Hở van động mạch phổi là căn bệnh nguy hiểm. Khi các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, tím tái xuất hiện thì đồng nghĩa với việc bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc nắm rõ các dấu hiệu, phát hiện và điều trị từ sớm khi van còn hở nhẹ chính là cơ hội để người bệnh phục hồi sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
1. Thế nào là hở van động mạch phổi?
Hở van động mạch phổi là tình trạng lá van nằm giữa tim và động mạch phổi không thể đóng kín, khiến cho máu chảy ngược về tim thay vì được bơm lên phổi. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời thì sau một thời gian lượng máu và oxy đi nuôi cơ thể sẽ giảm, khiến người bệnh gặp các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi.
Bệnh được chia làm 4 loại khác nhau, tùy thuộc vào mức độ hở như:
– Mức độ nhẹ: hở van ¼
– Mức trung bình: Hở van 2/4
– Mức nặng: Hở van ¾
– Rất nặng: Hở van 4/4
Các thống kê cho thấy việc hở van động mạch phổi tới mức ¾ thường ít khi xảy ra, chủ yếu xuất hiện ở những người bị bệnh van tim bẩm sinh.
Bệnh đa phần ở mức độ nhẹ, các mức độ nặng thường do hở van tim bẩm sinh gây ra
2. Nguyên nhân gây hở van
Hở van động mạch phổi hiếm khi xảy ra, đa phần các trường hợp hở van là do bẩm sinh, còn được gọi là hở van nguyên phát. Tuy nhiên, người trưởng thành cũng có thể bị mắc căn bệnh này do một số nguyên nhân thứ phát như:
– Tăng huyết áp phổi thứ phát
– Phình động mạch phổi
– Sốt thấp khớp
– Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
– Biến chứng sau khi đặt ống thông tim
Các nguyên nhân này đa phần thường do chế độ sinh hoạt không lành mạnh của người bệnh. Bệnh dễ xảy ra nhất với dân văn phòng thường do ngồi nhiều, ít vận động. Những người có thói quen ăn uống không khoa học cũng rất dễ mắc bệnh do tích tụ mỡ thừa và tăng các mảng xơ vữa trong thành mạch máu.
3. Các biến chứng thường gặp của bệnh
Bệnh hở van động mạch phổi nhẹ thường rất ít khi xuất hiện các triệu chứng hay biến chứng có thể phát hiện được. Người bệnh chỉ có thể phát hiện khi tình cơ thăm khám sàng lọc các vấn đề về tim mạch. Do vậy, khi các dấu hiệu trở nên nhận biết đc cũng là lúc bệnh đã trở nặng hơn, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như:
– Khó thở, nhất là khi tập luyện hay hoạt động gắng sức
– Suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu, đầu óc quay cuồng, dễ ngất xỉu
– Cảm giác tức ngực, đau ngực, các cơn đau có thể nhói lên hoặc âm ỉ như kim châm
Nặng hơn, người bệnh có thể gây tím tái, phì đại gan, phù chân, và cuối cùng có thể dẫn đến suy tim.
Đừng để đến khi các triệu chứng này xuất hiện rõ ràng mới đi khám. Tốt nhất là bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ 3 đến 6 tháng 1 lần tại các chuyên khoa tim mạch uy tín. Đặc biệt phải thật cẩn trọng khi bản thân mình có vấn đề về van tim từ trước hay các yếu tố nguy cơ khác như:
– Đã từng phẫu thuật điều trị hẹp van động mạch phổi
– Nhiễm trùng van tim do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
– Tăng huyết áp động mạch phổi từ trước.
Đau tức ngực, khó thở là biến chứng phổ biến ở người bệnh hở van tim nói chung
4. Hở van động mạch phổi nguy hiểm hay không?
So với các bệnh hở van hai lá và hở van động mạch chủ, thì loại hở loại van này ít nguy hiểm hơn. Bệnh chỉ nguy hiểm khi van động mạch phổi bị hở quá nhiều khiến máu không lên được phổi để lấy oxy. Từ đó khiến hoạt động lưu thông máu qua tim bị rối loạn. Máu bị ứ trệ và gây ra tình trạng khó thở, mệt mỏi, đau thắt ngực.
Hở van động mạch phổi nặng nếu không được phát hiện kịp thời, về lâu dài sẽ dẫn đến suy tim, hình thành huyết khối và gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
5. Một số phương pháp điều trị bệnh thường gặp
Đầu tiên, cần phải xác định mục tiêu của việc điều trị bệnh này là:
– Điều trị từ nguyên nhân
– Làm giảm các triệu chứng
– Ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra
Người bệnh nên áp dụng một số phương pháp sau đây để việc điều trị đạt hiệu quả cao.
5.1 Phương pháp nội khoa điều trị hở van động mạch phổi
Điều trị nội khoa sử dụng thuốc luôn được các bác sĩ khuyến khích và ưu tiên để tư vấn, nhất là đối với những bệnh nhân bị hở van loại nhẹ hoặc trung bình. Việc sử dụng thuốc không giúp van trở về như ban đầu. Nhưng sẽ giúp trì hoãn khả năng tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một số loại thuốc thường được các bác sĩ kê đơn bao gồm: Thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi, thuốc chống hình thành huyết khối, thuốc lợi tiểu hoặc một số loại thuốc khác có khả năng trợ tim. Bạn cần tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị bệnh van động mạch phổi
5.2 Điều trị bằng phẫu thuật
Khi bệnh lý tiến triển sang giai đoạn nặng hay rất nặng, không thể kiểm soát được bằng thuốc hoặc các phương pháp khác. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật sửa van tim hoặc thay van nhân tạo.
Với phẫu thuật sửa van, còn tùy vào nguyên nhân gây hở van mà bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau như: cắt, khâu… để thu hẹp bớt đường kính cho các van khép kín lại với nhau.
Trường hợp chỉ định thay van tim, người bệnh có thể được ghép một trong hai loại van là van sinh học và van cơ học. Khi thay van cơ học, người bệnh sẽ phải uống thuốc chống đông máu trong suốt quá trình về sau, và phải theo dõi chỉ số về tim định kỳ. Đối với van sinh học, bệnh nhân chỉ phải sử dụng thuốc chống đông trong 3 tháng đầu.
5.3 Thay đổi lối sống giúp hỗ trợ điều trị hở van động mạch phổi
Chế độ ăn uống, sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị các bệnh tim mạch, do vậy, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:
– Hạn chế ăn muối để giảm gánh nặng cho tim
– Kiêng rượu bia và các đồ uống chứa chất kích thích khác
– Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo xấu như mỡ động vật, các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò,… Ăn nhiều rau củ quả tươi hơn, bổ sung thêm các loại cá giàu omega 3.
– Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vừa sức của bản thân như đi bộ, yoga, đạp xe…
– Tránh căng thẳng thần kinh kéo dài, ngủ đủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày.
Hở van động mạch phổi không phải vấn đề quá nghiêm trọng nếu chỉ hở nhẹ và bạn có một lối sống lành mạnh, khoa học. Nếu có các triệu chứng nghi ngờ là biểu hiện của bệnh lý này thì bạn nên thăm khám ngay tại các chuyên khoa tim mạch uy tín để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.