Suy tim giai đoạn cuối là mức độ nặng nhất của suy tim. Lúc này các triệu chứng biểu hiện rõ ràng, người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi. Các cơ quan trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không nhận được đủ máu. Bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm và nhập viện thường xuyên hơn. Cùng tìm hiểu các biểu hiện và biến chứng của bệnh nhân suy tim ở giai đoạn cuối qua bài biết sau đây.
1. Biểu hiện của suy tim giai đoạn cuối
Suy tim giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối là mức độ suy tim nặng nhất theo Hội Tim mạch New York (NYHA). Ở giai đoạn này, bệnh nhân hầu như không còn đáp ứng việc điều trị nội khoa. Nếu như ở các giai đoạn đầu, các biểu hiện của bệnh còn ít, nhẹ, thậm chí nhiều trường hợp không xuất hiện thì đến giai đoạn cuối, các triệu chứng đã biểu hiện rõ ràng, rầm rộ. Những dấu hiệu cho thấy người bệnh đang bước vào giai đoạn cuối của bệnh suy tim gồm:
– Người bệnh không muốn ăn hay uống gì
– Nhịp ngủ, thức không cố định
– Huyết áp, nhịp tim thường xuyên bất ổn
– Tiểu ít và lượng nước tiểu mỗi lần cũng giảm
– Mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí đến mức không thể tự rời khỏi giường
– Thân nhiệt xuống thấp, tay chân lạnh, nhợt nhạt
– Cảm giác no, đầy trướng bụng mặc dù ăn ít
– Cơ thể nặng nề, ho, khó thở nhiều
Các triệu chứng này có thể diễn ra nhanh hay chậm, nhiều hay ít khác nhau ở tùy người. Người bệnh suy tim nên chú ý theo dõi sức khỏe để nhận biết những dấu hiệu chuyển độ suy tim và thăm khám sớm.
Mệt mỏi, kiệt sức, tiểu ít,… là những biểu hiện của người suy tim nặng.
2. Các biến chứng người bệnh suy tim thường gặp ở giai đoạn cuối
Không những gặp những triệu chứng trầm trọng, người bệnh suy tim còn phải đối mặt với nguy cơ nhập viên thường xuyên do xuất hiện nhiều biến chứng vào giai đoạn này. Các biến chứng nguy hiểm ở giai đoạn cuối suy tim có thể kể đến như:
2.1 Suy thận do suy tim giai đoạn cuối
Ở giai đoạn cuối, sức co bóp của tim giảm nghiêm trọng, khiến thận không được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc và đào thải dịch và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
2.2 Suy gan
Tình trạng tích nước lâu ngày khiến gan to ra, khả năng hoạt động bị cản trở. Theo thời gian dẫn đến xơ, viêm, suy gan.
2.3 Nhồi máu cơ tim ở người suy tim giai đoạn cuối
Khi tim suy yếu, tốc độ máu chảy trong các động mạch tim chậm hơn bình thường, tạo điều kiện hình thành các cục máu đông. Đây là nguyên nhân gây ra biến chứng nhồi máu cơ tim ở người bệnh suy tim.
2.4 Đột qụy
Các cục máu đông hình thành ở tim có thể di chuyển đến động mạch cảnh, động mạch máu não. Một số khác hình thành trên đường lưu chuyển của máu đến não. Tình trạng này có thể gây tắc nghẽn, đột quỵ nhồi máu não.
2.5 Phù phổi cấp
Tình trạng ứ dịch tại phổi có thể gây suy hô hấp cấp tính, được gọi là phù phổi cấp. Các trường hợp này cần được cấp cứu kịp thời, nếu không có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân suy tim dễ biến chứng nhồi máu cơ tim do cục máu đông.
3. Làm thế nào để giảm triệu chứng và ngăn biến chứng suy tim
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi suy tim. Nhất là ở giai đoạn cuối, việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn. Thời gian sống của người bệnh suy tim ở giai đoạn này rất khó xác định. Có người tính bằng năm, nhưng cũng có người chỉ vài tháng hay vài tuần.
Việc chăm sóc, theo dõi, động viên giúp người bệnh có tinh thần lạc quan, thoải mái là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số cách điều trị suy tim nặng giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng bệnh:
3.1 Duy trì điều trị suy tim bằng thuốc
Tuy ở giai đoạn cuối, bệnh nhân suy tim hầu như đã không còn đáp ứng với việc điều trị bằng thuốc nữa nhưng việc sử dụng thuốc đều đặn vẫn là điều quan trọng nhằm giảm nhẹ tình trạng phù, khó thở. Bệnh nhân hoặc người nhà cần đảm bảo tuân thủ việc dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm dùng đúng thuốc, đúng liều, không tự ý ngưng thuốc, thay đổi loại thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Không tự ý uống các loại thuốc ngoài đơn được kê mà không tham khảo chuyên gia.
3.2 Theo dõi sát tình trạng bệnh
Để phòng tránh và phát hiện sớm các biến chứng, bạn cần theo dõi sức khỏe của mình, chú ý các triệu chứng bất thường. Trong đó cảnh giác với triệu chứng ho có đờm hay bọt hồng. Đây có thể là biểu hiện của cơn phù phổi cấp, nếu thấy xuất hiện triệu chứng này, cần sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện để có hướng xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, nên theo dõi sát diễn biến cân nặng để kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Vì ở giai đoạn này, người bệnh sụt cân rất nhanh.
Để giúp dễ thở và bớt ho, người bệnh nên nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi bằng cách kê cao gối.
3.3 Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học có thể cung cấp cho người bệnh suy tim đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời giảm tình trạng trướng bụng, khó thở, ho, mệt mỏi. Chế độ ăn của người bệnh suy tim nặng được khuyến cáo như sau:
– Hạn chế nạp Natri
Lượng natri khuyến cáo là không quá 2g/ngày. Muối và các thực phẩm như sò, nghêu, đồ muối chua,… là nguồn cung cấp natri mà người bị suy tim cần hạn chế. Những người suy tim nặng thậm chí phải ăn nhạt hoàn toàn.
– Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
Cụ thể là hoa quả, các loại rau, đậu và ngũ cốc. Các thực phẩm này giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời kiểm soát cholesterol, lượng đường trong máu.
– Hạn chế chất béo
Nếu bị suy tim, đặc biệt là suy tim nặng, bệnh nhân nên giảm lượng chất béo, đồng thời hạn chế các loại thịt đỏ, thịt mỡ, ưu tiên chế biến các món hấp, luộc.
– Bổ sung nhiều kali
Thuốc lợi tiểu dùng để điều trị suy tim sẽ làm cho lượng kali bị giảm đáng kể. Do đó, để duy trì hoạt động của tim, cần bổ sung các thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, chuối, bơ,…
Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, đặc biệt là các loại rau quả nhiều kali giúp tăng cường sức khỏe tim mạch cho bệnh nhân suy tim.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức về cách nhận biết và chăm sóc người bệnh suy tim giai đoạn cuối. Lưu ý, bài viết chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho các chẩn đoán và điều trị y khoa. Bệnh nhân suy tim nên đi khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán đúng mức độ suy tim và được tư vấn chế độ điều trị, chăm sóc hợp lý, giúp cải thiện bệnh, phòng ngừa biến chứng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.