Hẹp van tim 2 lá là hiện tượng các lá van không còn mềm mại, bị dày hoặc dính các mép van, làm hạn chế khả năng mở và cản trở sự lưu thông máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân hẹp van tim 2 lá thường gặp và cách chẩn đoán chính xác nhất qua bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân gây hẹp van tim 2 lá
1.1 Sốt thấp khớp – Nguyên nhân hẹp van tim 2 lá chủ yếu
Sốt thấp khớp do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra là nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp van tim. Những người có tiền sử sốt thấp khớp và nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus nhưng không được điều trị triệt để có nguy cơ rất cao gặp phải các vấn đề van tim, trong đó có chứng hẹp van 2 lá.
1.2 Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Viêm nội tâm mạc là nhiễm trùng thường gặp ở màng trong của tim, thường do vi khuẩn tan huyết nhóm A (điển hình là streptococci hoặc staphylococci) hoặc nấm gây ra. Các loại vi khuẩn này gây dày dính mép van và làm hẹp van tim. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hẹp van 3 lá, 2 lá và van động mạch chủ. Nguyên nhân này ít gặp hơn ở van động mạch phổi.
Liên cầu khuẩn nhóm A gây bệnh sốt thấp khớp, viêm nội mạc nhiễm khuẩn là nguyên nhân chủ yếu gây hẹp van 2 lá.
1.3 Vôi hóa van
Vôi hóa van là hậu quả của quá trình lão hóa. Khi van bị vôi hóa, khả năng đóng và mở van sẽ trở nên kém linh hoạt. Điều này kết hợp với chứng rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ lắng đọng canxi ở quanh van tim gây ra hẹp van tim.
1.4 Do bẩm sinh
Một số khiếm khuyết trong quá trình hình thành van tim có thể gây nên bệnh hẹp van tim 2 lá. Các dị tật van tim thường gặp như dị dạng van 2 lá, van 2 lá hình dù, vòng thắt trên van 2 lá, teo van 2 lá… đều có thể gây ra tình trạng hẹp van tim.
Đáng chú ý, các khiếm khuyết này thường không gây triệu chứng nào cho đến tuổi trưởng thành. Nếu gặp phải một trong những dị tật bẩm sinh trên, bạn cần theo dõi để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng, bạn cần đi khám để được đánh giá lại chức năng van tim, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
1.5 Xạ trị lồng ngực
Tác dụng của tia X trong quá trình xạ trị điều trị ung thư vùng ngực có thể gây tổn thương van tim, làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp van 2 lá.
1.6 Bệnh tự miễn
Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ có thể khiến hệ miễn dịch nhận định và tấn công nhầm các tế bào lành lặn, gây tổn thương van tim. Đây cũng có thể là nguyên nhân gây hẹp van tim 2 lá.
Lupus ban đỏ là một trong những nguyên nhân hẹp van 2 lá mà ít ai ngờ tới.
1.7 Do phẫu thuật thay van
Thay van tim cũng là một tác nhân gây hẹp van. Bởi sau thay van, người bệnh có thể gặp các biến chứng gây tác động xấu đến van tim như huyết khối, nhiễm khuẩn, thoái hóa hoặc vôi hóa van,…
1.8 Khối u trong tim
Khối u ở tim là nguyên nhân gây hẹp van 2 lá rất hiếm gặp. Vị trí khối u có thể ở cơ tim hoặc lớp nội tâm mạc hoặc ngoại tâm mạc. Các khối u này gây cản trở dòng máu chảy trong tim, đặc biệt ở van 2 lá, gây chít hẹp van tim và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn tới đột quỵ.
1.9 Các nguyên nhân hẹp van tim 2 lá khác
Ngoài các nguyên nhân trên, hẹp van tim 2 lá có thể là kết quả của một số bệnh lý hiếm gặp như:
– Hội chứng carcinoid: kết quả khi khối u carcinoid giải phóng một số hóa chất vào máu khiến van tim dày lên và hoạt động không bình thường, dẫn đến hẹp hở van tim.
– Hội chứng Noonan: một dạng rối loạn di truyền xuất hiện ở trẻ sơ sinh gây cản trở sự phát triển bình thường ở các bộ phận trên cơ thể, trong đó có van tim.
– Bệnh Fabry: đây là rối loạn di truyền hiếm gặp, ngăn cơ thể tạo ra enzyme alpha-galactosidase A – loại enzyme chịu trách nhiệm phá vỡ chất béo. Điều này gây tích tụ chất béo bên trong các tế bào và gây hẹp hở van tim, đột quỵ.
2. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác nguyên nhân hẹp van 2 lá?
Để xác định có phải bạn bị hẹp van tim 2 lá hay không, nguyên nhân hẹp van do đâu, bạn cần đi khám tại chuyên khoa tim mạch. Tại đây, bạn sẽ được chẩn đoán lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa và tiến hành các xét nghiệm, chụp chiếu hiện đại để xác định các vấn đề nêu trên.
2.1 Các chẩn đoán lâm sàng
– Chẩn đoán qua triệu chứng: khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm, kịch phát về đêm; ho ra máu; khàn tiếng; khó nuốt; gan to, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi,…là những dấu hiệu giúp các bác sĩ nhận diện những tổn thương ở van tim 2 lá.
– Nghe tim: ở những bệnh nhân hẹp van tim 2 lá, khi nghe tim bác sĩ thường thấy tiếng rung tâm trương ở mỏm, tiếng T1 đanh, tim có thể loạn nhịp …
Để xác định nguyên nhân chính xác gây hẹp van tim, bạn cần đi khám để được chẩn đoán bởi đội ngũ chuyên gia và các phương pháp hiện đại.
2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có ý nghĩa trong việc xác định hoặc loại trừ bệnh hẹp van 2 lá gồm:
+ Siêu âm doppler tim: Trên siêu âm doppler tim, các bác sĩ có thể xác định được diện tích lỗ van, chênh áp qua van, mức độ vôi hóa van, tình trạng hở van đi kèm, từ đó quyết định phương pháp điều trị.
+ Siêu âm tim qua thực quản: giúp tìm kiếm huyết khối ở nhĩ trái, là cơ sở quyết định các phương pháp điều trị bằng can thiệp.
+ Điện tim: phát hiện các rối loạn nhịp tim, giãn nhĩ trái liên quan đến tình trạng hẹp van.
+ X-quang ngực: cho thấy hình ảnh cung động mạch phổi nổi.
+ CT, MRI tim: các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, không xâm lấn cho phép quan sát hình thái tim, các van, mạch và lưu lượng máu qua đây, phản ánh nguyên nhân, mức độ hẹp van.
Tóm lại, để nhận diện nguyên nhân hẹp van tim 2 lá, bạn cần đi khám tim mạch tại cơ sở y tế uy tín. Càng phát hiện và xác định sớm, việc điều trị càng trở nên dễ dàng, sớm thu được kết quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.