Xơ vữa mạch vành là nguyên nhân của rất nhiều biến cố tim mạch như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,… Hiểu rõ về bệnh xơ vữa mạch vành là vô cùng cần thiết để phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị chứng xơ vữa mạch vành qua bài viết sau đây.
1. Xơ vữa mạch vành là gì?
Xơ vữa là tình trạng các mảng bám hình thành trong lòng động mạch. Các mảng bám này được tạo thành do sự tích tụ của cholesterol, canxi và các chất lắng đọng khác trong máu.
Các mảng xơ vữa, dù xuất hiện ở bất cứ vị trí động mạch nào như động mạch chủ, động mạch cảnh hay động mạch ngoại biên,… đều gây cản trở sự lưu thông của máu và khả năng cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể.
Đặc biệt, các mảng xơ vữa mạch vành làm giảm thiết diện lòng mạch của hệ thống động mạch duy nhất nuôi cơ tim, gây ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tim, khiến tim và hệ tuần hoàn suy yếu. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn cơ thể. Thậm chí sự kết hợp của các mảng xơ vữa cùng với cục máu đông có thể gây những tình trạng cấp tính nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử,…
Xơ vữa mạch vành là tình trạng hình thành các mảng bám ở động mạch vành gây trở sự lưu thông của dong máu qua đây.
2. Bệnh xơ vữa mạch vành chẩn đoán thế nào?
2.1 Nhận biết xơ vữa động mạch qua khám lâm sàng
Xơ vữa động mạch ở mức độ nhẹ có thể không gây ra các triệu chứng do chưa gây ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của máu. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể xuất hiện các dấu hiệu nhận biết như:
– Đau thắt ngực
– Khó thở, đặc biệt khi gắng sức, lúc về đêm
– Chóng mặt, quay cuồng
– Buồn nôn
– Vã mồ hôi lạnh
Tùy vào từng bệnh nhân mà các triệu chứng này biểu hiện khác nhau. Thông thường, bệnh càng nặng thì các dấu hiệu càng trở nên rõ ràng. Các triệu chứng lâm sàng này là cơ sở quan trọng trong chẩn đoán tình trạng xơ vữa mạch vành.
Ngoài ta, trong quá trình khám, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu của động mạch bị thu hẹp, giãn rộng hay bị cứng lại qua các biểu hiện như: mạch yếu, huyết áp giảm, nghe tim thấy tiếng thổi,…
2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng bệnh xơ vữa mạch vành
Dựa để khẳng định các phán đoán trên lâm sàng của mình, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân làm một số chẩn đoán cận lâm sàng. Đối với bệnh xơ vữa mạch vành, các chẩn đoán đó thường là:
– Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu giúp tìm kiếm dấu hiệu của các yếu tố nguy cơ tim mạch như mức độ cholesterol, glucose máu, men tim,…từ đó dự đoán khả năng mắc bệnh.
– Siêu âm tim
Siêu âm tim là phương pháp thăm dò không xâm lấn, giúp xác định hình ảnh của tim, các mạch máu trên quả tim. Đặc biệt với phương pháp siêu âm Doppler, các bác sĩ có thể đo vận tốc dòng máu tại các điểm khác nhau, qua đó đánh giá khả năng lưu thông máu trong động mạch, mức độ tắc nghẽn của mạch vành.
– Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ là kỹ thuật ghi lại các tín hiệu điện khi chúng đi qua tim. Qua đó, các bác sĩ có thể tìm kiếm các bất thường trong hoạt động co bóp của tim. Phương pháp này có giá trị hỗ trợ chẩn đoán.
Chụp CT mạch vành là phương pháp không xâm lấn, giúp chẩn đoán bệnh xơ vữa một cách chính xác.
– Kiểm tra sự căng thẳng
Trong một số trường hợp, các bài kiểm tra sự căng thẳng sẽ được sử dụng để thu thập thông tin về khả năng hoạt động của tim. Điều này có thể tiết lộ những vấn đề của hệ thống tim mạch mà nhiều phương pháp khác không làm được.
– Chụp động mạch vành
Thủ thuật giúp phát hiện các động mạch vành bị hẹp, tắc do xơ vữa. Các hình ảnh được ghi lại bởi tia X trên nền chất cản quang được tiêm vào các động mạch cho thấy vị trí và mức độ tắc hẹp.
– Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ động mạch vành
Đây là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn cho thấy mức độ xơ cứng và hẹp của động mạch vành, hiện tượng phình động mạch và lắng đọng canxi trên thành mạch.
3. Điều trị xơ vữa động mạch vành
3.1 Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống, áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện khoa học là phương pháp điều trị tích cực, tiết kiệm nhất cho chứng xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp xơ vữa nhẹ hoặc hỗ trợ cho các phương pháp điều trị khác.
3.2 Sử dụng thuốc điều trị bệnh xơ vữa mạch vành
Các loại thuốc thường dùng có tác dụng làm chậm, thậm chí đảo ngược ảnh hưởng của xơ vữa động mạch như:
– Thuốc điều trị mỡ máu: giúp giảm LDL-cholesterol (cholesterol xấu), tăng HDL-cholesterol (cholesterol tốt), có tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Statin – một trong những loại thuốc điều trị mỡ máu – còn có tác dụng ổn định niêm mạc động mạch tim, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
– Thuốc chống kết tập tiểu cầu: tiêu biểu là aspirin, làm giảm khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch.
– Thuốc chẹn beta: làm giảm nhịp tim và huyết áp, giảm triệu chứng đau ngực, nhờ đó làm giảm nguy cơ đau tim và nhiều vấn đề về nhịp tim khác.
– Thuốc ức chế men chuyển: giúp làm chậm quá trình xơ vữa động mạch vành, giảm nguy cơ đau tim tái phát bằng cách hạ huyết áp.
– Thuốc chẹn canxi: loại thuốc làm giảm huyết áp, điều trị đau thắt ngực.
– Thuốc lợi tiểu: giúp hạ huyết áp – một trong những yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch.
– Thuốc tiêu sợi huyết: Nếu đoạn động mạch bị xơ vữa bị chặn bởi cục máu đông, bác sĩ có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết giúp làm tan cục máu đông, bảo vệ mạch vành.
Các loại thuốc trên chỉ mang tính tham khảo. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân và các bệnh lí đi kèm, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc điều trị khác nhau. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch uy tín để được khám và kê đơn phù hợp.
Điều trị nội khoa vẫn là phương pháp giải quyết tình trạng xơ vữa phổ biến hiện nay.
3.3 Các phương pháp điều trị bệnh xơ vữa mạch vành khác
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tình trạng tắc nghẽn đe dọa sự sống còn của cơ hoặc mô, điều trị nội khoa không có tác dụng thì các bác sĩ có thể xem xét đến phương án khác nhằm tái tưới máu mạch vành tức thì.
Như vậy, bệnh xơ vữa mạch vành hoàn toàn có thể cải thiện nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Bạn nên chủ động phòng tránh bệnh này bằng lối sống lành mạnh, chủ động đi khám để theo dõi và chăm sóc sức khỏe của mình.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.