Hẹp động mạch vành không chỉ gây những cơn đau thắt ngực khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhồi máu cơ tim cùng nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm khác. Bởi vậy, việc chẩn đoán và điều trị hẹp mạch vành sớm và đúng hướng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Chẩn đoán hẹp mạch vành
Hẹp mạch vành (hay suy vành, thiểu năng vành) là hiện tượng lòng động mạch vành bị thu hẹp do sự lắng đọng cholesterol, canxi và các chất khác trên thành mạch, còn gọi là các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch. Hậu quả của việc này là làm giảm lưu lượng máu tới nuôi các tế bào cơ tim. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hẹp tắc mạch vành làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim… Do vậy, chẩn đoán sớm và chính xác hẹp động mạch vành rất quan trọng.
1.1 Chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng hẹp mạch vành điển hình nhất là những cơn đau thắt ngực. Nguyên nhân là do giảm tưới máu và thiếu máu nuôi dưỡng nuôi dưỡng cơ tim.
Bệnh nhân mắc bệnh này thường có cảm giác như đau tức ở giữa ngực hoặc vùng ngực bên trái, cảm thấy lồng ngực bị đè nén, bóp chặt, nhói buốt, bỏng rát khó chịu. Các cơn đau ngực có thể lan ra đến cổ, hàm, vai và cánh tay.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của bệnh mạch vành có thể xuất hiện như: khó thở, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn…
Khi thấy các triệu chứng trên, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch nhằm phát hiện bệnh sớm.
Đau ngực là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành.
1.2 Chẩn đoán bằng các kỹ thuật cận lâm sàng
Đôi khi các triệu chứng của bệnh hẹp mạch vành có thể biểu hiện rõ ràng nhưng cũng có thể thầm lặng hoặc dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác. Do vậy tùy từng trường hợp mà bệnh nhân sẽ cần làm một số xét nghiệm để khẳng định hoặc loại trừ sau:
– Điện tâm đồ: Đây là phương pháp theo dõi hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim và ghi lại dưới dạng biêu đồ. Phương pháp này giúp tìm kiếm những bất thường trong khi tim co bóp, nhờ đó chẩn đoán các trường hợp thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và cách biến chứng khác do hẹp tắc mạch vành.
– Siêu âm tim: Siêu âm tim giúp xác định thành phần của các mảng xơ vữa mạch vành, đường kính và chiều dài của đoạn mạch bị tổn thương. Đồng thời tìm kiếm sự rối loạn vận động vùng, bằng chứng của thiếu máu và nhồi máu cơ tim.
– Chụp CT mạch vành hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: Đây là các phương pháp giải phẫu mạch vành hiện đại, nhằm xác định mức độ vôi hóa, mức độ hẹp mạch vành, vị trí hẹp, dị dạng mạch vành, mức độ sống còn của cơ tim…
Trong đó, chụp mạch vành là phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành đơn giản, chính xác 97- 100%.
Tùy từng trường hợp, các phương pháp như xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol, men tim,… và các thành phần khác trong máu khác; chụp X-quang;… sẽ được chỉ định giúp các bác sĩ có thêm cơ sở chẩn đoán.
2. Điều trị hẹp động mạch vành như thế nào?
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau đối với các bệnh lý liên quan đến mạch vành. Trong đó điều trị nội khoa kết hợp với thay đổi lối sống vẫn là một trong những phương pháp được ưu tiên.
2.1 Phương pháp điều trị hợp hẹp mạch vành chủ yếu
Điều trị bằng thuốc vẫn là lựa chọn đầu tiên hiện nay đối với các trường hợp tắc hẹp mạch vành mạn tính.
Các nhóm thuốc điều trị bệnh mạch vành thường được sử dụng bao gồm:
– Thuốc hạ mỡ máu: Có tác dụng giảm cholesterol máu, hạn chế sự hình thành và ngăn ngừa các mảng xơ vữa phát triển.
– Thuốc chống đông: Giúp ngăn chặn sự hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
– Thuốc hạ huyết áp: Ổn định huyết áp, nhịp tim, giảm gánh nặng cho tim.
– Thuốc giãn mạch: Cải thiện các cơn đau thắt ngực và các triệu chứng khác do hẹp động mạch vành.
Lưu ý, các loại thuốc này đều cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà loại thuốc sử dụng là khác nhau. Muốn có đơn thuốc chính xác, bệnh nhân hãy di khám chuyên khoa tim mạch để được “bắt bệnh” và kê đơn.
Trong trường hợp bệnh trở nặng, gây những biến chứng nguy hiểm, điều trị bằng thuốc không đáp ứng, một số biện pháp khác có thể được áp dụng.
Phương pháp chụp mạch vành có thể chẩn đoán hẹp mạch vành chính xác đến 97-100%.
2.2 Các biện pháp hỗ trợ điều trị hẹp mạch vành
Để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc sử dụng thuốc hay các phương pháp điều trị khác, bệnh nhân cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh bao gồm:
– Ăn uống lành mạnh, ăn ít chất béo, ít ngọt, ít mặn để ngăn ngừa sự hình thành các bệnh lý nguy cơ như mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, hạn chế sự hình thành xơ vữa gây hẹp lòng mạch.
– Tập luyện các bài tập vừa sức, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về bộ môn và cường độ tập luyện. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi tập luyên, cần điều chỉnh chế độ tập và thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí.
– Từ bỏ các thói quen xấu như thức khuya, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích để giảm áp lực cho tim và những tổn thương cho thành mạch.
– Theo dõi, điều trị hiệu quả các bệnh lý kèm theo để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng.
Hiện nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp điều trị bệnh mạch vành đầu tiên và chủ yếu.
Tóm lại, chẩn đoán và điều trị hẹp mạch vành là một quá trình phức tạp nhưng có thể thực hiện được. Quá trình thăm khám và điều trị cần được tiến hành tại các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi và thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, sự chủ động thay đổi lối sống, thăm khám chuyên khoa của người bệnh cũng rất quan trọng giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.