Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Theo Globocan (WHO), năm 2020 nước ta có thêm 17.906 ca mắc mới và 14.615 người tử vong vì căn bệnh này. Ở bài viết này, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI sẽ cung cấp đến bạn đọc thông tin về cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày.
1. Tổng quan về ung thư dạ dày và nguyên nhân gây bệnh
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc của dạ dày bị đột biến bất thường và tăng sinh không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần hay ở xa qua hệ thống bạch huyết. Bệnh lý ung thư này nếu được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng trở nên dễ dàng.
Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, yếu tố môi trường, yếu tố di truyền và yếu tố nội sinh. Cụ thể:
– Tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mạn tính kéo dài không được điều trị, dẫn đến viêm teo mạn tính niêm mạc dạ dày. Sau đó các tế bào biến đổi dị sản, loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Tình trạng loạn sản kéo dài sẽ dẫn đến ung thư dạ dày.
– Vi khuẩn HP: Là tác nhân chủ yếu làm viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
– Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Ăn các loại thực phẩm chứa Nitrat làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày như: rau dưa muối, thịt cá ướp muối, thịt nướng, thịt xông khói,…
– Người béo phì có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn người bình thường.
– Yếu tố di truyền: Một số hội chứng di truyền có liên quan đến ung thư dạ dày. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn ở những người có người thân trong gia đình mắc bệnh.
Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đạt kết quả cao hơn
2. Dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày
Giai đoạn sớm của bệnh thường không có triệu chứng nhận biết rõ rệt. Ở giai đoạn muộn hơn, ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng như:
– Sụt cân.
– Đau trướng bụng, đặc biệt ở vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn).
– Mệt mỏi, chán ăn, cảm giác bụng ậm ạch khó tiêu.
– Buồn nôn và nôn.
– Sờ thấy u ở bụng.
– Đi ngoài phân đen.
Các triệu chứng kể trên có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác ngoài ung thư dạ dày. Người bệnh cần thăm khám sớm tại cơ sở y tế uy tín để xác định chính xác vấn đề bản thân đang gặp phải.
3. Đối tượng nguy cơ được khuyến cáo tầm soát ung thư dạ dày
Các đối tượng được khuyến cáo thực hiện tầm soát ung thư dạ dày bao gồm:
– Người trên 50 tuổi.
– Người mắc các bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày – tá tràng mạn tính, nhiễm vi khuẩn HP dạ dày,…
– Có thành viên trong gia đình mắc ung thư dạ dày hoặc ung thư đường tiêu hóa nói chung.
– Người có thói quen ăn uống nhiều đồ nướng, đồ muối, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
– Người thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn (như rượu bia) và các chất kích thích (như hút thuốc lá).
– Có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày như đã liệt kê ở mục 2.
4. Chẩn đoán ung thư dạ dày
Nội soi sinh thiết dạ dày là phương pháp hiệu quả được ứng dụng phổ biến trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Nhờ vào hình ảnh nội soi sắc nét (đặc biệt là các công nghệ hiện đại như nội soi NBI, nội soi nhuộm màu, nội soi siêu âm,…) bác sĩ có thể phát hiện ung thư dạ dày từ giai đoạn sớm và rất sớm. Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô của khối u qua nội soi, sau đó tiến hành xét nghiệm mô bệnh học để chẩn đoán.
Các phương pháp khác để chẩn đoán ung thư dạ dày gồm:
– Các chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính,…
– Xét nghiệm máu.
Nội soi dạ dày được đánh giá là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư dạ dày cũng như các bệnh lý đường tiêu hóa trên
5. Điều trị ung thư dạ dày
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp như sau:
5.1. Phẫu thuật cắt dạ dày
Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Người bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Sau khi phẫu thuật ổn định, người bệnh có thể ăn uống trở bình thường trở lại và xuất hiện sau khoảng 10 – 14 ngày.
Đối với ung thư dạ dày giai đoạn muộn, phẫu thuật dạ dày là giải pháp tạm thời. Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nhằm đảm bảo lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
5.2. Hoá trị điều trị bệnh ung thư dạ dày
Đây là phương pháp dùng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư dạ dày. Ung thư ở giai đoạn sớm có thể chỉ định hóa trị để hỗ trợ cho phẫu thuật. Mục đích là nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, ngăn ngừa tái phát ung thư dạ dày.
Việc sử dụng hóa chất trị liệu sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn (như rụng tóc…). Tuy nhiên những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và có thể giảm thiểu sau khi kết thúc điều trị.
Ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt dạ dày (1 phần hay toàn bộ), xạ trị hoặc hóa trị
5.3. Xạ trị
Phương pháp này sử dụng các tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Các tia phóng xạ được tính toán chính xác để tác động đến các mô bệnh, giảm tác hại đối với các mô lành.
Điều trị xạ trị có thể được dùng sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này có thể được phối hợp với hóa chất trị liệu để làm giảm kích thước khối u, đồng thời giảm các triệu chứng bệnh.
5.4. Lưu ý sau điều trị bệnh ung thư dạ dày
Sau quá trình điều trị, người bệnh cần tái khám 3 tháng/ lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Việc thăm khám này giúp bác sĩ kiểm tra hiệu quả điều trị, phát hiện các bất thường và ngăn chặn nguy cơ bệnh tái phát trở lại. Khi tái khám, người bệnh có thể cần thực hiện các xét nghiệm gồm: khám lâm sàng, xét nghiệm máu, nội soi dạ dày, siêu âm ổ bụng, chụp CT,…
6. Phòng tránh ung thư dạ dày như thế nào cho hiệu quả?
– Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống khoa học và tích cực vận động, thể dục, thể thao mỗi ngày.
– Hạn chế các chất kích thích và các đồ uốn
g có cồn.
– Xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ, hạn chế chất béo, sử dụng các thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Điều trị các bệnh lý về dạ dày theo chỉ định của bác sĩ ngay khi phát hiện bệnh.
– Thăm khám tầm soát và xử lý sớm các khối polyp, khối u trong dạ dày.
– Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hóa.
Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đa số người bệnh tiến hành điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gặp nhiều khó khăn và tốn kém và kinh phí. Chính vì vậy, hãy chủ động thăm khám định kỳ hoặc thăm khám ngay khi có triệu chứng bất thường để kịp thời phát hiện và xử trí bệnh ung thư dạ dày nói riêng, các bệnh lý tiêu hóa nói chung.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.