Bệnh viêm gan B cấp tính là một trong các dạng của bệnh viêm gan. Bệnh thường xảy ra đột ngột, trong thời gian ngắn. Phần lớn các trường bị viêm gan B cấp tự phục hồi sau 1 – 2 tháng nhưng cũng có những trường hợp bệnh kéo dài trên 6 tháng, thậm chí hàng năm thành dạng mạn tính và dẫn tới suy gan, xơ gan, ung thư gan. Cùng tìm hiểu về bệnh viêm gan B thể cấp qua bài viết sau đây.
1. Bệnh viêm gan B cấp tính là gì?
Tùy theo điều kiện và thời gian gây bệnh mà người ta chia ra viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.
Theo đó, viêm gan B cấp tính là trường hợp viêm gan B khởi phát đột ngột, kéo dài dưới 6 tháng. Đa phần, người bệnh không có triệu chứng gì và có thể phục hồi sau 1 – 2 tháng điều trị, thậm chí tự phục hồi mà không cần điều trị. Theo thống kê có khoảng 90% bệnh nhân khi mắc viêm gan B cấp tính sẽ khỏi bệnh hoàn toàn mà không để lại di chứng gì.
6 tháng là khoảng thời gian trung bình để bình phục sau khi người bệnh bị nhiễm viêm gan B. Nếu sau 6 tháng, người bệnh vẫn dương tính với virus viêm gan B thì tức là viêm gan B đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Các trường hợp này chỉ chiếm khoảng 10% số ca mắc bệnh nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Bởi viêm gan đã trở thành mạn tính sẽ tiến triển rất nhanh, dẫn đến suy gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Bệnh viêm gan B khởi phát và khỏi trong vòng 6 tháng được gọi là viêm gan B cấp.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm gan B cấp tính chủ yếu là do virus viêm gan B gây ra. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây viêm gan B cấp có thể kể đến như:
– Do vi khuẩn, kí sinh trùng.
– Do virus khác: Một số virus khác như Cytomegalovimo và Epstein – Bar virus… có thể gây viêm gan B thể cấp.
– Do thuốc: Một số thuốc chống co giật, thuốc gây tê, gây mê… có thể gây tổn thương gan, gây viêm gan cấp.
– Các chất độc: Gồm bia rượu hoặc các hóa chất độc hại.
3. Triệu chứng của bệnh
Như đã nói ở trên, bệnh nhân bị viêm gan B cấp thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng không rõ ràng nên rất khó phát hiện bệnh ở giai đoạn này.
Người mắc bệnh có thể có những triệu chứng như sau:
– Mệt mỏi do suy giảm chức năng gan
– Không hứng thú với chuyện ăn uống
– Buồn nôn, nôn khi ăn
– Cảm, sốt
– Cảm thấy đau ở gan hoặc vùng hạ sườn phải
– Vàng da, vàng mắt
Một số bệnh nhân bị viêm gan cấp do virus B có thể bị đau khớp, bị lú lẫn và hôn mê.
Do các triệu chứng ở giai đoạn này thường rất mờ nhạt nên người bệnh cần đặc biệt cảnh giác và không chủ quan trước những thay đổi bất thường của cơ thể để thăm khám và phát hiện sớm nếu có bệnh.
Chán ăn, mệt mỏi không rõ ràng có thể là dấu hiệu sớm của viêm gan B ở giai đoạn cấp.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan B cấp
4.1 Chẩn đoán bệnh viêm gan B cấp tính
Bệnh nhân viêm gan B cấp tính thường phát hiện bệnh tình cờ khi thăm khám các bệnh lý khác.
Xét nghiệm máu, nước tiểu là những chẩn đoán quan trọng để xác định bạn có mắc bệnh viêm gan B hay không và nguyên nhân gây bệnh là gì, đồng thời đánh giá được chức năng gan đã bị ảnh hưởng ở mức độ như thế nào, từ đó có hướng điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định thêm siêu âm đàn hồi mô gan hay các phương pháp cận lâm sàng khác.
4.2 Điều trị bệnh viêm gan B cấp tính
Theo Bộ Y tế, việc điều trị viêm gan B cấp tính chủ yếu mang tính hỗ trợ. Cụ thể:
Các trường hợp bệnh nhân viêm gan B cấp tính không cần điều trị bằng thuốc. Người bệnh chỉ cần theo dõi các biểu hiện nếu có và thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm tra sự tiến triển của bệnh. Nên nghỉ ngơi tuyệt đối nếu có triệu chứng lâm sàng.
Các biện pháp thay đổi lối sống giúp “đẩy lùi” viêm gan B cấp tính gồm:.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại rau xanh, hoa quả tươi giúp bổ sung vitamin, khoáng chất
– Hạn chế chất béo, giảm muối trong bữa ăn
– Kiêng rượu bia, thay vào đó hãy uống nhiều nước để tăng cường trao đổi, thải độc
Ngay cả khi khỏi bệnh viêm gan B cấp, người bệnh vẫn nên duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt như trên để bảo vệ gan.
Viêm gan B cấp thường không cần điều trị nhưng cần theo dõi sát sao, tránh chuyển sang thể mạn.
4.3 Phòng tránh lây nhiễm viêm gan B
Trong giai đoạn cấp, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh để bệnh lây lan sang người khác như: không dùng chung các vật dụng có khả năng vấy máu như dao cạo râu, bơm kim tiêm,…; quan hệ tình dục an toàn,…
Thông thường, các bệnh nhân bị viêm gan B cấp nếu được theo dõi và chăm sóc tốt, bệnh sẽ giảm nhẹ dần sau 4 – 6 tuần và có thể phục hồi sau 3 tháng. Ngược lại, một số trường hợp có thể nặng dần dẫn tới suy gan tiên lượng nặng.
Như vậy, viêm gan B cấp tính là bệnh lý không quá nguy hiểm, nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe. Vì vậy, nên được theo dõi và kiểm soát ngay ở giai đoạn cấp đối với căn bệnh này với sự hỗ trợ của các chuyên gia Gan mật.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.