Alzheimer là bệnh lý thuộc hệ thần kinh, nó phá hủy não bộ khiến trí nhớ ngày càng “cạn kiệt” không thể hồi phục. Bệnh Alzheimer còn được mệnh danh là “kẻ đánh cắp trí nhớ”. Đây không đơn thuần là sự suy giảm trí nhớ ở tuổi già mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh mất trí nhớ alzheimer cần được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp làm chậm quá trình tiến triển bệnh, cũng như giảm bớt các triệu chứng khó chịu mà bệnh gây ra.
1. Hiểu đúng về bệnh alzheimer
Bệnh Alzheimer là một dạng của hội chứng sa sút trí tuệ, thuộc bệnh lý hệ thần kinh. Đây không phải sự suy giảm trí nhớ do quá trình lão hóa theo tuổi tác thông thường, mà là một bệnh lý thoái hóa não bộ không hồi phục.
Alzheimer phá hủy từ từ các tế bào não, làm suy yếu khả năng ghi nhớ, suy luận, đồng thời làm thay đổi cử chỉ và thái độ của người bệnh.
Bệnh mất trí nhớ alzheimer xảy ra ở cả nam và nữ, với tỷ lệ như nhau. Đa số các bệnh nhân bị alzheimer đều trên 65 tuổi, tuy nhiên cũng có trường hợp người mắc bệnh alzheimer khởi sớm khoảng 40 – 50 tuổi.
Đây được coi là căn bệnh phổ biến trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100,000 người bị chết vì bệnh alzheimer. Đây là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu hiện nay. Tại Mỹ, theo thống kê cứ khoảng 3 người cao tuổi sẽ có 1 người tử vong vì bệnh Alzheimer hoặc các dạng mất trí khác, con số tử vong do căn bệnh này chỉ đứng sau bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, một số bệnh về đường hô hấp và tai nạn giao thông.
Bệnh Alzheimer gây tổn thương nhiều đến người mang bệnh và gia đình của họ (người chăm sóc người bệnh alzheimer sẽ gặp rất nhiều khó khăn vất vả).
Alzheimer phá hủy từ từ các tế bào não, làm suy yếu khả năng ghi nhớ, suy luận, đồng thời làm thay đổi cử chỉ và thái độ của người bệnh.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh alzheimer
2.1 Nguyên nhân gây bệnh mất trí nhớ alzheimer
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được cụ thể nguyên nhân gây bệnh mất trí nhớ alzheimer là gì. Những giả thuyết được đưa ra có thể do yếu tố di truyền hoặc một số yếu tố khác như tuổi tác, chấn thương đầu, bệnh lý tim mạch (cao huyết áp), nhiễm trùng não, nhiễm chất độc, những thay đổi về khả năng kháng cự của cơ thể,… cùng một số yếu tố khác vẫn đang được điều tra.
2.2 Biểu hiện của người bệnh mất trí nhớ alzheimer
Người bị mất trí nhớ alzheimer ngoài sự đãng trí, không nhớ nổi các sự kiện mới xảy ra gần đây trong quá khứ mà cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn rất nhiều.
Người bệnh khó thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, khả năng quyết định suy giảm dần, hay đi lang thang hoặc đi lạc, tính cách thay đổi so với trước (dễ cáu gắt, nhạy cảm, tự ti hoặc hung hăng), nói chậm, chữ viết nhỏ, khó phát ngôn (rối loạn ngôn ngữ).
Khi bệnh tiến triển ngày càng nặng, người bệnh sẽ không tự chăm sóc mình, tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt cá nhân như thường ngày mà phải có người hỗ trợ.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh alzheimer là sự suy giảm trí nhớ, nhất là các sự kiện diễn ra mới đây như vừa ăn gì, uống gì, làm gì người bệnh khó có thể nhớ được.
3. Những tốn kém khi điều trị bệnh alzheimer
Không chỉ làm suy giảm sức khỏe của người bệnh, gây khó khăn cho người chăm sóc người bệnh mà bệnh alzheimer còn tạo ra gánh nặng kinh tế không hề nhỏ đối với gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.
Do bệnh tiến triển một cách âm thầm, thường kéo dài từ hai đến mười năm, nhưng cũng có thể đến 20 năm. Trong những trạng thái cuối cùng của căn bệnh, người bệnh sẽ cần được chăm sóc 24 giờ trên 24 cho những dịch vụ thường nhật như ăn uống, tắm rửa, đi tiểu tiện, và mặc áo quần.
Một số gia đình có người mắc bệnh alzheimer, có thể phải dành riêng một người khỏe mạnh chỉ để ở bên cạnh bệnh nhân để chăm sóc sức cũng như giúp người bệnh thực hiện các hoạt sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có điều kiện, gia đình có người mắc bệnh alzheimer phải gửi người bệnh vào viện dưỡng lão và thuê người chăm sóc riêng cho người bệnh. Những khoản chi phí điều trị, chăm sóc cho người bệnh alzheimer từ lúc chẩn đoán bệnh và sau này là không nhỏ.
Tại Mỹ, theo thống kê năm 2016 thì tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân alzheimer được Hiệp hội Alzheimer Mỹ thống kê là đã đạt tới con số 236 tỷ đô la. Dự kiến chi phí này sẽ còn tăng lên do tỷ lệ người mắc bệnh alzheimer trên toàn cầu đang có xu hướng gia tăng và ở Mỹ cũng vậy. Dự kiến đến năm 2050, tổng chi phí điều trị bệnh alzheimer ở Mỹ có thể đạt tới con số 1 nghìn tỷ đô la. Đây là gánh nặng chi phí không nhỏ đối với quốc gia và gia đình người bệnh.
Bệnh Alzheimer chưa có phương pháp điều trị khỏi hẳn nhưng cần được phát hiện và điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh mất trí nhớ alzheimer
Mặc dù không có cách điều trị khỏi, cũng như chi phí điều trị cao nhưng người bệnh alzheimer vẫn cần được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị phù hợp.
4.1 Chẩn đoán
Không có một thử nghiệm duy nhất nào để chẩn đoán ra căn bệnh này. Thường trước khi xác định bệnh Alzheimer, tất cả các lý do khác và bệnh tình tương tự khác phải được loại ra. Những bệnh đó là sầu não (phiền muộn), dược tố phản tác, sự thay đổi cách biến chất trong cơ thể, thiếu dinh dưỡng, hoặc bị thương ở đầu và bị tắc mạch máu óc.
Sau khi xem xét tiểu sử đầy đủ về sức khỏe, khám tổng quát cơ thể, khám thần kinh, và khả năng tâm thần. Các thử nghiệm gồm có như xét nghiệm máu, thử nước tiểu, đo nhịp điện tim và chụp quang tuyến phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), điện não đồ (EEG), test khả năng nhận thức và tâm lý.
Thực chất để chẩn đoán chính xác bệnh alzheimer đòi hỏi phải khám và xét nghiệm tế bào óc, mà điều này chỉ có thể thực hiện khi giải phẫu tử thi (sau khi người bệnh đã mất).
4.2 Điều trị
Hiện nay chưa có một loại thuốc nào chuyên biệt để trị bệnh alzheimer. Thuốc được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để làm giảm triệu chứng rối loạn lo âu và những phản ứng khó lường được của người bệnh, cải thiện được giấc ngủ và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh. Bên cạnh đó cần kết hợp xây dựng chế độ ăn, uống, tập luyện và nghỉ ngơi phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.