Nấm âm đạo là bệnh lý phụ khoa có tới 75% phụ nữ mắc phải. Đây cũng là căn bệnh biểu hiện qua nhiều triệu chứng phức tạp, điển hình là triệu chứng viêm nấm ngứa tại vùng kín. Vậy tình trạng này diễn biến như thế nào và khi nào chị em nên tới gặp bác sĩ?
1. Nấm âm đạo – căn bệnh với nhiều triệu chứng diễn biến phức tạp
Bệnh lý nấm âm đạo thường khiến chị em phụ nữ “phát hoảng” với rất nhiều triệu chứng khó chịu. Diễn biến bệnh cũng khá phức tạp, thường xuyên tái phát, dễ lan rộng nên khiến cuộc sống, sinh hoạt của chị em bị ảnh hưởng khá nhiều.
Tác nhân gây nấm âm đạo phổ biến nhất là nấm Candida albicans. Nấm Candida là loại nấm tồn tại sẵn trong âm đạo, tuy nhiên với số lượng ít, đủ để giữ cân bằng môi trường âm đạo, giữ cho pH âm đạo được ổn định. Khi có bất cứ sự thay đổi nào khiến cho môi trường âm đạo không còn được cân bằng, tế bào nấm Candida sẽ tăng lên nhanh chóng và khiến cho pH âm đạo không còn ổn định, sinh ra viêm nhiễm.
Biểu hiệu đặc trưng của nấm âm đạo khá nhiều. Trong đó, tình trạng viêm nấm ngứa là điển hình nhất, có thể gặp ở các bệnh nhân nấm âm đạo cấp và mãn tính.
Bệnh nhân bị nấm âm đạo cấp, mãn tính đều gặp phải tình trạng viêm nấm ngứa
Việc phát hiện sớm triệu chứng nấm ngứa khó chịu sẽ giúp chị em phụ nữ kiểm soát hiệu quả diễn biến của bệnh, đồng thời có biện pháp điều trị phù hợp từ sớm. Dấu hiệu này có thể khác nhau tùy theo vị trí nhiễm nấm và mức độ viêm nhiễm.
– Bệnh nhân có cảm giác ngứa quanh các môi lớn, môi bé và bên trong âm đạo. Kèm theo đó, một số trường hợp còn có thể phát hiện mụn nước đỏ hoặc trắng. Những trường hợp này, nấm có thể lan rộng tới hậu môn hay vùng bẹn.
– Khi viêm nấm phát triển nặng hơn, nghiêm trọng hơn, triệu chứng ngứa, viêm loét tại âm đạo cũng phức tạp hơn. Ngứa có thể kéo dài cả ngày dài, thậm chí ngứa nhiều hơn vào ban đêm.
– Kèm theo cơn ngứa, vùng kín sẽ tiết ra nhiều dịch âm đạo. Dịch này có kết cấu đặc, thường có màu vàng hoặc trắng ngà như phomai. Mùi của dịch nhầy thường hôi nồng, rất khó chịu. Nếu tình trạng viêm kéo dài, màu sắc và mùi hôi sẽ càng đậm hơn, cơn ngứa cũng dữ dội hơn, thậm chí có thể khiến niêm mạc âm đạo bị loét, nhiễm trùng.
– Cảm giác ngứa ngáy thậm chí còn khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, đặc biệt là đau tại vùng kín và bụng dưới. Cảm giác đau sẽ rõ hơn khi người bệnh quan hệ tình dục hoặc trong quá trình tiểu tiện.
2. Viêm nấm ngứa mang đến hệ quả như thế nào và khi nào thì gặp bác sĩ?
Tình trạng viêm ngứa là triệu chứng điển hình khi bị nhiễm nấm âm đạo. Tuy nhiên, hệ quả của tình trạng này thì không phải ai cũng được rõ.
2.1. Viêm nấm ngứa mang đến hệ quả như thế nào?
Cũng giống như viêm nhiễm phụ khoa, tình trạng viêm ngứa có thể đi kèm nhiều hệ quả khó lường do tình trạng tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tại vùng kín.
Vùng kín là “cửa ngõ” dẫn đến các bệnh lý phụ khoa. Vì vậy, dưới tác động của viêm nấm, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy bất thường.
Viêm nấm phụ khoa có thể dẫn đến nhiều hệ lụy do nguy cơ tái phát rất cao
– Nấm tấn công sâu, người bệnh có thể bị viêm loét rộng, thậm chí viêm lan tới cổ tử cung, tử cung, gây viêm lộ tuyến, viêm tử cung.
– Tình trạng nấm âm đạo, viêm nấm ngứa kéo dài làm cho bộ phận sinh dục bị loét và tổn thương nặng nề. Từ đó dẫn tới triệu chứng đau rát tại vùng kín, cản trở mọi hoạt động, sinh hoạt của chị em, nhất là đời sống tình dục.
– Nấm ngứa âm đạo nếu ngày càng nghiêm trọng, rất có thể bệnh nhân đã bị viêm một số vùng sâu bên trong như nội mạc tử cung, vùng chậu, phần phụ.
– Đặc biệt, nếu bị viêm ngứa do nấm phụ khoa trong thai kỳ, các mẹ bầu cần hết sức cẩn thận vì có thể thai nhi sẽ gặp một số bệnh liên quan tới da liễu, tiêu hóa hay hô hấp. Thậm chí, mẹ bầu còn có thể sinh non do bào tử nấm phát triển, làm vỡ ối sớm.
2.2. Bị viêm nấm ngứa, khi nào chị em nên khám bác sĩ?
Nấm âm đạo có thể phát triển rất nhanh, kéo theo tình trạng viêm ngứa do nấm phụ khoa ngày càng dữ dội và khó kiểm soát. Bởi vậy, chị em nên chú ý đi khám bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện những vấn đề sau:
– Cơn ngứa tại vùng kín ngày càng khó kiểm soát, ngứa dai dẳng và dữ dội hơn.
– Nấm bắt đầu lan sâu vào các cơ quan sinh dục bên trong, làm cho người bệnh cảm thấy ngứa rát, ngứa kèm theo đau đớn.
– Triệu chứng bệnh làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của bạn.
Khi triệu chứng viêm nấm ngứa bắt đầu xuất hiện, chị em nên nhanh chóng tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám
– Xuất hiện triệu chứng nhưng chưa chắc chắn về nguyên nhân bệnh cũng như bệnh lý cụ thể.
– Điều trị với thuốc đặt, thuốc bôi kháng nấm nhưng không có hiệu quả.
– Xuất hiện những triệu chứng khác nghiêm trọng hơn như ra máu âm đạo, đau bụng dưới, loét vùng kín dẫn tới sốt cao,…
3. Làm thế nào để cải thiện viêm nấm ngứa, nấm âm đạo?
Để điều trị viêm nấm ngứa hiệu quả cũng như được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, mức độ triệu chứng của bản thân, chị em nên lựa chọn các cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành thăm khám.
Đối với tình trạng viêm ngứa từ nhẹ đến trung bình, biểu hiện bệnh không diễn ra thường xuyên, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc mỡ, kem chống nấm không kê đơn hoặc thuốc đạn. Những loại thuốc này cần chứa miconazole hoặc clotrimazole để khắc phục tình trạng nhiễm trùng âm đạo do nấm men. Thời gian điều trị thường kéo dài tối đa là 7 ngày.
Ngoài ra, với những trường hợp triệu chứng nghiêm trọng, nấm tái phát nhiều lần, bác sĩ cũng có thể chỉ định kết hợp thuốc uống đơn liều kèm theo fluconazole.
Một số trường hợp viêm nấm nghiêm trọng, thường xuyên tái phát, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa để có thể loại bỏ nấm dứt điểm.
Thuốc chống nấm điều trị dài ngày được dùng trong những trường hợp này. Bệnh nhân sử dụng thuốc này tối đa hai tuần, dùng hàng ngày, sau đó bệnh nhân tiếp tục điều trị mỗi tuần 1 lần và duy trì trong 6 tháng.
Bên cạnh việc điều trị, mỗi người bệnh cũng nên chú ý đến vấn đề vệ sinh, giữ sạch vùng kín trong và sau khi loại bỏ nấm. Vệ sinh sạch, đúng cách giúp chị em cải thiện các triệu chứng của bệnh nhanh hơn, đặc biệt là tình trạng viêm nấm ngứa.
Chị em nên lắng nghe và tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa
Trên đây là những thông tin cần biết về triệu chứng điển hình của viêm nấm phụ khoa, nấm vùng kín. Chị em nên tạo thói quen khám phụ khoa định kỳ thường xuyên để có thể phòng ngừa nhiễm nấm, nhiễm khuẩn âm đạo, chủ động hơn trong điều trị bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.