Dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn hay kéo dài, bệnh mất ngủ cũng có thể gây những ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, cuộc sống và sức khỏe của bạn. Nhẹ là tình trạng buồn ngủ, mất tập trung, kém tỉnh táo, nặng là các bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, ung thư,… Vậy bệnh mất ngủ kéo dài là gì, nguyên nhân và cách chẩn đoán ra sao?
1. Mất ngủ kéo dài là gì?
Trong cuộc sống, không ít người gặp phải tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, trằn trọc, tỉnh dậy nhiều lần trong đêm, mất nhiều thời gian để trở lại với giấc ngủ, thậm chí không thể ngủ lại, sáng dậy mệt mỏi, cảm giác không được nghỉ ngơi,… Đây đều là những biểu hiện cho thấy có thể bạn đã bị mất ngủ.
Mất ngủ có thể chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, từ vài ngày đến vài tuần, hoặc tần suất dưới 3 lần/tuần, và được gọi là mất ngủ cấp tính. Trong khi nhiều trường hợp, mất ngủ có thể kéo dài trên 1 tháng hoặc liên tục trên 3 lần/tuần, được gọi là mất ngủ mạn tính.
Mất ngủ kéo dài có thể gây mệt mỏi, mất tập trung, suy giảm trí nhớ, làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh. Mất ngủ trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư (ung thư đại tràng, ung thư vú…).
Tình trạng mất ngủ kéo dài liên tục trên 1 tháng thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng ngày càng trẻ hóa.
2. Các nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ kéo dài
Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Việc xác định nguyên nhân gây mất ngủ là bước quan trọng giúp cho quá trình điều trị thuận lợi và hiệu quả. Một số nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ kéo dài gồm:
2.1 Stress
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chứng mất ngủ kéo dài. Ngày nay, con người, nhất là những người trẻ thường xuyên phải đối mặt với khối lượng công việc nặng nề, cuộc sống bận rộn, những lo toan về cơm áo gạo tiền. Sự căng thẳng, lo âu kéo dài khiến chúng ta có khả năng cao bị mất ngủ.
2.2 Sử dụng chất kích thích
Các loại đồ uống có cồn như bia rượu, chất chứa caffeine như cà phê, trà thường khiến hệ thần kinh hưng phấn hơn bình thường và cần thời gian để được hấp thụ và đào thải hết khỏi cơ thể. Do đó nếu dùng các chất này với liều lượng lớn hoặc quá sát giờ ngủ thì sẽ gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài.
2.3 Thuốc
Một số thuốc điều trị tăng huyết áp, corticoid, thuốc chống trầm cảm,…nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách sẽ làm phát sinh các các triệu chứng mất ngủ.
2.4 Môi trường sống
Môi trường sống bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn có thể phá hỏng chu kỳ ngủ, gây mất ngủ. Ngoài ra, lệch múi giờ do phải đi công tác, làm ca đêm cũng có thể gây mất ngủ.
2.5 Các bệnh lý
Khi mắc các căn bệnh mạn tính, những triệu chứng kéo dài, dai dẳng vào ban đêm có thể làm người bệnh khó chịu và mất ngủ. Các căn bệnh thường gặp là viêm khớp, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn, tiền liệt tuyến,… Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh mất ngủ mạn tính ở nhóm người lớn tuổi.
Các bất thường về não và hệ thần kinh có thể khiến người bệnh bị mất ngủ kéo dài.
3. Chẩn đoán mất ngủ kéo dài
3.1 Chẩn đoán lâm sàng bệnh mất ngủ kéo dài
Mất ngủ kéo dài có nhiều biểu hiện khác nhau trên lâm sàng, tùy theo từng đối tượng. Tuy nhiên, nhưng có một số triệu chứng có thể giúp nhận ra tình trạng này như:
– Mất ngủ vào buổi tối
Như đã nói ở trên, các biểu hiện mất ngủ thường gặp nhất là khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc giữa đêm và khó ngủ lại, thức dậy quá sớm vào buổi sáng.
– Mất ngủ vào buổi trưa
Các chuyên gia khuyến khích việc ngủ một giấc ngắn khoảng 30 – 60 phút vào buổi trưa, điều này sẽ giúp tái tạo năng lượng cho các hoạt động buổi chiều. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh mất ngủ mạn tính, việc này cũng trở nên hết sức khó khăn, khiến tinh thần khó chịu và cơ thể càng uể oải hơn.
– Đau đầu
Do tế bào thần kinh không được cung cấp đủ máu, hệ thần kinh sẽ thường xuyên bị căng thẳng. Người bệnh thường đau đầu vào ban đêm, càng khiến bệnh mất ngủ kéo dài và diễn tiến xấu hơn. Cũng có những người khác bị đau đầu vào buổi sáng sau một đêm không ngon giấc.
– Mệt mỏi, chán ăn
Do thường xuyên mất ngủ, cơ thể không được hồi phục năng lượng, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi uể oải, ăn kém.
– Suy giảm trí nhớ
Giảm trí nhớ, khó tập trung vào công việc, học tập là dấu hiệu đáng báo động cho thấy mất ngủ đã thực sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
– Các rối loạn tâm lý kèm theo
Người bệnh bị mất ngủ dài ngày có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần kinh, đặc biệt là trầm cảm.
Khi đến khám, các bác sĩ thường sẽ hỏi về các triệu chứng lâm sàng, lịch sử giấc ngủ của bạn bao gồm: Giờ đi ngủ, giờ thức dậy, mức độ buồn ngủ ban ngày… Bệnh nhân cũng có thể phải hoàn thành bảng câu hỏi để xác định các yếu tố trên. Bên cạnh đó, các yếu tố bệnh sử cũng sẽ được khai thác, góp phần vào việc chẩn đoán.
Chẩn đoán bệnh mất ngủ với chuyên gia Nội thần kinh
3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng bệnh mất ngủ kéo dài
Dựa các triệu chứng, bệnh sử kể trên, các bác sĩ có thể phán đoán nguyên nhân gây mất ngủ.
Theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng như:
– Xét nghiệm máu
– Siêu âm tuyến giáp, ổ bụng,…
– Chụp X-quang
– Chụp vi tính cắt lớp đa dãy CT
– Chụp cộng hưởng từ MRI
Sau khi tìm được nguyên nhân gây bệnh và mức độ mất ngủ,… các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp như thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc, phẫu thuật.
Như vậy, bệnh mất ngủ kéo dài gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng nếu được phát hiện và điều trị sớm. Khi thấy các dấu hiệu mất ngủ, hãy thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.