Bệnh hẹp van tim xảy ra do cấu trúc các lá van bị biến dạng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thay vì có hình dạng mảnh và đàn hồi như trước, thì những lá van này bị xơ cứng, dày lên hoặc dính vào nhau. Do đó, các lá van không thể mở ra hoàn toàn. Tình trạng này thường gặp nhất ở van 2 lá và 3 lá. Vậy các phương pháp điều trị hẹp van tim 2 lá là gì?
1. Thế nào là bệnh hẹp van tim 2 lá?
Hẹp van tim 2 lá là tình trạng van 2 lá bị dính vào nhau hoặc xơ cứng không thể mở hoàn toàn khi máu đổ từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái, điều này khiến một lượng máu bị ứ lại và làm tăng áp lực tại tâm nhĩ trái, khiến ứ đọng máu ở phổi gây khó thở. Đây cũng là bệnh lý thường gặp nhất ở van tim.
Các triệu chứng hẹp van tim 2 lá gồm:
– Khó thở, khó thở trở nên nặng hơn khi nằm và nhất là về đêm.
– Có đến hơn nửa số bệnh nhân gặp phải triệu chứng rung nhĩ kịch phát hoặc mãn tính. Dẫn đến tình trạng suy tim, phù phổi cấp nếu ko được cấp cứu có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng này, thường xuất hiện nhiều hơn ở những bệnh nhân đang có thai hoặc bị rung nhĩ. Do vậy, trong quá trình điều trị hẹp van tim 2 lá, các bác sĩ vẫn thường khuyên người bệnh không nên có thai khi đang trong quá trình điều trị.
Khó thở, đau tức ngực là một trong các triệu chứng điển hình của bệnh hẹp van tim
2. Các phương pháp điều trị hẹp van tim 2 lá
Hẹp van tim 2 lá thường diễn biến âm thầm. Các biểu hiện ban đầu không biểu hiện rõ rệt nhưng tăng dần về sau. Chính vì thế, người bệnh cần ý thức được tình trạng bệnh lý để có những chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp tránh dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Tùy theo tình trạng bệnh lý và tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp điều trị hẹp van tim 2 lá phù hợp:
2.1. Điều trị hẹp van tim 2 lá bằng phương pháp nội khoa
Thông thường, phương pháp để phòng ngừa, cũng như điều trị từ sớm là điều trị nội khoa. Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc giúp kiểm soát nhịp tim, giảm các triệu chứng của bệnh. Nếu để lâu có thể phải cân nhắc nong van hay phẫu thuật van tim. Thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh, thuốc hạ áp, thuốc chống loạn nhịp… là những loại thuốc được sử dụng trong điều trị hẹp van tim, cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc vì có thể gây ra những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
2.2. Điều trị hẹp van tim 2 lá bằng can thiệp ngoại khoa
– Nong van 2 lá bằng bóng qua da
– Phẫu thuật sửa van hai lá
– Phẫu thuật thay van hai lá
Trường hợp bệnh nhân bị hẹp van tim 2 lá nặng sẽ phải thực hiện phẫu thuật sửa tạo hình vách lá van, tạo hình van hoặc thay van tim. Nhưng không phải bất cứ trường hợp nào cũng áp dụng sửa hoặc thay van. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng và khả năng đáp ứng thuốc kém, bác sĩ mới chỉ định để điều trị tránh rủi ro và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Can thiệp ngoại khoa có thể được chỉ định trong trường hợp thực sự cần thiết
3. Biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị hẹp van tim 2 lá kịp thời
Việc ứ đọng máu ở tim hoặc ở phổi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh ngày một tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Suy tim: Hẹp van tim gây cản trở quá trình lưu thông máu, khiến tim phải hoạt động mạnh hơn, nhiều hơn để đảm báo đủ lượng máu đi nuôi cơ thể, theo thời gian, tim sẽ dần trở nên suy yếu.
– Tăng áp động mạch phổi: Lượng máu ứ đọng tại phổi sẽ làm tăng áp động mạch phổi khiến người bệnh khó thở hơn
– Tim to: Do máu ứ tại buồng tim khiến tim giãn rộng hơn và to ra, điều đó làm giảm khả năng bơm máu của tim và tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim
– Rung tâm nhĩ: Là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây ngừng tim hoặc xuất hiện các cục máu đông, làm tắc mạch máu não và gây đột quỵ, hoặc đi vào phổi gây tắc phổi hoặc phù phổi cấp.
Thậm chí có thể dẫn tới đột quỵ não do thiếu máu cơ tim.
4. Làm sao để phát hiện sớm và phòng ngừa các bệnh lý tim mạch?
Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh lý tim mạch, bạn nên đi thăm khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, hiệu quả.
Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng hiện nay có tỷ lệ chính xác khá cao, nhờ vào các trang thiết bị này có thể tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch từ giai đoạn rất sớm.
Một số thiết bị máy móc giúp chẩn đoán bệnh lý tim mạch được sử dụng rộng rãi hiện nay như:
– Hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT-sacner: Giúp chụp hệ mạch và chẩn đoán các bệnh động mạch vành không cần đến thủ thuật can thiệp. Thời gian chụp cũng rất nhanh chóng, chỉ tốn khoảng 10 phút và không gây ra bất cứ sự khó chịu nào. Chụp cắt lớp vi tính sẽ giúp phát hiện các bệnh lý mạch vành, dị dạng mạch và các bệnh lý tim mạch thông thường khác như thông liên thất, thông liên nhĩ, tim một tâm thất với độ chính xác khá cao lên tới hơn 90%.
– Chụp cộng hưởng từ MRI: có độ phân giải cao, tương phản mô mềm cao, nhiều mặt cắt với không xâm lấn, không dùng tia xạ, an toàn cho người bệnh kể cả người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Được ứng dụng giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh lý van tim.
– Điện tâm đồ (ECG): là phương pháp không xâm lấn, không đau đớn, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện ra các bệnh lý như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Áp dụng các trang thiết bị hiện đại cho quá trình thăm khám chẩn đoán bệnh lý tim mạch.
Ngoài việc, thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm để đánh giá sức khỏe tim mạch. Bạn cần kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh như: tập thể dục thể thao thường xuyên, chế độ ăn uống và làm việc khoa học, kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe như đường máu, mỡ máu, axit uric, chỉ số huyết áp, chỉ số cân nặng BMI,…
Điều trị hẹp van tim 2 lá càng sớm càng giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe hơn và có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Nếu để muộn mới điều trị, nguy cơ biến chứng tăng, có thể phải can thiệp phẫu thuật, khả năng điều trị khỏi bệnh không cao.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.