Cao huyết áp hoặc tăng huyết áp, còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì ban đầu bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng.
1. Tìm hiểu về cao huyết áp
Huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tính bằng đơn vị mmHg và xác định bằng cách đo huyết áp. Có 2 chỉ số khi đo huyết áp: Huyết áp tâm thu là huyết áp khi tim co bóp và huyết áp tâm trương là huyết áp khi tim được thư giãn.
Cao huyết áp hay tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính. Tình trạng này được xác định khi đo huyết áp tại phòng khám. Theo Hội Tim mạch học Quốc gia, huyết áp cao khi lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Tiền tăng huyết áp nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg. Huyết áp bình thường nếu dưới 120/80 mmHg.
Tuổi tác, giới tính, chủng tộc và di truyền là những yếu tố gây tăng huyết áp
2. Dấu hiệu người bị cao huyết áp
Đa phần các triệu chứng cao huyết áp khá mờ nhạt. Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh không thể nhận thấy bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Một số ít bệnh nhân bị tăng huyết áp có một số triệu chứng như đau đầu, khó thở, hoặc chảy máu cam.
Những triệu chứng hầu hết không xảy ra cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng. Lúc này, các biến chứng tim mạch có thể xuất hiện và tước đi tính mạng bệnh nhân trong chớp mắt.
3. Yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp
3.1. Yếu tố nguy cơ ngoài tầm kiểm soát
Có một số yếu tố nguy cơ của bệnh cao huyết áp là ngoài tầm kiểm soát và không thể thay đổi được, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, chủng tộc và di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh cao huyết áp, thì bạn có nhiều khả năng cũng sẽ phát triển bệnh cao huyết áp vì liên kết di truyền.
Theo Mayo Clinic, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tăng huyết áp và tử vong vì những biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ và đau tim cao hơn người thuộc các chủng tộc khác. Nguy cơ cao huyết áp ở phụ nữ thấp hơn nam giới, tuy nhiên cho tới giai đoạn sau mãn kinh, nguy cơ này ở phụ nữ lại tăng cao hơn. Nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cũng tăng dần theo độ tuổi vì các mạch máu trở nên kém linh hoạt hơn.
3.2. Yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được
Một số thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể góp phần làm tăng huyết áp. Tuy nhiên nếu có cách để điều chỉnh, thay đổi những yếu tố lối sống nêu trên, nguy cơ này sẽ được hạn chế. Béo phì và ít vận động là hai yếu tố có thể dẫn tới tăng huyết áp. Những người béo sẽ có lượng máu lưu thông trong cơ thể cao hơn, khiến áp lực tác động lên thành động mạch tăng lên. Đi kèm với béo thường là tăng nhịp tim và giảm khả năng vận chuyển máu của hệ thống mạch máu trong cơ thể… tất cả các yếu tố này đều làm tăng HA.
Một nguyên nhân khác nữa là béo phì hoặc thừa cân thường phối hợp với bệnh đái tháo đường hoặc kháng insulin cũng gây tăng HA. Ăn quá nhiều muối cũng làm tăng huyết áp do cơ thể tích nước. Hút thuốc và uống rượu thu hẹp các mạch máu và gây tổn thương tim, dẫn đến tăng huyết áp theo thời gian. Nhiều nghiên cứu cũng cho biết căng thẳng cũng làm tăng huyết áp đáng kể.
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của cao huyết áp
4. Điều trị tăng huyết áp thế nào?
Điều trị tăng huyết áp để giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định dưới 140/90 mmHg. Tuy nhiên, với bệnh nhân tăng huyết áp đi kèm các bệnh như đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn nhằm giữ huyết áp ổn định dưới 130/80 mmHg.
Lưu ý, các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau tùy theo đối tượng bệnh nhân cụ thể. Dưới đây là các phương pháp điều trị cao huyết áp thường được áp dụng.
4.1. Thay đổi lối sống
Bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng những cách sau:
– Ăn uống lành mạnh hơn và dùng ít muối (dùng dưới 6g/ngày)
– Tập thể dục đều đặn, vừa sức.
– Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo lộ trình.
– Ngừng hoặc hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá.
– Tránh nhiễm lạnh một cách đột ngột.
– Kiểm soát tốt các bệnh như tiểu đường, bệnh thận, bệnh tuyến giáp…
– Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà qua máy đo thích hợp.
4.2. Dùng thuốc điều trị
Bác sĩ có thể điều chỉnh tăng giảm liều, bổ sung thuốc cho đến khi xác định phác đồ điều trị phù hợp nhất. Người bệnh cần theo dõi tình hình sức khỏe để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ khi dùng thuốc. Điều trị cao huyết áp là điều trị cả đời. Bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn, không tự ý ngừng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Cao huyết áp là bệnh cần điều trị thường xuyên và suốt đời
4.3. Điều trị cao huyết áp trong trường hợp khẩn cấp
Một số trường hợp cao huyết áp cần được chữa trị ngay lập tức tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhân có thể thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để cải thiện tình hình.
Việc điều trị phải phối hợp nhiều thuốc, tuy nhiên nhiều bệnh nhân thường quên uống thuốc, hoặc thậm chí không uống, hoặc dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này dẫn tới hiệu quả điều trị không cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần nghiêm túc, kiên trì trong việc chữa trị bệnh, phối hợp tốt với bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tối đa.
Để biết thêm thông tin và được tư vấn thêm, bạn đọc vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc theo số điện thoại 0936 388 288 hoặc 1900 55 88 92 để được giải đáp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.