Xơ vữa động mạch vành là một bệnh lý phổ biến và rất nguy hiểm. Trên thế giới, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh là 1/10, còn tỷ lệ nam giới mắc bệnh là 1/6. Bệnh nếu không được điều trị có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hay suy tim. Cùng tìm hiểu về những nguyên nhân và cách điều trị bệnh xơ vữa mạch vành trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh xơ vữa mạch vành là gì?
Xơ vữa mạch vành là tình trạng hẹp động mạch vành do có mảng xơ vữa bám lên thành mạch. Kết quả là gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu đến nuôi dưỡng tim. Cơ tim bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng để có thể hoạt động bình thường.
Xơ vữa mạch vành là tình trạng hẹp động mạch vành do có mảng xơ vữa
2. Nguyên nhân gây ra bệnh xơ vữa mạch vành
Nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch là do sự rối loạn cholesterol máu trong cơ thể. Quá trình hình thành xơ vữa có liên quan đến sự tăng – giảm nồng độ của các loại lipoprotein cholesterol. Cụ thể:
2.1. Phân loại lipoprotein cholesterol
Trong cơ thể có 4 loại lipoprotein cholesterol chính được phân chia theo tỷ trọng gồm:
– Cholesterol tỷ trọng rất thấp VLDL-c (Very low density lipoprotein cholesterol)
– Cholesterol tỷ trọng thấp LDL-c (Low density lipoprotein cholesterol)
– Cholesterol tỷ trọng trung bình IDL-c (Intermediate density lipoprotein cholesterol)
– Cholesterol tỷ trọng cao HDL-c (High density lipoprotein cholesterol)
Trong đó, LDL-c là cholesterol “xấu” do nó gây bệnh lý xơ vữa động mạch, còn HDL-c là cholesterol “tốt”.
2.2. Giá trị bình thường và nguy hiểm của cholesterol “xấu’ và “tốt”
Ở người bình thường, giá trị bình thường của LDL-c nên ở khoảng dưới 129 mg/dL. Đối với người đã mắc bệnh tim hoặc có sẵn các yếu tố nguy cơ về bệnh tim thì nên giữ giá trị LDL-c ở khoảng dưới 100 mg/dL. LDL-c được cho ở mức cao ở nồng độ 160 – 189 mg/Dl. Từ 190 mg/dL trở lên là giá trị rất cao gây nguy hiểm lớn.
HDL-c được coi là cholesterol “tốt” do nó có chức năng vận chuyển cholesterol dư thừa ở khắp cơ thể mang về gan xử lý và thải ra ngoài cơ thể. Nhờ vậy, HDL-c làm giảm tích lũy cholesterol ở máu và các cơ quan. Nồng độ HDL-c được cho là ở ngưỡng cao có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh về tim mạch là 60 mg/dL trở lên. Nồng độ HDL-c ở dưới 40mg/dL làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch.
2.3. Cơ chế gây xơ vữa mạch vành
Sự sụt giảm HDL-c và sự gia tăng LDL-c chính là nguyên nhân chất béo tích tụ trong lòng mạch. Chúng khởi động hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Kết quả là gây ra các phản ứng miễn dịch gây viêm và tổn thương mạch máu. Chất béo này cùng với xác các tế bào bạch cầu và các thành phần khác… lắng xuống tạo nên mảng xơ vữa.
3. Triệu chứng của bệnh
Bệnh xơ vữa mạch vành không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi lòng mạch vành đã bị thu hẹp đáng kể, tim không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động thì người bệnh mới xuất hiện các cơn đau thắt ngực.
Đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến nhất và dễ nhận thấy nhất của bệnh. Bệnh nhân thường cảm thấy đau ở vị trí dưới xương ức. Cảm giác được mô tả như là tim bị bóp chặt. Cơn đau có thể lan ra các khu vực xung quanh như cổ, vai, bụng, lưng và cánh tay. Người bệnh thường bị đau thắt ngực khi vận động quá sức hay bị sốc tâm lý. Cơn đau thắt ngực chỉ kéo dài trong một vài phút. Đau thắt ngực nếu không được xử trí kịp thời sẽ dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim.
Sau khi bị đau thắt ngực, người bệnh thường cảm thấy khó thở. Nhịp thở nhanh, hơi thở nông.
Đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến nhất của chứng xơ vữa mạch vành
4. Yếu tố nguy cơ của bệnh xơ vữa mạch vành
Những nhóm yếu tố nguy cơ lớn của căn bệnh này là:
– Hút thuốc lá
Những hóa chất có trong thuốc lá có khả năng gây tổn thương mạch máu. Vì vậy, người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp nhiều lần người bình thường.
– Tiền sử tiểu đường
Tiểu đường tạo điều kiện cho quá trình tạo nên các mảng xơ vữa, thúc đẩy bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
– Tiền sử tăng huyết áp
Huyết áp cao gây áp lực lớn hơn lên thành mạch. Sau một thời gian, thành mạch sẽ bị tổn thương, tạo điều kiện hình thành và phát triển mảng xơ vữa.
– Tiền sử rối loạn mỡ máu
Mức cholesterol “xấu” cao và cholesterol “tốt” thấp chính là nguyên nhân hình thành nên các mảng xơ vữa.
– Gia đình có người mắc bệnh
Các bệnh lý kể trên có thể do di truyền. Vì vậy, người nhà bệnh nhân mắc xơ vữa mạch vành cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
– Béo phì
Những người béo phì thường có nồng độ mỡ máu cao, làm trầm trọng thêm bệnh tình.
– Ít vận động
Những người lười vận động thường bị có cân nặng ở mức béo phì. Những người này cũng có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch.
– Căng thẳng
Căng thẳng là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của tim. Căng thẳng ở mức độ cao cũng dễ gây bộc phát cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Trong các yếu tố, trên 5 yếu tố đầu tiên là những nguy cơ chính gây ra xơ vữa mạch vành.
Huyết áp cao gây áp lực lớn hơn lên thành mạch, làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa
5. Các biến chứng của bệnh lý xơ vữa mạch vành
Các mảng xơ vữa khi được tạo thành sẽ càng ngày càng được bồi thêm, dày lên và làm hẹp lòng mạch. Chúng có thể bị bong ra hoặc nứt vỡ tạo nên các cục máu đông là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nếu không được cấp cứu kịp thời có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, mạch vành là mạch máu duy nhất đưa oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi dưỡng tim. Vì vậy, nếu mạch vành bị hẹp, cơ tim ngày càng thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Cơ tim bị yếu đi và dẫn đến suy tim.
6. Cách điều trị xơ vữa mạch vành
Mục tiêu của việc điều trị bệnh xơ vữa mạch vành là:
– Tăng lưu lượng máu về nuôi dưỡng tim
– Giảm các cơn đau thắt ngực
– Ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và suy tim
Bệnh nhân có thể được kê đơn sử dụng một vài loại thuốc tùy vào tình trạng bệnh như thuốc hạ mỡ máu, thuốc làm giảm đau thắt ngực, thuốc giãn mạch, thuốc hạ huyết áp hay thuốc hạ đường huyết… Các thuốc điều trị bệnh lý về tim mạch thường có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, cần sử dụng đúng liều, đúng thời gian và đúng thuốc.
Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc và việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ và đến thăm khám ngay tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín khi thấy những biểu hiện bất thường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.