Dạ dày là cơ quan thuộc một phần của hệ thống tiêu hóa, vậy nên khi có tổn thương ác tính ở dạ dày, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí của khối u trong dạ dày mà người bệnh sẽ có các triệu chứng và mức độ khác nhau. Tuy nhiên các triệu chứng ung thư dạ dày thường dễ nhầm lẫn và cũng có thể xuất hiện trong các bệnh lý dạ dày lành tính khác. Nắm bắt các triệu chứng của ung thư dạ dày dưới đây có thể giúp bạn thăm khám kịp thời, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm tăng khả năng điều trị hiệu quả.
1. Tổng quan bệnh ung thư dạ dày và các giai đoạn
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao thứ 3 và tỷ lệ mắc mới cao thứ 4 tại Việt Nam vào năm 2020 theo số liệu thống kê của Globocan. Số ca mắc mới năm 2020 lên đến hơn 17,000 nghìn ca bệnh trong đó số ca mắc ở nam giới chiếm đến hơn 11,000 ca.
Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường không gây ra những triệu chứng điển hình nên người bệnh dễ bỏ qua, đồng thời việc tầm soát ung thư phát hiện bệnh sớm cũng chưa được nhận thức mạnh mẽ nên từ đó cũng đóng góp vào tỷ lệ tử vong cao của căn bệnh này.
Dựa vào mức độ phát triển của khối u mà ung thư dạ dày được phân chia thành các giai đoạn sau đây:
– Giai đoạn 0: Giai đoạn sớm của ung thư dạ dày, tế bào ác tính mới chỉ phát triển ở lớp niêm mạc của dạ dày.
– Giai đoạn 1: Tế bào ác tính thâm nhập vào lớp thứ 2 của dạ dày/ lớp dưới niêm mạc.
– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư phát triển xuyên qua lớp niêm mạc dạ dày đến lớp cơ.
– Giai đoạn 3: Tế bào ác tính đã lây lan sang các hạch bạch huyết bắt đầu lan rộng ra các cơ quan xung quanh.
– Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày, tế bào ung thư di căn đến các cơ quan xa trên cơ thể.
Xác định chính xác giai đoạn bệnh giúp bác sĩ xây dựng được phác đồ điều trị đúng hướng
2. Triệu chứng của ung thư dạ dày qua các giai đoạn
2.1 Triệu chứng của ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu
Tế bào ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường chưa có sự xâm lấn mới chỉ tiến triển tại chỗ nên ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các triệu chứng của bệnh từ đó cũng chưa xuất hiện rõ rệt. Lúc này nếu có xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân cũng lầm tưởng thành các vấn đề tiêu hóa khác. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm:
– Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện: Ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn
– Có cơn đau bụng: Đau âm ỉ không theo chu kỳ, đau khi đói bụng, đau vùng dưới xương ức nếu ăn no.
Các triệu chứng kể trên có thể dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý viêm loét dạ dày vì vậy người bệnh thường chủ quan không kiểm tra và cứ để các triệu chứng này tái diễn. Đây cũng là lý do mà bệnh ung thư dạ dày thường được phát hiện muộn, bệnh nhân đến viện thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn.
2.2 Triệu chứng của ung thư dạ dày ở giai đoạn sau
Triệu chứng ung thư dạ dày sẽ được biểu hiện rõ ràng hơn khi bệnh chuyển qua các giai đoạn nặng hơn với các triệu chứng như:
– Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như: Ậm ạch khó tiêu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đầy bụng sau ăn, ợ chua sau ăn, ợ nóng, đầy hơi liên tục…
– Cảm giác đau bụng: Đau từng đợt, đau âm ỉ không theo chu kỳ, đau bụng khi đói, đau bụng khi no, đau trướng bụng trên rốn thậm chí uống thuốc giảm đau không cải thiện.
– Xuất huyết do ung thư dạ dày: Nôn ra máu, đi đại tiện phân đen hoặc lẫn máu
– Triệu chứng toàn thân: Do hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng nên người bệnh dễ rơi vào tình trạng kém hoặc không hấp thu được dinh dưỡng, từ đó dẫn đến các hệ lụy như: Giảm cân đột ngột không có lý do, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi suy nhược cơ thể.
Các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày có thể bao gồm chán ăn, đầy hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau bụng…
3. Làm gì để phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày?
– Ung thư dạ dày có thể được điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, vậy nên nếu như thấy những triệu chứng ung thư dạ dày trên dù là bệnh lý nào bạn cũng nên đi thăm khám càng sớm càng tốt. Trong trường hợp phát hiện các bệnh lý đường tiêu hoá khác (viêm loét dạ dày, vi khuẩn HP…) nên điều trị triệt để để làm giảm yếu tố nguy cơ hình thành nên ung thư trong tương lai. Tuyệt đối tránh trường hợp để các triệu chứng diễn biến nghiêm trọng mới đi thăm khám, lúc này ung thư dạ dày có thể đã chuyển sang giai đoạn muốn, gây khó khăn trong điều trị, tốn kém nhiều chi phí và tiên lượng điều trị xấu.
– Ung thư dạ dày giai đoạn đầu là thời điểm các tế bào ung thư mới còn nằm ở lớp hạ niêm mạc dạ dày, kích thước khối u nhỏ vì vậy không gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Vậy nên để phát hiện được bệnh trong giai đoạn này, cách tốt nhất là bạn cần thực hiện kiểm tra, tầm soát ung thư dạ dày định kỳ. Đặc biệt những đối tượng sau đây cần nâng cao nhận thức hơn về việc tầm soát ung thư dạ dày:
+ Người bệnh có viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính, nhiễm vi khuẩn HP, polyp
+ Người thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, ăn uống không khoa học (ăn nhiều đồ lên men, đồ nướng, thực phẩm bẩn không đảm bảo an toàn vệ sinh…)
+ Đối tượng có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa…
4. Kết luận
Tầm soát sàng lọc ung thư dạ dày là cách tốt nhất giúp phát hiện sớm ung thư
Để điều trị ung thư dạ dày đạt hiệu quả cao thì giai đoạn bệnh là một yếu tố then chốt bởi tế bào ung thư càng ở giai đoạn muộn càng diễn biến phức tạp thì càng gây nhiều khó khăn trong điều trị, tiên lượng sống thấp hơn. Vậy nên nếu thấy những dấu hiệu bất thường kể trên bạn nên đi thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh và tư vấn phương hướng điều trị trúng đích. Đặc biệt để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh nên nên chủ động bằng ngừa bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, luyện tập phù hợp cùng chương trình sàng lọc tầm soát ung thư dạ dày định kỳ giúp phát hiện sớm những dấu ấn ung thư dạ dày.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.