Đều là biểu hiện của rối loạn nhịp tim, tuy nhiên tình trạng tim đập chậm khó nhận biết và thường có tính nguy hiểm hơn bệnh tim đập nhanh. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về triệu chứng cũng như cách chữa bệnh tim đập chậm là hết sức cần thiết.
1. Cách chữa bệnh tim đập chậm là gì?
1.1 Các cách chữa bệnh tim đập chậm
Tim của người trưởng thành lúc nghỉ ngơi đập từ 60 – 100 lần/phút. Nếu dưới 60 lần/phút thì được coi là nhịp tim chậm. Trẻ em có nhịp tim sinh lý nhanh hơn người lớn (từ 110 – 130 nhịp/phút), vì thế, nhịp chậm ở trẻ em là khi tim đập dưới 100 lần/phút. Trong những trường hợp nhịp tim đập quá chậm, lưu lượng tuần hoàn sẽ rất thấp dẫn đến không đủ lượng máu nuôi cơ thể. Khi đó bệnh nhân có thể biểu hiện nhiều triệu chứng và bị đe dọa tính mạng. Trong khi nếu bệnh nhẹ, người bệnh có thể không có bất cứ biểu hiện nào.
Thông thường trường hợp nhịp tim chậm nhưng không gây triệu chứng thì chưa cần điều trị. Khi triệu chứng xuất hiện, người bệnh có thể được điều trị bằng một hoặc nhiều phương pháp sau:
– Sử dụng các thuốc làm tăng nhịp tim
– Cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn
– Ngừng sử dụng các thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim
Việc điều trị bệnh tim đập chậm có mục đích đưa nhịp tim về mức bình thường hoặc giảm nhẹ các triệu chứng nếu có.
Có nhiều phương pháp cải thiện tình trạng tim đập chậm, tuy nhiên điều trị nội khoa vẫn đang là phương pháp phổ biến nhất.
1.2 Cách chữa bệnh tim đập chậm bằng thuốc
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị nhịp tim chậm gồm:
– Nhóm kích thích hệ thần kinh giao cảm: Isoproterenol, Epinephrine, Dopamine…
– Nhóm ứng chế cạnh tranh Acetylcholin: Atropin
Ngoài ra, Xanthine oxidase có thể được chỉ định trong trường hợp người bệnh có nhịp chậm xoang, suy nút xoang mức độ nhẹ.
Nếu nguyên nhân khiến tim đập chậm là do ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị các bệnh khác, bác sĩ có thể xem xét việc thay đổi loại thuốc.
Người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, tuyệt đối không tự ý uống thuốc, ngưng hoặc thay đổi đơn thuốc khi không có chỉ định của các bác sĩ.
Ngoài ra, cần có một chế độ sinh hoạt khoa học, bổ sung thực phẩm tốt cho tim mạch, luyên tập thể dục thường xuyên, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý,…
1.3 Máy tạo nhịp tim được sử dụng khi nào?
Máy tạo nhịp tim là một thiết bị hỗ trợ có thể làm tăng nhịp tim khi bệnh nhân có rối loạn nhịp tim chậm. Thiết bị này có thể đặt tạm thời hoặc vĩnh viến, giúp điều khiển nhịp đập của tim, đồng bộ hoạt động điện giữa các buồng tim. Ngoài ra, máy tạo nhịp còn giúp kích thích khả năng co bóp của buồng thất, đặc biệt trong các trường hợp rung nhĩ.
Thiết bị này được sử dụng khi bệnh nhân có rối loạn nhịp chậm nhưng không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc bệnh đã tiến triển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
2. Nguyên nhân khiến nhịp tim chậm
Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim chậm gồm:
– Tuổi cao.
– Các bệnh lý tim mạch: Những người từng bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, tim bẩm sinh… đều là những đối tượng dễ mắc bệnh nhịp tim chậm.
– Từng trải qua phẫu thuật tim mạch.
– Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường.
– Hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu.
– Sử dụng các loại thuốc điều trị trầm cảm hoặc các bệnh lý khác cũng có thể gây rối loạn nhịp tim chậm.
Uống quá nhiều bia rượu có thể là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến nhịp tim, khiến tim đập chậm.
3. Các dấu hiệu nhận biết tim đập chậm
Người bệnh có nhịp tim chậm thì các triệu chứng lâm sàng ít điển hình hơn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Triệu chứng thường gặp nhất của người mắc bệnh tim đập chậm là: dọa ngất hoặc ngất xỉu, chóng mặt.
Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể xuất hiện tùy trường hợp, gồm:
– Luôn yếu ớt, hay mệt mỏi, đặc biệt là trong hoạt động thể lực
– Cảm thấy khó thở
– Thỉnh thoảng đau ngực
– Lú lẫn, suy giảm khả năng trí nhớ
4. Khi nào cần đi khám?
Khi thấy các triệu chứng kể trên, bạn cần thăm khám chuyên khoa Tim mạch sớm để được khám lâm sàng với bác sĩ và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng hiện đại như điện tâm đồ, Holter điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp vi tính cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) tim,… từ đó chẩn đoán nguyên nhân khiến tim đập chậm nhịp và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Do các triệu chứng không điển hình nên bệnh thường khó phát hiện và dễ bị bỏ qua, đến khi phát hiện bệnh thì thường đã muộn, gây ra các biến chứng như ngất, suy tim, ngừng tim hoặc đột tử.
Do vậy, việc chủ động theo dõi và kiểm soát nhịp tim là yếu tố rất quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Chủ động theo dõi và kiểm soát nhịp tim, thăm khám ngay chuyên khoa Tim mạch khi có các biểu hiện bất thường là rất quan trọng.
Những thông tin trên đây về bệnh nhịp tim chậm hi vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức về căn bệnh này. Các thông tin chỉ mang tính tham khảo và không thay thế các chẩn đoán y khoa. Để biết thêm thông tin chi tiết đặt lịch khám, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại 1900 55 88 92 hoặc 0936 388 288.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.