Đột quỵ là tình trạng cấp tính nguy hiểm nhưng nhiều người còn chưa hiểu rõ về hiện tượng này. Thế nào là đột quỵ? Bị đột quỵ khám chuyên khoa tim mạch có đúng không? Khi nào cần đưa bệnh nhân đi khám? Đó là thắc mắc của rất nhiều người và sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Đột quỵ là gì? Có mấy loại đột quỵ?
Đột quỵ là tình trạng cơ thể bị ngừng cấp máu đột ngột ở một số vị trí quan trọng, dẫn đến ngừng hoạt động. Đây là những tình trạng cấp tính có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Ngay cả khi được xử trí kịp thời vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh.
Có 2 loại đột quỵ chính là: đột quỵ não và đột quỵ tim.
Đột quỵ não là tình trạng một phần não đột ngột bị gián đoạn hoặc giảm nặng khả năng cung cấp máu khiến vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng vài phút, các tế bào não có thể chết vì thiếu máu, thiếu oxy. Những tổn thương nặng hoặc lan rộng có thể khiến người bệnh tử vong hoặc gặp những rối loạn về vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác…
Có 2 dạng đột quỵ là đột quỵ não và đột quỵ tim
Đột quỵ tim là biến cố tim ngừng đập đột ngột. Người bệnh đột nhiên gục xuống hầu hết tử vong nhanh chóng nếu không được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân của các trường hợp đột quỵ tim này là:
– Cơ tim bị hoại tử do động mạch nuôi dưỡng tim bị tắc nghẽn trong một thời gian dài hoặc đột ngột do cục máu đông
– Hệ thống cung cấp điện của tim bị ngừng đột ngột
Đột quỵ tim thường gặp ở những bệnh nhân suy tim, rối loạn nhịp tim.
2. Bị đột quỵ khám chuyên khoa tim mạch khi nào?
Đối với những trường hợp đột quỵ tim, bệnh nhân cần được đưa ngay đến chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện các biện pháp cấp cứu.
2.1 Làm thế nào để nhận biết một cơn đột quỵ do tim?
Đột quỵ tim đôi khi diễn ra đột ngột không kèm theo một triệu chứng nào. Trong nhiều trường hợp, người bệnh đột nhiên đau thắt ngực dữ dội và ngất đi. Người bệnh đột ngột cảm thấy đau thắt vùng ngực vùng sau xương ức. Cơn đau kéo dài trong khoảng từ 5 đến 15 phút, có thể lan dọc theo cánh tay lên vai, cổ và hàm dưới. Kèm theo đó là những triệu chứng như vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, khó thở…
Nếu bệnh nhân đau trên 20 phút, nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch mà không thuyên giảm thì cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay bởi đây có thể là dấu hiệu nhồi máu cơ tim.
2.2 Một số dấu hiệu khác cảnh báo cơn đột quỵ do tim
– Ngáy và khó ngủ
Nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ. Hội chứng này cũng có thể khiến người đang ngủ thức dậy thở hổn hển và có thể gây căng thẳng cho tim.
– Đau đầu, chóng mặt
Cũng theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, toát mồ hôi lạnh, đau đầu hoặc chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ tim. Do các sợi thần kinh ở cánh tay và hàm chạy cùng với các sợi thần kinh tim đến não, do đó bạn có thể cảm thấy đau đầu khi cơn đau từ tim xuất hiện.
Khi bị đột quỵ tim, người bệnh cần được đưa đến chuyên khoa tim mạch để được cấp cứu ngay
– Nhịp tim bất thường
Chứng loạn nhịp tim là do sự gián đoạn của hệ thống điều khiển tim, cho thấy tim đang bơm máu một cách bất thường. Đây có thể là dấu hiệu nhận biết tình trạng suy tim.
– Sưng chân và bàn chân
Sưng ở chân và mắt cá chân xảy ra do trọng lực làm tăng lượng và áp lực máu trong tĩnh mạch của chi dưới. Tình trạng này có thể xảy ra do dòng máu chảy vào tim không đúng cách, có thể gây hình thành cục máu đông hoặc khiến tim bạn ngừng hoạt động.
3. Đột quỵ não có cần khám chuyên khoa tim mạch hay không?
3.1 Đột quỵ não có thể là biến chứng của bệnh tim mạch
Như đã nói ở trên, đột quỵ não xảy ra do tình trạng ngưng cấp máu đột ngột tới não. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó có các bệnh lý tim mạch cấp tính và mạn tính.
Bệnh mạch vành với sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, làm giảm khả năng bơm máu, khiến lượng máu lên não bị thiếu hụt. Sự bong tróc của các mảng xơ vữa cũng góp phần hình thành nên các cục máu đông, gây tắc mạch máu não.
Các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị đột quỵ não gấp 6 lần người bình thường. Tỉ lệ này là 4 lần ở người bị đái tháo đường, 3 lần ở người tăng huyết áp. Rối loạn mỡ máu, béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá… đều có thể là những yếu tố nguy cơ của hiện tượng đột quỵ não và đột quỵ tim.
Cấp cứu kịp thời giúp các bệnh nhân đột quỵ thoát khỏi nguy cơ tử vong
3.2 Cấp cứu và chăm sóc sức khỏe tim mạch sau khi bị đột quỵ não
Nếu đột quỵ não xảy ra trên các bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc đang điều trị tim mạch thì có thể đưa đến chuyên khoa tim mạch để được cấp cứu. Lúc này, sự phối hợp giữa chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa thần kinh là vô cùng cần thiết để cứu sống người bệnh.
Sau đột quỵ não do biến chứng bệnh tim, những người bệnh này cần đặc biệt chăm sóc sức khỏe tim mạch để phòng tránh nguy cơ đột quỵ não tái phát cũng như các biến chứng khác. Chăm sóc sau cấp cứu bao gồm sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống, nghỉ ngơi một cách khoa học.
Như vậy, bị đột quỵ khám chuyên khoa tim mạch có đúng hay không, nên khám chuyên khoa nào còn tùy thuộc vào loại đột quỵ và bệnh cảnh của từng người bệnh. Khi người bệnh có các biểu hiện đột quỵ, bạn nên đưa họ đến những cơ sở y tế uy tín để được cấp cứu phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.