Các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới là ung thư vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, phổi, cổ tử cung, và ung thư buồng trứng. Biết được cáo triệu chứng cảnh báo của những loại ung thư này sẽ giúp chị em phát hiện bệnh sớm, tăng cơ hội điều trị. Dưới đây là các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới và những dấu hiệu cảnh báo.
1. Ung thư vú
Ung thư vú là một trong số các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp ở nữ giới nhất. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, và nguy cơ tăng lên khi tuổi cao.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú là: có khối u cứng ở xung quanh ngực, vú lồi lõm bất thường, núm vú tiết dịch hoặc máu, vv… Để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư vú, phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm, phụ nữ trong độ tuổi 20 nên thường xuyên khám vú tại nhà.
2.Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến ở cả nam và nữ.
Ung thư đại trực tràng là một trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới và cả nam giới, thường gặp ở những người độ tuổi 50 trở lên. Người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh, hoặc những người có polyp ở đại tràng hoặc trực tràng, hoặc những người có bệnh viêm ruột có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, chế độ ăn uống giàu chất béo (đặc biệt là từ các nguồn động vật), thừa cân, hút thuốc lá, và thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng là: có máu trong phân, phân hẹp hơn so với bình thường, thường xuyên thấy đau hoặc co thắt ruột do đầy hơi, đầy bụng hoặc chướng bụng, giảm cân không rõ lý do, cảm thấy rất mệt mỏi mọi lúc, …vv
Để phòng ung thư đại trực tràng, những người trên 50 tuổi, đặc biệt những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên thường xuyên nội soi đại tràng.
3. Ung thư phổi
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi.
Ung thư phổi cũng là một trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới và nam giới. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính, chịu trách nhiệm tới hơn 80% các trường hợp mắc ung thư phổi. Hít phải khói thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây ung thư phổi ở người không hút thuốc lá.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi bao gồm: ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau ngực hoặc lưng, vai, viêm phổi hoặc viêm phế quản thường xuyên, vv…
Ung thư phổi là một trong số ít những bệnh ung thư thường có thể được phòng ngừa đơn giản bằng cách không hút thuốc và tránh xa khói thuốc.
4. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung thường xảy ra ở những phụ nữ không có thói quen xét nghiệm Pap thường xuyên.
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người phụ nữ nào, những người đã có quan hệ tình dục và nhiễm HPV. Virus này lây truyền qua đường tình dục. Ung thư cổ tử cung cũng có nhiều khả năng xảy ra ở những phụ nữ hút thuốc, có HIV hoặc AIDS, có chế độ dinh dưỡng kém, và những người không xét nghiệm Pap thường xuyên.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung: chảy máu âm đạo bất thường (sau quan hệ tình dục, chảy máu giữa kỳ kinh, vv…), đau vùng chậu hoặc khi giao hợp, đau chân, tiết dịch âm đạo bất thường, vv…
Để phòng bệnh, phụ nữ ở độ tuổi 21 trở lên, nên xét nghiệm Pap thường xuyên 3 năm 1 lần; Trẻ gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi (trước khi có quan hệ tình dục) nên chích ngừa vaccin HPV.
5. Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong số các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.
Trong số các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới, ung thư buồng trứng cũng chiếm tỷ lệ mắc và tử vong khá cao. Bệnh có nhiều khả năng xảy ra khi phụ nữ lớn tuổi – những người không sinh con, những người có vô sinh, hoặc sinh con muộn gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Những phụ nữ đã sử dụng liệu pháp thay thế hormone cũng có nguy cơ cao. Phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này.
Dấu hiệu cảnh báo: trướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, mất cảm giác ngon miệng, táo bón và thay đổi thói quen ruột, vv…
Để phòng ngừa ung thư buồng trứng, phụ nữ nên khám phụ khoa thường xuyên.
6. Ung thư nội mạc tử cung
Ung thư nội mạc tử cung.
Ung thư nội mạc tử cung thường xảy ra ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Dùng estrogen không progesterone hoặc dùng tamoxifen để điều trị ung thư vú hoặc làm giảm nguy cơ ung thư vú có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Các yếu tố nguy cơ là có kinh nguyệt quá sớm, mãn kinh muộn, không sinh con, phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư đại tràng không do polyp có tính gia đình (HNPCC) hoặc bệnh buồng trứng đa nang, hoặc những người bị béo phì cũng có nhiều khả năng bị ung thư nội mạc tử cung.
Dấu hiệu cảnh báo: Chảy máu bất thường ở âm đạo hoặc tiết dịch, khó khăn hoặc đau khi đi tiểu, tử cung to, phát hiện khi kiểm tra khung chậu, đau khi giao hợp…
Để phòng bệnh, phụ nữ có HNPCC trên 35 tuổi nên có xét nghiệm hàng năm với sinh thiết nội mạc cổ tử cung.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.