Âm đạo của phụ nữ là một bộ phận vô cùng nhạy cảm, khu vực này dễ mắc phải những bệnh không mong muốn nếu như không được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn tìm hiểu bệnh âm đạo thường gặp, nên làm gì để phòng tránh các bệnh về âm đạo hiệu quả, cùng tìm hiểu nhé!
1. Tìm hiểu về cấu trúc âm đạo
Âm đạo là bộ phận thuộc tuyến sinh dục ở nữ giới, đây là bộ phận nối liền giữa tử cung và âm hộ. Cấu tạo chi tiết của âm đạo gồm 3 lớp là lớp thành âm đạo, lớp giữa âm đạo và lớp trong âm đạo.
– Lớp thành âm đạo: bao gồm niêm mạc và các mô sinh học chứa nhiều dây thần kinh dẫn truyền, lớp này khá trơn và có dạng lưới.
– Lớp giữa âm đạo: được cấu tạo là một lớp cơ tròn nội mô yếu và bọc bên ngoài là lớp cơ mạnh mẽ hơn. Lớp giữa âm đạo có tác dụng co bóp khi quan hệ tình dục hoặc co bóp khi sinh em bé.
– Lớp trong âm đạo: là một lớp mô liên kết bên ngoài với các mô chứa mạch máu, dây thần kinh cùng mạch bạch huyết.
Với cấu tạo đặc biệt vừa tiếp xúc với môi trường bên ngoài, vừa sâu vào bên trong, âm đạo là bộ phận rất dễ có nguy cơ bị mắc bệnh, cụ thể là những bệnh liên quan đến viêm nhiễm.
Cấu tạo âm đạo vừa tiếp xúc với môi trường bên ngoài, vừa sâu vào bên trong nên rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh về âm đạo
2. Các bệnh âm đạo viêm nhiễm thường gặp
Bệnh âm đạo là bệnh lý phụ khoa không hiếm gặp ở nữ giới. Bệnh tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến cuộc sống và có nguy cơ dẫn đến hiếm muộn/vô sinh.
Các tác nhân gây lên bệnh âm đạo phổ biến có thể kể đến là:
– Viêm âm đạo do vi khuẩn: xảy ra khi số lượng lợi khuẩn trong âm đạo giảm, nhóm vi trùng kỵ khí phát triển quá mức làm mất cân bằng hệ vi sinh vật môi trường âm đạo và gây nên tình trạng viêm nhiễm. Triệu chứng thường gặp của tình trạng này là khí hư có màu trắng hoặc xám, mùi tanh như mùi cá ươn (mùi trở nên nặng hơn sau khi quan hệ tình dục)… Nếu mang thai, viêm âm đạo do vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn buồng ối, sảy thai, sinh non,… Vì vậy, bệnh nên được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
– Viêm âm đạo do trùng roi: tình trạng này do trùng roi Trichomonas vaginalis ký sinh trùng ở bộ phận sinh dục gây ra. Biểu hiện của bệnh là ngứa, đau ở khu vực âm đạo và âm hộ, đau buốt khi đi tiểu, khí hư có màu xanh hoặc màu vàng, mùi hôi. Ngoài ra chị em cũng có thể gặp triệu chứng khó chịu ở bụng dưới và đau ở âm đạo khi quan hệ tình dục.
Viêm âm đạo do trùng roi ký có biểu hiện là ngứa âm đạo, đau buốt khi đi tiểu, khí hư có màu xanh hoặc màu vàng
– Viêm âm đạo do Chlamydia: một số người bị bệnh sẽ không gặp phải triệu chứng nào bất thường nào, một số khác thì sẽ thấy khí hư có mùi lạ, có thể bị viêm đường tiểu gây tiểu đau, đi tiểu ra mủ, đi tiểu nhiều lần, nguy cơ viêm nhiễm ống dẫn trứng, vô sinh hiếm muộn.
– Viêm âm đạo do nấm: Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm âm đạo phổ biến thứ hai ở nữ giới chỉ sau nguyên nhân vi khuẩn. Viêm âm đạo do nấm xảy ra khi nấm Candida có sẵn trong âm đạo gặp môi trường thuận lợi để sinh trưởng và phát triển quá mức, chúng lấn át các lợi khuẩn và gây ra tình trạng viêm âm đạo. Triệu chứng thường gặp của bệnh này là ngứa ở vùng kín, dịch âm đạo đặc, có mùi nhẹ hoặc không có mùi, hơi viêm ở âm hộ.
Ngoài những tác nhân và triệu chứng kể trên, những biểu hiện khác thường ở âm đạo cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân bạn đang mắc phải các bệnh phụ khoa khác như: viêm lộ tuyến cổ tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang, polyp tử cung, ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn sàn chậu, bệnh lây qua đường tình dục (giang mai, lậu, sùi mào gà, …)
3. Cách phòng tránh các bệnh về âm đạo hiệu quả
Để phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh về âm đạo, chị em nên chú ý hơn trong sinh hoạt và vệ sinh âm đạo.
3.1. Vệ sinh vùng kín đúng cách
Vệ sinh vùng kín là thói quen quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh âm đạo. Mặc dù là hoạt động thường xuyên nhưng rất nhiều người vẫn mắc phải những lỗi cơ bản khi vệ sinh khiến âm đạo dễ mắc bệnh.
Cách vệ sinh âm đạo đúng được thực hiện như sau:
– Sử dụng nước sạch ấm để rửa vùng kín, sau đó lau khô bằng khăn mềm. Nên vệ sinh ít nhất 1 lần/ngày hoặc có thể vệ sinh 2 đến 3 lần mỗi ngày.
– Chọn dung dịch vệ sinh lành tính có độ pH phù hợp, không nên dùng những sản phẩm có mùi thơm hoặc là chất độc hại.
– Không nên dùng thuốc xịt âm đạo, không nên dùng nước hoa âm đạo.
– Khi vệ sinh không nên thụt rửa sâu trong âm đạo, việc thụt rửa sâu chỉ khiến môi trường âm đạo bị mất cân bằng dẫn đến viêm nhiễm chứ không giúp làm sạch hơn.
– Khi đi vệ sinh, nên chú ý lau từ trước ra sau để ngăn ngừa vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo gây ra bệnh viêm nhiễm.
3.2. Giữ vệ sinh vùng kín cẩn thận trong các thời kỳ
Trong thời kỳ kinh nguyệt:
– Băng vệ sinh cần được thay thường xuyên (khoảng 3-4 giờ/lần). Việc sử dụng băng vệ sinh kéo dài sẽ vừa gây khó chịu vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển và gây nên tình trạng viêm nhiễm.
– Chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng kín mỗi lần thay băng.
Trong thời kỳ mang thai hay hậu sản:
– Việc vệ sinh vùng kín cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn mẹ sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín chuyên dụng giúp làm sạch tốt hơn và nhanh phục hồi hơn.
3.3. Khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa định kỳ là việc rất nên làm để bảo vệ sức khỏe âm đạo. Đến gặp bác sĩ sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị ngay khi bệnh mới chớm nhẹ.
Khám phụ khoa định kỳ giúp phòng tránh các bệnh về âm đạo hiệu quả
Đặc biệt cần đi khám ngay nếu âm đạo đã xuất hiện những triệu chứng bất thường như ngứa rát, đau rát khi đi tiểu, đầu ra khi quan hệ tình dục, khí bất thường, có mùi hôi, …. vì lúc này âm đạo đã bị bệnh. Không nên để tâm lý tự ti, e ngại khiến bệnh viêm âm đạo kéo dài và khó điều trị hơn.
3.4. Dùng quần lót đúng cách
– Nên sử dụng của lót chất liệu cotton hoặc ít nhất là đáy quần phải được làm bằng chất liệu cotton để tránh ấm ướt tối đa cho khu vực âm đạo vì ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
– Không nên sử dụng quần lót làm từ chất liệu ren lụa da hoặc polyester
– Nên thay quần lót hàng ngày, giặt sạch ngay và phơi dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ vi khuẩn. Quần lót cũ lên được thay mới ít nhất 6 -12 tháng một lần.
– Sau khi đi bộ hoặc vận động ra nhiều mồ hôi, bạn cũng nên thay quần lót để giữ vệ sinh.
Trên đây là thông tin về bệnh viêm âm đạo thường gặp và những biện pháp giúp phòng mắc bệnh hiệu quả, hi vọng bài viết đã giúp bạn có được thông tin cần thiết. Chị em nên thực hiện tốt những lưu ý vệ sinh và đi khám định kỳ để bệnh âm đạo không ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.