhân, bạn cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đau dữ dội và kéo dài cần đi khám ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm
4.1. Sử dụng thuốc điều trị
Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau (không kê đơn) như như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, không được lạm dụng các thuốc này vì có thể gây ra tình trạng đau đầu mãn tính.
Đối với trường hợp đau liên tục và kéo dài, người bệnh cần đi khám ngay. Các cơn đau có thể là dấu hiệu các bệnh lý nguy hiểm. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị bệnh để làm giảm các cơn đau.
4.2. Phương pháp điều trị thay thế
– Biofeedback (Phản hồi sinh học) giúp người bệnh kiểm soát chức năng sinh lý học của cơ thể
– Châm cứu
– Trị liệu tâm lý
– Thiền định
– Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Trước khi áp dụng các phương pháp điều trị thay thế, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị theo tình trạng bệnh. Các phương pháp này chỉ giúp hỗ trợ giảm triệu chứng, không có khả năng trị bệnh triệt để. Vì vậy, người bệnh cần đi khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để dứt điểm bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.