Bệnh động kinh gây ra những cơn co giật, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Nó cũng chiếm khoảng 0,5% gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu. Không những thế, một loạt rối loạn tâm thần có thể xảy ra từ biến chứng động kinh. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về biến chứng động kinh và các rối loạn tâm thần có liên quan.
1. Nguyên nhân gây bệnh động kinh
Nguyên nhân gây ra động kinh có thể do các yếu tố về gen, cấu trúc, chuyển hóa hoặc các yếu tố chưa được biết đến. Trong các yếu tố cấu trúc, nguyên nhân thường gặp nhất ở các nước đang phát triển là tình trạng nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương), tổn thương não chu sinh, bệnh lý mạch máu, chấn thương đầu – đây là những nguyên nhân có thể phòng ngừa được.
Động kinh gồm hai loại là động kinh nguyên phát và động kinh thứ phát. Mỗi loại động kinh lại được đặc trưng bởi những nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:
1.1 Nguyên phát
– Cơn co giật khởi phát từ nhỏ hoặc lứa tuổi thanh thiếu niên
– Nguyên nhân do gen
– Đáp ứng tốt với hóa trị liệu
– Tiên lượng tốt
– Không có tổn thương não
1.2 Thứ phát
– Khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào
– Nhiều nguyên nhân
– Không chắc chắn đáp ứng với hóa trị liệu
– Tiên lượng thay đổi
– Thường có tổn thương não
Khối u trong não là một trong những nguyên nhân khá phổ biến gây bệnh động kinh.
2. Các rối loạn tâm thần do biến chứng động kinh gây ra
2.1 Trầm cảm do biến chứng động kinh
Điển hình là rối loạn khí sắc, đây là bệnh lý tâm thần thường gặp nhất ở các bệnh nhân bị động kinh. Theo một nghiên cứu trên 203 bệnh nhân động kinh thì có tới 49,5% trong số đó bị trầm cảm. Việc xác định và điều trị trầm cảm kịp thời ở bệnh nhân có động kinh ngày càng được nhìn nhận là một lĩnh vực cần được sự quan tâm của cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
2.2 Lo âu do biến chứng động kinh
Thống kê cho thấy, có tới khoảng 11% đến 15% bệnh nhân động kinh bị rối loạn lo âu trong suốt cuộc đời còn lại. Rối loạn lo âu cũng phổ biến hơn ở bệnh nhân động kinh kháng trị. Tuy nhiên, trầm cảm và rối loạn lo âu dường như cũng không hề thấp hơn ở những bệnh nhân động kinh kháng trị đã phẫu thuật.
2.3 Loạn thần do biến chứng động kinh
Người mắc bệnh động kinh thường có dấu hiệu loạn thần, đặc biệt là động kinh cục bộ phức tạp. Các triệu chứng loạn thần ở bệnh nhân động kinh có thể xuất hiện trong cơn (những triệu chứng này xảy ra trong cơn co giật, như cơn động kinh cục bộ phức tạp), sau cơn (sau khi lên cơn co giật), hoặc giữa các cơn mạn tính.
Cụ thể:
Loạn thần sau cơn: loạn thần có thể xuất hiện ngay sau một hoặc nhiều cơn co giật (phần lớn là sau các cơn động kinh cục bộ phức tạp hoặc toàn thể hóa thứ phát), diễn ra trong vòng một tuần của cơn co giật cuối cùng.
Loạn thần cấp tính ngoài cơn: loạn thần có thể xuất hiện khi cơn co giật đã giảm đáng kể về tần suất (loạn thần thay thế) hoặc khi các cơn co giật không liên quan đến sự tăng lên của hoạt động động kinh.
Loạn thần động kinh mạn tính: trạng thái loạn thần kéo dài hơn 6 tháng ở bệnh nhân động kinh.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng một số thuốc chống động kinh cũng có thể gây ra triệu chứng loạn thần.
2.4 Rối loạn tăng động giảm chú ý
Rối loạn tăng động giảm chú ý là bệnh lý đồng diễn khá phổ biến ở bệnh nhân động kinh (chiếm khoảng 30%-50%), điều này ảnh hưởng tới khả năng học tập, làm việc và giao tiếp xã hội của người bệnh.
Việc sử dụng thuốc chống rối loạn tăng động giảm chú ý ở bệnh nhân động kinh có nguy cơ làm trầm trọng thêm các biến chứng động kinh. Cụ thể, thuốc chống rối loạn tăng động giảm chú ý có thể làm tăng ngưỡng động kinh, tăng số lượng cơn co giật.
Động kinh có thể gây ra các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, loạn thần, rối loạn tăng động giảm chú ý,…
3. Mối liên hệ giữa động kinh và rối loạn tâm thần
Thông thường các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, loạn thần, tăng động giảm chú ý và tự kỷ được xem là biến chứng của cơn co giật (động kinh). Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh không chỉ những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tâm thần mà những bệnh nhân có các bệnh lý về cảm xúc, tăng động giảm chú ý, tự kỷ cũng có nguy cơ cao mắc động kinh. Điều này cũng phần nào chứng minh rằng động kinh và các bệnh lý tâm thần khác đều là kết quả của sự bất thường cấu trúc ở não.
Sự tồn tại của các bệnh lý tâm thần đi kèm có ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị động kinh. Những nghiên cứu dịch tễ cho thấy các bệnh lý tâm thần thường gặp ở người động kinh hơn so với dân số chung.
Sự có mặt của các bệnh kèm theo cũng ảnh hưởng đến đáp ứng đối với thuốc chống động kinh, đặc biệt là tác dụng phụ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một phần ba số bệnh nhân động kinh có tình trạng trầm cảm hoặc lo âu, 1/4 có ý tưởng tự sát và khoảng 1/2 số bệnh nhân có vấn đề về nhận thức hoặc chú ý.
Động kinh và rối loạn tâm thần có mỗi liên quan với nhau.
4. Ý nghĩa mối liên hệ giữa động kinh và rối loạn tâm thần
– Các cơn co giật lặp lại làm tăng nguy cơ đối với các rối loạn tâm thần.
– Các rối loạn tâm thần làm tăng nguy cơ của động kinh.
– Cả động kinh và các rối loạn tâm thần đều do các bất thường của não.
Người có tiền sử trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ của động kinh (từ 4-7 lần), trong khi đó sự hiện diện của động kinh làm tăng nguy cơ tiến triển trầm cảm (từ 5-25 lần). Điều này cho thấy mối quan hệ hai chiều của động kinh và các rối loạn tâm thần. Các bệnh lý tâm thần khác như tăng động giảm chú ý làm tăng nguy cơ của động kinh gấp 3,7 lần.
Do đó, người gặp các vấn đề tâm thần và/hoặc động kinh cần phải được chăm sóc, theo dõi và điều trị đồng thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.