Trong các bệnh lý tim mạch, thiếu máu cục bộ là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử. Cùng tìm hiểu đặc điểm của bệnh tim thiếu máu cục bộ, cách chẩn đoán và điều trị qua bài viết sau đây.
1. Đặc điểm của bệnh tim thiếu máu cục bộ
1.1 Thiếu máu cục bộ ở tim là bệnh gì?
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là tình trạng cơ tim không được cung cấp đủ máu, oxy và các chất dinh dưỡng để thực hiện các chức năng của mình. Hay còn gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ.
Thiếu máu cơ tim cục bộ gồm 2 dạng:
– Thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính: còn có gọi là bệnh động mạch vành, bệnh mạch vành tim, suy vành, thiếu năng vành ổn định với cơn đau thắt ngực ổn định.
– Thiếu máu cơ tim cục bộ cấp tính: Bệnh mạch vành không được điều trị kịp thời hoặc/và sự xuất hiện của cục máu đông khiến cơ tim bị tổn thương 1 phần hoặc toàn bộ. Các mô tim bị hoại tử, gây ảnh hưởng đến co bóp của tim cũng như khả năng cung cấp máu nuôi cơ thể của hệ tuần hoàn. Các bệnh cảnh gồm đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim. Nguy cơ tử vong và tàn phế ở các bệnh nhân này rất cao.
Tim bị gián đoạn hoặc hạn chế cũng cấp máu và oxy khiến hoạt động của hệ tuần hoàn và cả cơ thể bị ảnh hưởng.
1.2 Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này chủ yếu là do các mảng xơ vữa động mạch và cục máu đông. Sự hình thành các mảng xơ vữa (gồm chất béo và các chất dễ lắng đọng khác) trên thành mạch, gây hẹp lòng mạch, cản trở việc lưu thông của máu qua mạch vành.
Một số nguyên nhân khác gây hiện tượng co thắt mạch vành, bóc tách mạch vành hoặc các dị tật mạch vành bẩm sinh.
1.3 Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim thiếu máu cục bộ
– Nồng độ cholesterol trong máu cao, dễ tạo thành mảng xơ vữa gây tắc nghẽn lưu thông máu tới tim và các cơ quan khác
– Tình trạng béo phì, thừa cân
– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo gây tích tụ mảng xơ vữa động mạch
– Lão hóa do tuổi tác
– Tiền sử các bệnh lý như tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp
– Các bệnh miễn dịch như viêm khớp, lupus ban đỏ, nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân
– Tiền sử gia đình, cụ thể có người thân từng mắc bệnh tim mạch
– Lười vận động chân tay, ít tập thể dục
– Thường xuyên căng thẳng
– Chất kích thích
– Mang thai
2. Cách chẩn đoán bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim
2.1 Chẩn đoán lâm sàng
Ở bước này, các bác sĩ sẽ khám để nắm được các triệu chứng cơ năng, bệnh sử và kiểm tra các triệu chứng thực thể, nghe tim phổi để tìm kiếm các dấu hiệu bệnh lý.
Các triệu chứng cơ năng mà người bệnh bị thiếu máu cơ tim thường gặp là:
– Đau thắt ngực
– Đau vùng cổ hoặc hàm, lan xuống vai hoặc cánh tay
– Tim đập nhanh
– Khó thở nhất là khi gắng sức
– Buồn nôn và nôn
– Đổ nhiều mồ hôi
– Mệt mỏi
2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng bệnh tim thiếu máu cục bộ
Các chẩn đoán cận lâm sàng giúp xác định hoặc loại trừ gồm:
– Các xét nghiệm cơ bản
Xét nghiệm máu hemoglobin, đường máu khi đói, hệ thống lipid máu (cholesterol toàn phần, LDL- C, HDL-C, Triglycerid) cho thấy tình trạng sức khỏe tổng thể, đặc biệt là các chỉ số liên quan đến các yếu tố nguy cơ
– Điện tâm đồ (ECG) tìm kiếm sự bất thường của nhịp tim
– Siêu âm tim giúp xác định tổn thương, bất thường ở các khu vực trong tim
– Holter điện tim giúp theo dõi nhịp tim, phát hiện những thời điểm xuất hiện thiếu máu cục bộ trong ngày
– Chụp động mạch vành có tiêm chất cản quang cho phép bác sĩ quan sát chi tiết bên trong mạch máu
– Chụp CT scan kiểm tra tình trạng vôi hóa động mạch vành
– Các bài test gắng sức giúp bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề tim khó nhận biết
Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có thể biểu hiện bằng cơn đau ngực nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì. Đi khám là cần thiết để chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác.
3. Phương pháp phổ biến trong điều trị thiếu máu cục bộ ở tim
Dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ có thể đưa ra kết luận và phác đồ điều trị phù hợp.
Trong đó, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp được ưu tiên sử dụng đối với các trường hợp thiếu máu cục bộ mạn mức độ nhẹ và vừa. Các loại thuốc giúp cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển xấu và dự phòng biến chứng.
Một số thuốc sau để điều trị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ gồm:
– Thuốc chống tập kết tiểu cầu như aspirin, giúp cải thiện lưu lượng máu qua động mạch vành bị hẹp
– Thuốc làm tan huyết khối giúp ngăn chặn hoặc hòa tan các cục máu đông
– Thuốc giãn mạch, điển hình là Nitroglycerin
– Thuốc chẹn beta, ức chế men chuyển dùng trong điều trị huyết áp, thư giãn cơ tim và hạn chế tổn thương cho tim
– Thuốc giảm đau
Trong các trường hợp mạch vành tắc hẹp nhiều, trên 70% hoặc có nguy cơ hình thành các biến chứng, bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp can thiệp khác.
Chế độ dinh dưỡng và tập luyện khoa học giúp phòng ngừa hoặc kiểm soát tình trạng thiếu máu cục bộ.
4. Phòng ngừa, kiểm soát tình trạng thiếu máu cục bộ như thế nào?
Để phòng tránh hoặc kiểm soát thiếu máu cơ tim cục bộ, bạn đều cần thực hiện lối sống lành mạnh :
– Bỏ thuốc lá, cố gắng tránh hít phải khói thuốc
– Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa, ăn nhiều trái cây, rau quả, các loại hạt, hạn chế ăn mặn…
– Tập thể dục đều đặn, vừa sức để cải thiện tuần hoàn
– Duy trì cân nặng đạt chuẩn, giảm cân nếu thừa cân, béo phì
– Giảm căng thẳng, tránh stress
– Điều trị các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol trong máu cao
Như vậy, có thể thấy bệnh tim thiếu máu cơ tim cục bộ là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị được. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải chủ động theo dõi, kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị bệnh sớm bằng cách thăm khám thường xuyên. Đặc biệt, khi bạn hoặc người thân có những triệu chứng dù là mơ hồ của bệnh, đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay để được xử trí bởi chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.