Bệnh hẹp động mạch vành là một bệnh lý tim mạch không hề đơn giản. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người bệnh, thậm chí là tử vong. Vậy bạn biết gì về chứng hẹp động mạch vành, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về bệnh hẹp mạch vành qua bài viết sau đây?
1. Định nghĩa bệnh hẹp động mạch vành
Trong cơ thể con người tồn tại một hệ thống mạch máu để nuôi dưỡng cơ tim, được gọi là động mạch vành. Khi mạch vành thông thoáng, mềm mại thì cơ tim sẽ nhận đủ máu, tim mới có thể co bóp bình thường và đưa máu giàu dinh dưỡng và oxy nuôi cơ thể. Nhưng khi động mạch vành bị tắc hẹp do nhiều nguyên nhân sẽ khiến dòng máu lưu thông trong động mạch vành bị cản trở, lượng máu cung cấp để nuôi cơ tim không đủ. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của tim cũng như mọi hoạt động của cơ thể. Tình trạng đó gọi là hẹp mạch vành.
Hẹp động mạch vành là hiện tượng lòng mạch bị thu hẹp khiến máu lưu thông khó khăn
2. Nguyên nhân của bệnh mạch vành
Nguyên nhân chủ yếu gây hẹp mạch vành là do sự hình thành của các mảng xơ vữa. Do sự tích tụ và lắng đọng của cholesterol và các chất khác trên thành mạch theo thời gian. Ở người bệnh hẹp mạch vành, cholesterol và trong máu lắng đọng lại trên thành mạch. Hậu quả là hình thành nên các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch. Các mảng xơ vữa cản trở dòng máu, làm giảm lưu lượng máu tới cơ tim và gây ra cơn đau thắt ngực.
Những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành bao gồm:
– Tuổi
– Giới tính
– Di truyền
– Dân tộc
– Hút thuốc lá
– Các bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tiều đường
– Thói quen lười vận động
3. Nhận diện bệnh hẹp mạch vành như thế nào?
Thông thường, khi các mảng xơ vữa còn ít và chưa bị xơ cứng, người bệnh hầu như không có triệu chứng gì, hoặc các triệu chứng không rõ rệt. Nhưng theo thời gian, nhưng các mảng xơ vữa ngày một dày lên, xơ cứng hơn sẽ khiến thành mạch không còn khả năng đàn hồi như trước. Thêm vào đó, diện tích lòng mạch bị thu hẹp trên 50% khiến người bệnh có các triệu chứng:
– Đau thắt ngực
– Lồng ngực bị đè nén, bóp nghẹt
– Đôi khi có thể cảm thấy nhói buốt, bỏng rát rất khó chịu
– Đâu có thể đau lan ra cổ, hàm, vai và cánh tay
Một số trường hợp, người bệnh không xuất hiện triệu chứng đau ngực. Đó là hiện tượng thiếu máu cơ tim thầm lặng.
Ngoài ra, một số biểu hiện khác của bệnh hẹp vành mà bạn có thể gặp phải như:
– Mệt mỏi
– Khó thở
– Đầy bụng
– Khó tiêu
– Buồn nôn
4. Những biến chứng của bệnh hẹp mạch vành
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh hẹp mạch vành là nhồi máu cơ tim. Những cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây nguy tính mạng của bạn bất cứ lúc nào mà bạn không thể lường trước được.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một đoạn động mạch vành bị tắc hoàn toàn do mảng xơ vữa bị nứt vỡ và hình thành cục máu đông. Nếu thấy đột nhiên bị mệt, lo lắng, bồn chồn, đột nhiên khó thở, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn,…và đặc biệt là cơn đau ngực dữ dội kéo dài hơn 20 phút, đã sử dụng thuốc mà không có dấu hiệu thuyên giảm, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.
Dù may mắn không gặp phải hiện tượng nhồi máu cơ tim nhưng chứng hẹp mạch vành cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho tim. Cụ thể là tình trạng suy tim, rối loạn nhịp tim khó tránh khỏi.
Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm của bệnh hẹp động mạch vành
5. Chẩn đoán bệnh hẹp mạch vành
Bệnh hẹp mạch vành có thể nhận biết qua những triệu chứng lâm sàng nhưng cũng có thể không có biểu hiện gì (trong những trường hợp thiếu máu cơ tim thầm lặng). Ngoài ra, một số triệu chứng của bệnh có thể dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác như các bệnh về phổi, bệnh cơ xương khớp, bệnh liên quan đến các dây thần kinh,…Do vậy, để biết mình có bị hẹp động mạch vành không bạn cần đi khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết như:
– Điện tim
– Siêu âm tim
– Chụp mạch bằng MSCT hoặc cộng hưởng từ MRI
– Nghiệm pháp gắng sức
Ngoài ra, cần xét nghiệm máu hoặc kiểm tra huyết áp, nồng độ cholesterol máu,…và các yếu tố tiền sự bệnh khác để thêm căn cứ chẩn đoán.
6. Điều trị bệnh hẹp mạch vành
Mục tiêu của việc điều trị bệnh hẹp mạch vành là cải thiện các triệu chứng của bệnh, thu hẹp các mảng xơ vữa giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Tùy vào từng tình trạng của bệnh nhân sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp bao gồm:
6.1 Điều trị bệnh hẹp động mạch vành không dùng thuốc
Tình trạng hẹp tắc ở mạch vành liên quan rất mật thiết đến thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng. Do vậy, khi mắc bệnh này, bạn nên chủ động điều chỉnh lối sống. Xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh là chìa khóa giúp bệnh được cải thiện rất nhiều. Cụ thể:
– Hạn chế cholesterol xấu có trong các loai mỡ, nội tạng động vật, đồ chiên rán. Thay bằng các loại cá, thịt gia cầm, rau củ quả, gạo lứt…
– Từ bỏ chất kích thích, dừng hút thuốc lá – nguyên nhân gây co thắt mạch vành.
– Giữ tâm lý thoải mái giúp giảm nguy cơ co thắt mạch, tăng huyết áp, nứt vỡ mảng xơ vữa.
– Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút/ngày để góp phần kiểm soát tốt cân nặng, giảm cholesterol trong máu và giảm thiểu nguy cơ khiến bệnh trở nặng. Ngoài ra, các bộ môn như nghe nhạc, câu cá, tập thiền, Yoga, tập hít sâu thở chậm…cũng có tác dụng rất tốt.
Tập luyện giúp cải thiện sức khỏe, đặc biệt là ở những người mắc bệnh mạch vành
Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng trong những trường hợp bệnh nhẹ hoặc hỗ trợ quá trình điều trị bằng các phương pháp khác. Để biết mức độ bệnh của mình và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp, bạn cần đi khám với các bác sĩ tim mạch để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị phù hợp.
6.2 Điều trị bệnh hẹp động mạch vành bằng thuốc
Các loại thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh mạch vành có thể được sử dụng để điều trị trong các tình huống khẩn cấp hoặc điều trị lâu dài. Các nhóm thuốc bao gồm:
– Thuốc hạ mỡ máu
– Thuốc chống đông
– Thuốc hạ huyết áp
– Thuốc giãn mạch
Người bệnh cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc khi chưa được thăm khám và kê đơn. Tuân thủ chỉ định và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất thường để có phương án điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp.
Nếu tình trạng tắc hẹp quá nghiêm trọng (trên 70%) hoặc bệnh nhân gặp phải những biến chứng không mong muốn hoặc điều trị ngoại khoa không có tác dụng thì có thể các bác sĩ sẽ chỉ định cân nhắc các phương pháp điều trị khác. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về các phương pháp điều trị bệnh mạch vành, bệnh nhân vui lòng liên hệ để được giải đáp chi tiết.
Như vậy, hẹp động mạch vành là một bệnh lý có thể gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng không mong muốn. Ý thức của người bệnh là một yếu tố rất quan trọng trong phòng ngừa và điều trị căn bệnh này. Đừng quên thăm khám thường xuyên và khám sớm khi có các triệu chứng của bệnh để được các bác sĩ đồng hành trong suốt quá trình điều trị nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.