Nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp cứu tim mạch hết sức nguy hiểm. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ tử vong ngay sau 15 phút sau khi phát bệnh. Trường hợp may mắn được cứu sống, người bệnh cũng phải đối mặt với những di chứng nặng nề. Cùng tìm hiểu xem bị nhồi máu cơ tim sống được bao lâu và làm cách nào để tăng tuổi thọ cho những bệnh nhân mắc bệnh này qua bài viết sau nhé!
1. Thực trạng bệnh nhồi máu cơ tim ở Việt Nam và trên thế giới
Theo ghi nhận tại các bệnh viện, cứ 10 bệnh nhân nhập viện vì bệnh tim mạch lại có 1 ca nhồi máu cơ tim. Tỉ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim chiếm tới 30% trong số các bệnh lý tim mạch và ngày càng có xu hướng gia tăng. Điều này đang đặt ra thách thức cho ngành y tế tro việc ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và kéo dài tuổi thọ cho các bệnh nhân.
Nhồi máu cơ tim chiếm 30% trường hợp tử vong vì bệnh tim mạch.
2. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim sống được bao lâu?
Theo Thư viện Y khoa Hoa Kỳ, tỉ lệ sống của nam giới bị nhồi máu cơ tim lần lượt như sau: 80% sống được trên 1 năm; 61,6% sống được trên 5 năm; 46,2% sống được trên 10 năm. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong sớm ở phụ nữ cao hơn 45% so với nam giới.
Dù được cứu sống, người bệnh bị nhồi máu cơ tim vẫn có nguy cơ tái phát. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 13% nam giới và 40% nữ giới tái phát bệnh trong vòng 5 năm sau cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên. Những người này cũng có nguy cơ bị suy tim cao hơn so với người bình thường.
Khả năng sống của người bệnh nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào thời gian phát hiện, các biện pháp cấp cứu ban đầu, quá trình điều trị và phục hồi của người bệnh.
3. Làm sao để tăng tuổi thọ cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim?
Sau đây là một số cách kéo dài sự sống cho các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.
3.1 Cấp cứu kịp thời
Nếu được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân có nhiều khả năng sống sót hơn. Theo các chuyên gia tim mạch, bệnh nhân nhồi máu cơ tim tốt nhất nên được điều trị trong vòng 6 tiếng đầu sau khi phát bệnh. Đây là khoảng thời gian vàng giúp tái thông mạch vành, cứu phần cơ tim còn lại. Nếu muộn hơn, cơ tim có thể bị hủy hoại hoàn toàn dẫn đến tử vong. Nếu được cấp cứu kịp thời, khả năng phục hồi về sau của bệnh nhân cũng sẽ tốt hơn.
– Khi nào cần gọi cấp cứu?
Bạn nên đến bệnh viện hoặc đưa người nhà đến bệnh viện hoặc gọi xe cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim như:
– Đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng
– Xuất hiện cơn đau thắt ngực, đau có thể lan lên cổ, hàm hoặc xuống tay
– Vã mồ hôi
– Buồn nôn hoặc nôn
– Choáng ngất
Trong thời gian chờ cấp cứu, thực hiện sơ cứu người bệnh.
– Các biện pháp sơ cứu
+ Dừng toàn bộ việc đang làm
+ Ngồi nghỉ dạng nửa nằm nửa ngồi trên mặt phẳng nghiêng góc 75 độ so với mặt đất
+ Nới lỏng cổ áo, cà vạt, cố gắng hít sâu, thở chậm và giữ bình tĩnh
+ Nhai ngay 1 viên Aspirin hoặc ngậm dưới lưỡi/xịt 1 liều NitrogIycerin.
+ Hô hấp nhân tạo trong trường hợp bất tỉnh bằng cách: Đặt bệnh nhân nằm xuống, thêm gối xuống dưới cổ, móc hết đờm dãi trong miệng bệnh nhân ra ngoài. Bịt mũi người bệnh và dùng miệng mình ngậm kín miệng bệnh nhân, thở liên tục 2 hơi, nhả ra lấy hơi và lặp lại. Hoặc thực hiện ép tim ngoài lồng ngực khoảng 60 lần/phút.
Khi được đưa đến chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín, bệnh nhân sẽ được thực hiện các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng để xác định loại nhồi máu cơ tim, mức độ nặng của bệnh và phương pháp điều trị bằng nội khoa hay can thiệp.
Bệnh nhân cần được sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời để bảo toàn tính mạng và tăng khả năng hồi phục.
3.2 Điều trị, phục hồi
Sau khi được cấp cứu thoát khỏi nguy hiểm, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi và điều trị duy trì bằng các loại thuốc theo đơn của bác sĩ kết hợp với chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Điều này giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và hạn chế nguy cơ tái phát, kéo dài tuổi thọ.
Các loại thuốc điều trị sau nhồi máu cơ tim gồm:
– Thuốc chống huyết khối
– Thuốc điều trị mỡ máu
– Thuốc chẹn beta
– Thuốc ức chế men chuyển
– Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II
Khi có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ, uống thuốc theo đơn, không tự ý tăng/giảm liều, không tự ý ngừng thuốc. Theo dõi trong quá trình sử dụng thuốc để điều chỉnh đơn thuốc nếu thấy tình hình xấu đi. Đồng thời cần theo dõi triệu chứng nhồi máu cơ tim để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi có nguy cơ tái phát.
3.3 Xây dựng lối sống khoa học
Lối sống lành mạnh, tích cực có ý nghĩa quan trọng trong điều trị các loại bệnh tật nói chung và bệnh nhồi máu cơ tim nói riêng. Đặc biệt, sau khi bị nhồi máu cơ tim, lối sống khoa học sẽ góp phần tích cực làm tăng hiệu quả điều trị, khả năng phục hồi và giúp ngăn ngừa tái phát. Một số biện pháp thay đổi lối sống cho các bệnh nhân nhồi máu cơ tim được các chuyên gia tim mạch đưa ra gồm:
– Vận động, tập thể dục vừa sức
Việc vận động nhẹ nhàng nhưng đều đặn mỗi ngày rất có ích trong việc phục hồi chức năng cơ tim. Thông thường, bạn có thể bắt đầu đi bộ ngay sau khi xuất viện. Khi các triệu chứng không còn, bạn có thể hoạt động tình dục sau 1 tuần và lái xe trong vòng 3 tuần. Tất nhiên, thời gian này còn phù thuộc vào sức khỏe từng bệnh nhân.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp người bệnh sau nhồi máu cơ tim sống lâu hơn và hạn chế tình trạng tái phát.
– Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
Sau tổn thương cơ tim, bạn càng cần chú ý hơn đến vấn đề dinh dưỡng. Hãy xây dựng mộ chế độ ăn tốt cho tim, cụ thể:
+ Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi hơn để bổ sung chất xơ và vitamin giúp hỗ trợ kiểm soát mỡ máu, bảo vệ mạch vành
+ Ăn nhạt, ít đường, ít mặn
+ Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo xấu như mỡ, nội tạng, thịt động vật có màu đỏ đậm, đồ chiên xào nhiều lần, thực phẩm chế biến sẵn…
+ Loại bỏ hoàn toàn thuốc lá
+ Hạn chế uống rượu bia, uống dưới 2 ly rượu vang, 1 cốc rượu mạnh hoặc 1 lon bia mỗi ngày.
Đây cũng là những biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim mà bạn nên áp dụng thường xuyên.
Như vậy có thể thấy, bị nhồi máu cơ tim sống được bao lâu phụ thuộc rất lớn vào ý thức điều trị và thái độ sống của người bệnh. Khi bị nhồi máu cơ tim, hãy chủ động tìm đến các chuyên khoa tim mạch uy tín để được cấp cứu kịp thời và hướng dẫn chăm sóc sau nhồi máu cơ tim. Điều này giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường tuổi thọ của bạn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.