Tiến hành điều trị ung thư đại trực tràng ngay từ giai đoạn đầu có thể cho tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới 90%. Ngược lại, nếu chậm trễ việc phát hiện và điều trị muộn thì nguy cơ gây tử vong là rất cao.
1. Tình trạng ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là một bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam và có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh sớm, ung thư đại trực tràng có thể điều trị thành công.
Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán. Ở những giai đoạn đầu, phương pháp điều trị tốt nhất là phẫu thuật. Ở những giai đoạn sau, ngoài phẫu thuật, người bệnh có thể cần thêm bức xạ hoặc hóa trị bổ sung nhằm giảm khả năng tái phát. Đối với giai đoạn muộn (giai đoạn III và IV), phương pháp điều trị thường là kết hợp giữa phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Mặc dù giai đoạn là yếu tố quan trọng nhất trong điều trị ung thư đại trực tràng, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Phác đồ điều trị phù hợp nhất còn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe người bệnh, tuổi tác, điều kiện bệnh lý khác,vv…
Ung thư đại trực tràng gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và gan.
2. Điều trị ung thư đại trực tràng theo các giai đoạn cụ thể
2.1. Điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn 1
Ở giai đoạn này, ung thư đã phát triển qua nhiều lớp của đại tràng, nhưng chưa lan ra ngoài đại tràng. Phẫu thuật để loại bỏ khối u là điều trị tiêu chuẩn. Liệu pháp bổ sung như hóa trị, xạ trị là không cần thiết. Khoảng hơn 90% bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng giai đoạn I được chữa khỏi bằng phẫu thuật một mình.
2.2. Ung thư đại trực tràng giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, ung thư đã phát triển qua thành đại tràng và có thể lấn vào mô lân cận, nhưng chưa lây lan đến các hạch bạch huyết. Phẫu thuật thường là điều trị duy nhất, nhưng một số bệnh nhân có thể cần thêm xạ trị hoặc hóa trị.
2.3. Điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, nhưng đã không lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên, tiếp theo là hóa trị. Xạ trị có thể được sử dụng tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u.
2.4. Ung thư đại trực tràng giai đoạn 4
Ung thư ở giai đoạn 4 đã lan đến các cơ quan và các mô ở xa, thường gặp nhất là gan. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của khối u, hóa trị có thể được kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị. Việc điều trị ở thời điểm này chỉ có tác dụng duy trì sự sống, giảm thiểu đau đớn cho người bệnh mà không thể ngăn chặn được sự phát triển của tế bào ung thư.
Ung thư ở giai đoạn muộn sẽ kết hợp thực hiện điều trị bằng hóa trị, xạ trị.
3. Cảnh báo đối tượng có nguy cơ ung thư cao tại đại trực tràng
Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc ung thư tại đại trực tràng. Tuy nhiên, những đối tượng trong nhóm sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường, gồm có:
– Người bệnh bị thừa cân, bị béo phì, cân nặng thay đổi thất thường không kiểm soát. Trong đó, nam giới giới thường có nguy cơ mắc bệnh này là cao hơn.
– Người không hoặc rất ít tham gia hoạt động thể dục thể chất.
– Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học như ăn nhiều đồ dầu mỡ, ăn nhiều các thực phẩm chứa chất béo no,…
– Người hút thuốc lá hoặc những người uống bia rượu thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư khác ở mức cao hơn bình thường.
– Người từ 50 tuổi.
– Người có người thân trong gia đình có tiền sử đã mắc ung thư đại tràng, trực tràng hoặc người bệnh có tiền sử viêm loét đại tràng.
4. Sàng lọc và phòng ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả
Ung thư đại trực tràng nói riêng và các bệnh ung thư đường tiêu hóa nói chung thường có xu hướng âm thầm phát triển, các triệu chứng “nghèo nàn” không rõ ràng nên nhiều khi người bệnh dễ bị chủ quan và bỏ qua. Chủ động sàng lọc và phòng ngừa bệnh là điều nên làm ở mọi người nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao.
4.1. Các biện pháp sàng lọc
Sàng lọc ung thư đại trực tràng có thể làm giảm từ 15-33% tỷ lệ tử vong ở người 50 tuổi trở lên. Một số khuyến cáo về sàng lọc ung thư cần lưu ý:
– Đàn ông và phụ nữ tuổi từ 50 năm nên chủ động soi đại tràng kiểm tra;
– Test tìm hồng cầu trong phân định kỳ 1-2 năm/lần;
– Đối với người bình thường hoặc có các triệu chứng bất thường cũng nên nội soi đại tràng ống mềm. Đối với người có nguy cơ hoặc có yếu tố gia đình nên soi đại tràng ở tuổi 40. Nếu kết quả âm tính có thể tầm soát soi lại sau 3 hoặc 5 năm tùy theo chỉ định.
Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán và sàng lọc bệnh lý kể cả ung thư.
4.2. Các biện pháp phòng ngừa
Để phòng ngừa tốt ung thư đại trực tràng, bạn nên:
– Bỏ hút thuốc lá;
– Hoạt động thể chất điều độ;
– Đạt và duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh;
– Hạn chế uống rượu, bia hay các chất kích thích;
– Ăn đủ chất đúng khoa học. Tăng cường các loại trái cây, rau quả, ngũ cốc. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc các loại chất béo no.
Điều trị ung thư đại trực tràng có tỷ lệ thành công cao nhất khi được thực hiện ở giai đoạn sớm của bệnh. Mỗi người hãy chủ động tầm soát và phòng ngừa ung thư đại trực tràng đúng cách, ăn uống khoa học và duy trì nếp sống lành mạnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.