Viêm gan C là bệnh lý về gan thường gặp, có khả năng tiến triển xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị tích cực. Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa viêm gan C. Do vậy, cách phòng tránh viêm gan C tốt nhất là chặn đứng con đường lây truyền virus, không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải răng, đồ cắt tóc, hoặc dũa móng tay… với người bệnh.
1. Viêm gan C là gì?
Viêm gan C là bệnh viêm gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Nhiễm trùng lây lan khi virus xâm nhập vào máu của người không bị nhiễm bệnh.
Viêm gan C tiến triển rất thầm lặng và không có dấu hiệu rõ ràng nên nhiều người chủ quan. Đa số các trường hợp viêm gan C thường là vô tình phát hiện khi làm xét nghiệm máu. Sau khi bị nhiễm virus viêm gan C, thời gian ủ bệnh thường kéo dài 2 – 26 tuần.
Giai đoạn đầu gọi là nhiễm bệnh cấp tính, giai đoạn này thường chấm dứt sau 2 – 12 tuần. Một số ít bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, có thể có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu… Viêm gan C không được điều trị có thể tiến triển mạn tính, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một số người bệnh viêm gan C có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu…
2. Con đường lây nhiễm viêm gan C
Nắm được con đường lây nhiễm HCV giúp bạn rút ra được cách phòng tránh viêm gan C hiệu quả. Bệnh viêm gan C dễ lây nhất qua đường truyền máu. Con đường lây nhiễm viêm gan C qua đường máu thường là:
– Truyền máu không qua sàng lọc, nhận máu hoặc chế phẩm máu từ người nhiễm virus viêm gan C.
– Tiêm chích ma túy thông qua việc dùng chung kim tiêm;
– Tái sử dụng các thiết bị y tế đặc biệt là ống tiêm và kim tiêm mà không khử trùng đúng cách.
Viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dục: Người không có miễn dịch HCV khi quan hệ tình dục (khác giới và kể cả đồng giới) không có bảo vệ với bạn tình mắc bệnh có nguy cơ nhiễm bệnh cao khi chảy máu, trầy xước.
HCV cũng có thể lây truyền từ người mẹ sang con nhưng với tỷ lệ thấp, khoảng trên dưới 5%.
Viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước hoặc tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và chia sẻ thức ăn hoặc đồ uống với người bị nhiễm bệnh.
3. Các yếu tố nguy cơ tăng cường khả năng lây nhiễm HCV
Nguy cơ nhiễm viêm gan C tăng lên đối với những nhóm đối tượng sau đây:
– Nhân viên chăm sóc sức khỏe thường xuyên tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh mà không có biện pháp bảo vệ.
– Người đã từng tiêm chích ma túy.
– Người bị nhiễm HIV.
– Người xăm hình, xỏ khuyên… bằng dụng cụ không được khử trùng đúng cách.
– Người được truyền máu hoặc ghép tạng mà máu không được kiểm tra trước.
– Người bị bệnh đông máu.
– Người điều trị chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài.
– Trẻ sơ sinh có người mẹ bị nhiễm viêm gan C.
– Người cao tuổi (từ 55 – 75 tuổi)có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C cao.
Virus viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu
3. Biến chứng của viêm gan C
Viêm gan C khi đã tiến triển mạn tính có thể làm suy giảm chức năng gan, gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Phù chân, chướng bụng và có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
– Giãn vỡ mạch máu thực quản hoặc dạ dày, gây xuất huyết trong cần cấp cứu ngay lập tức.
– Sưng lá lách gây giảm bạch cầu hoặc tiểu cầu
– Sỏi mật.
– Nhạy cảm hơn với thuốc vì chức năng lọc máu của gan bị suy giảm.
– Kháng insulin nội tiết tố dẫn đến bệnh tiểu đường type II.
– Suy thận và phổi.
– Xơ gan, suy gan.
– Não gan: Suy giảm trí tuệ có thể dẫn đến hôn mê.
– Ung thư gan: Một số ít người bị nhiễm viêm gan C có thể bị ung thư gan.
4. Cách phòng tránh viêm gan C hiệu quả
Đến nay, chưa có thuốc để tiêu diệt được virus viêm gan C, chỉ có thuốc ức chế virus để cơ thể dần thải loại virus. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc khác nhau. Thời gian dùng thuốc thường từ 3 – 6 tháng. Lưu ý: không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Bạn cần phòng ngừa lây nhiễm viêm gan C bằng cách:
4.1. Thay đổi thói quen – lối sống phòng tránh viêm gan C
– Không dùng chung kim tiêm hay những vật dụng tương tự (như xăm mình, tiêm chích thuốc, kim châm cứu…).
– Quan hệ tình dục có bảo vệ, tránh những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu.
– Làm sạch vết máu (dùng găng cao su và chất khử trùng).
– Tránh sử dụng chung những vật dụng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo, cắt móng tay).
– Xử lý an toàn và xử lý vật sắc nhọn và chất thải.
– Cán bộ y tế cần được đào tạo để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người bệnh trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
– Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường vận động, cẩn trọng khi dùng thuốc, tránh uống rượu nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể và lá gan.
Không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải răng,… với người bệnh viêm gan C
4.2. Phòng tránh viêm gan C biến chứng (phòng ngừa thứ cấp)
Để ngăn ngừa các biến chứng ở những người đã nhiễm virus viêm gan C, WHO khuyến cáo:
– Người bệnh cần được tư vấn về các lựa chọn chăm sóc và điều trị.
– Chủng ngừa bằng vắc-xin viêm gan A và B để ngăn ngừa bội nhiễm, đồng nhiễm các virus viêm gan này và nhằm bảo vệ gan.
– Sàng lọc, chăm sóc và điều trị cho những người bị nhiễm viêm gan C. Kiểm tra gan sớm, thường xuyên và điều trị phù hợp bao gồm điều trị bằng thuốc kháng virus. Người bệnh cần được theo dõi sát sao để chẩn đoán sớm bệnh gan mạn tính.
Hiện nay không có vắc-xin chống lại virus viêm gan C. Do đó, phòng tránh viêm gan C phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ lây truyền virus HCV. Qua bài viết trên đây, hy vọng bạn đọc đã rút ra được các biện pháp bảo vệ bản thân hiệu quả trước sự tấn công của loại virus viêm gan này. Bên cạnh đó, hãy thăm khám gan mật định kỳ để sàng lọc hiệu quả các bệnh lý, bất thường về gan trong đó có viêm gan C.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.