Bệnh tim đập không đều là dấu hiệu thường gặp của các bệnh lý về tim mạch. Tim đập không đều, loạn nhịp tim có thể chỉ gây khó chịu nhẹ nhưng cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Rối loạn nhịp tim xảy ra khi các xung điện trong trái tim phối hợp nhịp tim không hoạt động đúng, làm trái tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc đột xuất.
Bệnh tim đập không đều khá phổ biến và thường ít nguy hiểm. Tuy nhiên, một số rối loạn nhịp tim có thể gây khó chịu thậm chí đe dọa tính mạng, vì vậy phát hiện sớm dấu hiệu cũng như nguyên nhân gây bệnh là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Tim đập không đều là những biểu hiện thường gặp của các bệnh lý liên quan tới tim mạch
1. Triệu chứng bệnh tim đập không đều
Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm là những dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh. Trường hợp tim đập quá chậm sẽ khiến người bệnh có thể bị chóng mặt hoặc ngất và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở, phù mắt cá chân,… còn nếu tim đập quá nhanh triệu chứng thường gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, nếu nặng có thể có biểu hiện suy tim.
Đánh trống lồng ngưc là biểu hiện thường gặp của bệnh loạn nhịp tim, bạn có thể thấy tim mình đập nhanh và mạnh kèm theo choáng ngất, khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng, đau đầu và ra nhiều mồ hôi,…
2. Chẩn đoán bệnh tim đập không đều
Điện tâm đồ là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh rối loạn nhịp tim (ảnh minh họa)
Nếu chỉ căn cứ vào mô tả và các triệu chứng khám lâm sàng sẽ không thể chẩn đoán chính xác bệnh về tim mạch đặc biệt là chứng rối loạn nhịp tim. Điện tâm đồ là phương pháp cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn nhịp.
Tuy nhiên, điện tâm đồ chỉ ghi lại nhịp tim ở thời điểm nhất định.Vì vậy, cần phương pháp chuyên sâu hơn như: Máy ghi điện tâm đồ liên tục, loại thiết bị này được đeo vào người với các điện cực gắn trên thành ngực, điện tâm đồ theo dõi nhịp tim suốt 24h, có thể ghi lại được những cơn rối loạn nhịp không gây triệu chứng hoặc vào ban đêm khi bạn đang ngủ,…
3. Nguyên nhân gây bệnh tim đập không đều
Bệnh tim đập không đều hay còn gọi là rối loạn nhịp tim thường là do stress, thiếu ngủ, sử dụng thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác…
– Tình trạng rối loạn điện giải: natri, kali, calci…
– Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim…
Ngoài ra, có một số trường hợp bị tim đập không đều mà không rõ nguyên nhân.
4. Các loại bệnh tim đập không đều
4.1. Rối loạn nhịp nhanh
4.1.1. Nhịp nhanh kịch phát trên thất
Nhịp nhanh xuất hiện đột ngột, ngay cả khi đang nghỉ ngơi hoặc ngủ. Tần số tim dao động từ 150 – 210 lần/phút và nhịp tim đều. Bệnh nhân thường chỉ có triệu chứng nhẹ như hồi hộp, thở mệt, hụt hơi, yếu sức, khó chịu ở ngực. Một số trường hợp khác biểu hiện nặng hơn như choáng váng, tụt huyết áp, mệt mỏi.
4.1.2. Cuồng nhĩ
Trong cuồng nhĩ, tâm nhĩ có sự co thắt nhanh và đều. Tần số co thắt khoảng 240 – 340 lần/phút. Triệu chứng tương tự như các chứng rối loạn nhịp nhanh trên thất khác. Biểu hiện cụ thể là hồi hộp, khó thở, yếu sức, ran ngực, chóng mặt. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng của đột quỵ.
4.1.3. Rung nhĩ
Trong rung nhĩ, tâm nhĩ hoạt động không đồng bộ với xung động rất nhanh, không đều. Điều này tạo ra nhịp tim nhanh và không đều.
4.1.4. Nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất có nguy cơ và khả năng gây tổn hại sức khỏe. Ngoài ra, nhịp nhanh thất còn có thể là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác.
4.1.5. Rung thất
Là dạng nguy hiểm nhất trong các rối loạn nhịp nhanh. Rung thất đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Bệnh nhân rung thất thoáng qua thường bị choáng váng, tối sầm mắt, cảm giác tay chân nhẹ hẫng. Nếu cơn rung thất kéo dài khoảng 10 giây, bệnh nhân sẽ thoáng mất ý thức.
Khi cơn rung thất kéo dài hơn 10 giây, người bệnh bị ngất và các cơ quan liên quan bắt đầu bị tổn thương. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu ngay để giảm nguy cơ tử vong.
4.2. Các rối loạn nhịp chậm
4.2.1. Hội chứng suy nút xoang
Nhịp tim bình thường sẽ được tạo ra bởi nút xoang. Nếu nút xoang gặp vấn đề sẽ khiến khả năng tạo nhịp không còn như trước, dẫn đến nhịp chậm.
Bệnh lý này thường diễn tiến chậm nên bệnh nhân có thể thích nghi dần với nhịp chậm. Triệu chứng bệnh thường gặp là: hồi hộp, tim đập nhịp chậm và mạnh, mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, nặng ngực, ngất…
4.2.2. Block (nghẽn) dẫn truyền nhĩ thất
Để nhịp tim bình thường, xung động tạo ra từ nút xoang lan theo các đường dẫn truyền, để truyền xung động từ tâm nhĩ đến tâm thất. Tuy nhiên, nếu đường dẫn từ nhĩ đến thất bị hỏng ở những vị trí quan trọng, sẽ dẫn tới tình trạng nghẽn dẫn truyền. Khi đó, xung động không được truyền xuống thất một cách nguyên vẹn, thậm chí bị nghẽn hoàn toàn làm ngưng tim.
5. Điều trị chứng rối loạn nhịp tim
Khám chuyên khoa là cách chăm sóc khoa học, hiệu quả đối với sức khỏe tim mạch
– Thiết lập thói quen sống khoa học: tránh các yếu tố kích thích, giảm stress…
– Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim.
– Tăng cường hoạt động thể chất
…
Thăm khám chuyên khoa Tim mạch để được hướng dẫn điều trị bệnh tim đập không đều. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc hoặc thay đổi đơn mà không có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.