Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng thụ thai gặp khó khăn. Do vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng viêm tắc vòi trứng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chị em cảnh giác, sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
1. Tắc vòi trứng là gì?
Tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp, cản trở sự di chuyển của trứng về tử cung. Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu hở mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ.
Tắc vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp, cản trở sự di chuyển của trứng về tử cung.
2. Các triệu chứng viêm tắc vòi trứng
Bệnh nhân viêm tắc vòi trứng thường có các dấu hiệu:
- Khó chịu ở bụng: chị em có thể thấy đau bụng, sưng cứng bụng, đau lưng, mệt mỏi, kiệt sức, liên tục buồn tiểu. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, viêm cổ tử cung… Vì vậy, nếu có các biểu hiện này, chị em cần phải đi thăm khám ngay.
- Kinh nguyệt không đều: chế độ ăn uống, viêm nhiễm âm đạo, rối loạn nội tiết, tâm lí căng thẳng… đều là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng kinh nguyệt thất thường. Bên cạnh đó, nếu như ống dẫn trứng bị gặp rắc rối thì gây ảnh hưởng đến buồng trứng, làm tổn thương chức năng buồng trứng. Hậu quả kéo theo là lượng kinh nguyệt không đều, chu kì kinh nguyệt thất thường.
- Tăng dịch tiết âm đạo, đau và khó chịu khi quan hệ tình dục mệt mỏi, rối loạn chức năng tiêu hóa…cũng là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị tắc vòi trứng.
Chị em có thể thấy đau bụng, sưng cứng bụng, đau lưng, mệt mỏi, kiệt sức
3. Nguyên nhân nào dẫn tới tắc vòi trứng?
Nguyên nhân gây tắc vòi trứng có thể là:
- Bẩm sinh: từ khi sinh ra vòi trứng đã bị thiếu hụt một phần hay toàn bộ, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm. Nguyên nhân chủ yếu nhất gây nên căn bệnh này vẫn là do chị em bị viêm nhiễm (phổ biến nhất là vi khuẩn lậu). Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy, 15% số phụ nữ bị nhiễm khuẩn lậu ở cổ tử cung không có các biểu hiện cụ thể nhưng đã tiến triển thành bệnh viêm tắc vòi trứng.
- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, nhất là trong thời kì kinh nguyệt, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong âm đạo, cổ tử cung, sau đó do không được điều trị đúng cách nên sẽ gây viêm nhiễm ngược dòng lên vòi trứng và làm tắc vòi trứng.
- Nạo phá thai không an toàn, nạo phá thai nhiều lần: cổ tử cung sẽ đóng vai trò ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn. Tuy nhiên, sau khi nạo phá thai, sinh đẻ hay sảy thai thì rất dễ gây viêm nhiễm ngược dòng từ âm đạo và lan qua cổ tử cung lên tử cung và hai vòi trứng, sau đó gây tắc vòi trứng.
4. Tắc vòi trứng có mang thai được không?
Tắc vòi trứng nếu được điều trị kịp thời, chị em vẫn có thể sinh nở bình thường.
Theo thống kê, bệnh tắc vòi trứng khiến khoảng 20% phụ nữ không có cơ hội được làm mẹ. Lý do bởi, ống dẫn trứng đóng vai trò đường dẫn để trứng và tinh trùng gặp nhau. Nếu ống dẫn trứng bị tắc thì việc gặp gỡ để thụ tinh bị cản trở, trường hợp tắc một trong 2 vòi thì vẫn có khả năng thụ thai. Nếu hẹp vòi trứng thì trứng bị kẹt lại tại ống dẫn trứng dẫn đến thai ngoài tử cung. Nếu tắc hoàn toàn cả 2 vòi trứng sẽ gây vô sinh. Hơn nữa, vòi trứng bị tổn thương cũng có thể ảnh hưởng đến cơ chế rụng trứng, dẫn đến rối loạn rụng trứng và kinh nguyệt, khó phán đoán thời điểm rụng trứng để quan hệ, làm cho tỷ lệ thụ thai thành công giảm đi.
Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời, tắc vòi trứng vẫn có thể chữa được, bảo tồn khả năng sinh sản. Căn cứ vào độ tuổi và tiền sử sản khoa, bác sĩ sẽ tư vấn mổ nội soi. Trường hợp bệnh nhân bị tắc cả 2 vòi trứng mà mong muốn có con thường phải thụ tinh trong ống nghiệm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.