Các triệu chứng của bệnh giang mai nếu không quan sát kỹ lưỡng thường rất dễ nhẫm lẫn với các triệu chứng các bệnh lý thông thường. Trong bài viết này, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu kỹ hơn về những triệu chứng thường gặp của bệnh giang mai nhé!
1. Bệnh giang mai – mối nguy hại cho toàn xã hội
– Bệnh giang mai là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh giang mai có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe và cuộc sống của con người.
– Khi mắc bệnh giang mai, người bệnh sẽ có những triệu chứng khó chịu như vết loét, nốt sần chảy dịch, mụn ở cơ quan sinh dục hoặc trên các vị trí khác của cơ thể. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh mà còn dễ lây truyền sang cho bạn tình.
Những biến chứng của bệnh giang mai ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chúng ta
– Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai, xoắn khuẩn giang mai sẽ xâm nhập vào thai nhi gây nên tình trạng sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu… Trẻ mới sinh ra cũng có nguy cơ mắc bệnh giang mai bẩm sinh.
– Bệnh giang mai không chỉ gây ra các triệu chứng ở bên ngoài cơ thể mà còn có thể xâm nhập vào trong mạch máu và lan truyền đến tất cả các bộ phận khác của cơ thể. Xoắn khuẩn giang mai tấn công vào hệ thần kinh sẽ gây nên viêm màng não, các tổn thương đến mạch máu não dẫn đến động kinh, đột quỵ. Giang mai tấn công vào hệ tim mạch sẽ gây phình mạch, gây tổn thương mô và nội tạng, phá hoại hệ xương khớp dẫn đến bại liệt, tàn tật và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, bệnh giang mai còn có thể kèm theo các bệnh viêm nhiễm ở hệ thống đường tiết niệu và đường sinh dục, nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền khác. Tình trạng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Vợ chồng có nguy cơ đổ vỡ hôn nhân do nghi kỵ, mất niềm tin lẫn nhau.
2. Làm thế nào để nhận biết được mình mắc bệnh giang mai?
2.1 Các triệu chứng phổ biến của bệnh giang mai sớm
– Giang mai giai đoạn I:
Là giai đoạn bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng nào và vẫn có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm mà bệnh giang mai dễ lây nhiễm nhất và cả giai đoạn tiếp theo. Thông thường, sau khoảng 3-4 tuần (khoảng 9 – 90 ngày) từ khi bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh sẽ xuất hiện một vết loét tròn nhỏ được gọi là săng.
Mặc dù không đau nhưng vết loét này lại có khả năng lây nhiễm cao. Săng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chẳng hạn như miệng, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn (hoặc có thể ở những vị trí ngoài sinh dục). Tổn thương này sẽ tự lành trong khoảng 3-10 tuần, dù có điều trị hay không. Người bệnh có thể không nhận ra vết loét hoặc thấy nó tự mất. Nếu không được chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn này, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn II của giang mai.
– Giang mai giai đoạn II:
Biểu hiện của bệnh giang mai qua da và niêm mạc
Là giai đoạn bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Bệnh giang mai thời kỳ này thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như dị ứng thuốc, vảy nến. Những triệu chứng của giang mai giai đoạn II bao gồm phát ban trên da và đau họng. Các nốt phát ban này không gây ngứa và thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nhiều trường hợp sẽ không nhận thấy các nốt phát ban trước khi chúng biến mất.
Ngoài ra, giang mai giai đoạn II còn có thể gây ra đau đầu, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, sốt, giảm cân, rụng tóc, đau nhức khớp và các triệu chứng thần kinh như điếc một bên, liệt thần kinh mắt, viêm màng bồ đào và viêm màng não. Các triệu chứng của giang mai trong giai đoạn này có thể tự biến mất, tuy nhiên nếu không được điều trị thì bệnh sẽ phát triển sang giai đoạn tiềm ẩn.
– Giang mai giai đoạn tiềm ẩn:
Giai đoạn này không có các triệu chứng lâm sàng nên chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm huyết thành. Trong giai bệnh phát triển tiềm ẩn, căn cứ vào mức độ có thể chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn tiềm ẩn sớm (< 2 năm) và giai đoạn tiềm ẩn muộn (> 2 năm).
2.2 Các triệu chứng của căn bệnh giang mai giai đoạn muộn
Bệnh giang mai trong thời kỳ này thường xuất hiện từ 5, 10, 15 năm kể từ khi có xăng và một vài triệu chứng khác nhưng không điều trị. Lúc này sẽ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như: nổi gôm ở da, nội tạng, thần kinh, tim mạch, săng lúc này cũng tổn thương sâu hơn. Khả năng lây nhiễm cho bạn tình trong giai đoạn này giảm đi đáng kể với xoắn khuẩn đã xâm nhập và cư trú sâu trong phủ tạng chứ không còn ở da và vùng niêm mạc nữa.
3. Một số lưu ý giúp bạn phòng ngừa bệnh giang mai tốt hơn
Các cặp vợ chồng nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để chủ động phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục
– Nên có đời sống tình dục an toàn: Nên chung thủy quan hệ 1 vợ 1 chồng, không quan hệ tình dục với nhiều người. Tuyệt đối không thực hiện những hành vi mua dâm, bán dâm, đảm bảo luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ.
– Không tiếp xúc với các bệnh nhân khi họ có những vết xước.
– Không thực hiện truyền máu nếu máu đó có chứa vi khuẩn hoặc xoắn khuẩn giang mai
– Không sử dụng chung đồ với người mắc bệnh: chăn gối, quần áo, khăn mặt, dao cạo, bơm kim tiêm…, sắp xếp đồ dùng gọn gàng, ngăn nắp khi ở chung với người bệnh.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện bệnh giang mai và điều trị sớm.
– Khi phát hiện cơ thể có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh giang mai, bạn cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra chính xác, không được tự ý mua thuốc điều trị.
Hy vọng rằng qua bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết để nhận biết các triệu chứng của bệnh giang mai cũng như phòng tránh sự lây nhiễm của bệnh tốt hơn. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về bệnh giang mai cần được giải đáp, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.