Chứng mất ngủ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, công việc và cuộc sống hàng ngày. Nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, cần xác định đúng nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp.
1. Mất ngủ có mấy loại?
Mất ngủ có thể chia thành các loại cơ bản như sau:
1.1. Mất ngủ ban đêm
Người bị mất ngủ ban đêm có các triệu chứng như là khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, hay tỉnh giấc giữa đêm và không thể ngủ lại. Người bị mất ngủ đêm chỉ ngủ được khoảng 3-4 tiếng mỗi tối thay vì 6-8 tiếng như thông thường.
Mất ngủ trong thời gian dài sẽ làm suy yếu cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh
1.2. Mất ngủ kinh niên
Nếu tình trạng mất ngủ diễn ra liên tục và kéo dài hơn 1 tháng thì được xếp vào loại mất ngủ kinh niên. Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và làm suy giảm sức khỏe. Trường hợp này khó điều trị, cần người bệnh kiên trì và kết hợp nhiều phương pháp mới có thể cải thiện.
1.3. Mất ngủ sau sinh
Phụ nữ sau sinh cũng là đối tượng dễ bị mất ngủ. Nguyên nhân có thể là cảm giác đau ở vết thương, mất ngủ do thời gian biểu bị đảo lộn vì chăm sóc con, tình trạng trầm cảm sau sinh…
1.4. Rối loạn giấc ngủ
Mất ngủ là một trong nhiều triệu chứng của tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó còn có các triệu chứng như: ngủ rũ vào ban ngày, ngủ quá nhiều, rối loạn giờ ngủ – thức dậy hay hội chứng ngưng thở khi ngủ.
2. Các nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ kéo dài
Nguyên nhân khiến người bệnh mất ngủ rất đa dạng, có thể xuất phát từ lối sống, cách ăn uống cũng có thể là ảnh hưởng từ bệnh lý.
2.1. Chứng mất ngủ xuất phát từ lối sinh hoạt hàng ngày
Áp lực từ cuộc sống, công việc
Cuộc sống hiện đại với muôn vàn mối bận tâm khiến bạn trằn trọc, suy nghĩ nhiều trước khi đi ngủ. Do đó mà tâm trí không thể thư giãn và đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Thói quen, thời gian biểu sinh hoạt không điều độ
Thức khuya, dậy muộn, không ngủ trưa hay ngủ trưa quá nhiều đều là yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ tối. Xem TV, sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ cũng khiến bạn khó vào giấc.
Uống cà phê, trà hay rượu bia, sử dụng chất kích thích cũng là yếu tố làm suy giảm chất lượng giấc ngủ và là nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ.
Ăn quá nhiều vào buổi tối
Việc nạp quá nhiều năng lượng hay ăn những món cay nóng, nhiều dầu mỡ vào bữa tối khiến bụng khó chịu và không thể ngủ ngon. Những người bị trào ngược dạ dày thực quản, có dòng axit và thức ăn đi vào thực quản sau khi ăn sẽ làm cơ thể tỉnh táo và khó ngủ hơn.
Không gian ngủ không đảm bảo chất lượng
Chỗ ngủ nhiều ánh sáng, ồn ào, bụi bặm, quá nóng hay quá lạnh đều khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. Do đó nếu muốn hạn chế bị mất ngủ, hãy lựa chọn một vị trí ngủ thoải mái nhất.
Không gian ngủ ồn ào, quá nhiều ánh sáng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ
Lười vận động hoặc vận động quá nhiều trước khi ngủ
Ít hoạt động thể chất cũng là nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu trước khi ngủ bạn tập quá sức cũng khiến giấc ngủ bị cản trở. Do khi tập quá nặng, tim đập nhanh, các cơ và hệ tim mạch bị kích thích nên cơ thể cần nhiều thời gian để trở về trạng thái bình thường. Vì thế mà tập cường độ cao sát giờ ngủ sẽ khiến bạn bồn chồn, khó ngủ hơn.
2.2. Chứng mất ngủ xuất phát từ các nguyên nhân khác
Mắc các bệnh lý về sức khỏe tâm thần: người gặp các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, stress, trầm cảm đều có thể gặp vấn đề với giấc ngủ.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc: một số loại thuốc kê theo toa có thể tác động đến giấc ngủ ví dụ như thuốc trầm cảm, thuốc hen suyễn, thuốc huyết áp. Hay một số loại thuốc như giảm đau, dị ứng, thuốc cảm, thuốc giảm cân cũng có thể gây ra chứng mất ngủ.
Một số bệnh lý như ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh hen, Parkinson, Alzheimer … cũng khiến bệnh nhân ngủ không ngon. Tình trạng ngưng thở khi ngủ khiến bạn bị ngưng thở vào buổi đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
Tuổi tác: người già thường có xu hướng mất ngủ nhiều hơn. Những thay đổi nhỏ trong môi trường sống, tiếng ồn cũng có thể đánh thức người già. Khi tuổi càng cao thì tình trạng mất ngủ càng tệ hơn dù người già vẫn cần ngủ nhiều.
3. Các phương pháp cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài
Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống, do đó cần được có phương pháp cải thiện càng sớm càng tốt.
3.1. Với những người mới bị mất ngủ (dưới 1 tháng)
Đối với những trường hợp chỉ mất ngủ từ vài ngày đến vài tuần: người bệnh không nên lo lắng, hãy thay đổi lối sống và điều chỉnh thời gian biểu:
– Điều chỉnh thực đơn ăn uống
Nên ăn đúng bữa, tránh ăn quá muộn và sát giờ ngủ. Đồng thời tránh ăn quá no, tránh đồ cay nóng và nhiều dầu mỡ. Nên bổ sung thêm rau củ quả, trái cây tươi và chọn các thực phẩm giúp ngủ ngon và ngủ sâu như tâm sen, hạt sen, mật ong…
Hạt sen từ lâu đã được coi là thần dược trong việc cải thiện giấc ngủ
– Vận động, tập thể dục đều đặn (lưu ý tập vừa sức, tránh tập nặng trước khi ngủ)
Thể dục, thể thao giúp lưu thông tuần hoàn máu, giải tỏa căng thẳng, từ đó cải thiện giấc ngủ. Trước khi đi ngủ bạn có thể tập thiền, yoga nhẹ nhàng để đầu óc thư thái, dễ vào giấc.
– Kiểm soát tâm trí, hạn chế căng thẳng
Khi đi ngủ, hãy gạt bỏ mọi chuyện sang một bên để đầu óc được thoải mái. Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để có một giấc ngủ ngon. Trước khi ngủ có thể nghe nhạc nhẹ, đọc sách để giải tỏa căng thẳng trong ngày.
– Châm cứu
Đây là liệu pháp giúp khí huyết lưu thông, máu tuần hoàn tốt hơn, đả thông kinh mạch, từ đó có giấc ngủ chất lượng hơn. Người bị mất ngủ nên chọn những cơ sở uy tín để thực hiện biện pháp này.
3.2. Với những người bị mất ngủ kéo dài (hơn 1 tháng)
Với những trường hợp bị mất ngủ liên tục và hơn 1 tháng, cũng nên thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt bằng các cách ở trên. Bên cạnh đó nên đi khám để biết nguyên nhân mất ngủ là gì. Nếu chỉ bị mất ngủ đơn thuần, bạn sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc thích hợp. Nếu người bệnh mất ngủ do ảnh hưởng của các bệnh lý khác thì sẽ dùng thuốc điều trị các chứng bệnh đó. Lưu ý tất cả thuốc điều trị mất ngủ cần phải do bác sĩ chỉ định và kê đơn đầy đủ. Không tự ý uống thuốc an thần, thuốc ngủ và tự ý tăng giảm liều lượng vì sẽ khiến chứng mất ngủ tệ hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.