Nhồi máu cơ tim là tình huống khẩn cấp nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, việc xử lý kịp thời, hiệu quả khi phát bệnh là vô cùng quan trọng đối với việc bảo toàn mạng sống cho bệnh nhân và tránh những biến chứng không mong muốn. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết và cách xử lý nhồi máu cơ tim hiệu quả trong bài viết sau đây.
1. Dấu hiệu nhận diện bệnh nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn gây hoại tử cơ tim. Thông thường, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim thường xuất hiện rất đột ngột và rầm rộ.
1.1 Triệu chứng điển hình
Đau ngực được coi là triệu chứng điển hình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Người bệnh có thể cảm thấy đau ngực dữ dội, cảm giác như bị bóp nghẹt, đè nặng. Cơn đau thường ở sau ức hoặc ngực trái, hướng lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, bờ trụ tay trái. Đôi khi, cơn đau lan xuống thượng vị nhưng không quá rốn. Thời gian đau thường kéo dài hơn 20 phút, không thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. Đaukèm theo triệu chứng như: khó thở, vã mồ hôi.
2.2 Các triệu chứng ít gặp hơn
Tuy đau ngực là triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim, nhưng không phải lúc nào bệnh cũng biểu hiện triệu chứng này. Có trường hợp bệnh nhân gặp phải các triệu chứng ít phổ biến hơn như:
– Mệt mỏi đột ngột mà không rõ nguyên nhân
– Cảm thấy hồi hộp một cách bất thường
– Đau bụng thượng vị
– Nôn hoặc buồn nôn
– Rối loạn ý thức
– Choáng váng, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu
Khi nhận thấy các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, đột ngột mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi,….cần nghĩ đến nhồi máu cơ tim và xử lý ngay.
2.3 Thời điểm và các đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim thường xảy ra vào buổi sáng, từ 6 – 11 giờ, nhất là 3 giờ đầu sau ngủ dậy. Cần đặc biệt chú ý thời điểm này trong ngày, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim như:
– Nam giới trên 45 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên
– Những người có biểu hiện thừa cân, béo phì
– Người ít vận động
– Người nghiện thuốc lá
– Thường xuyên cảm thấy căng thẳng, stress
– Có bệnh nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu…
2. Xử lý khi bị nhồi máu cơ tim như thế nào?
2.1 Xử lý nhồi máu cơ tim tại chỗ
Khi thấy bản thân hoặc người nhà triệu chứng bị nhồi máu cơ tim, việc đầu tiên bạn cần làm là gọi ngay cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Ở đó, các bác sĩ có chuyên môn cùng các phương tiện sẽ giúp điều trị hiệu quả.
Trong lúc chờ đợi xe cấp cứu, bạn có thể thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu sau:
– Nếu bản thân là người bệnh
+ Dừng ngay việc đang làm
+ Ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm theo tư thế nằm nghiêng 75 độ so với mặt đất, đầu gối co (còn gọi là tư thế nửa nằm nửa ngồi)
+ Thả lỏng vai và cánh tay, nhắm mắt, hít thở nhẹ nhàng bằng mũi. Chú ý không cố hít sâu hoặc nín hơi vì làm như vậy có thể gây căng thẳng và khiến tim bị mệt.
+ Nới lỏng trang phục như quần áo, khăn, cà vạt…
+ Nếu có sẵn Nitroglycerin, ngậm ngay 1 viên dưới lưỡi hoặc xịt dưới lưỡi 2 lần. Nếu sau 5 phút vẫn chưa thấy cơn đau ngực thuyên giảm có thể dùng thêm một liều nữa.
+ Nhai 1 viên Aspirin dạng nén hoặc uống dạng sủi để phòng cục máu đông
Lưu ý tất cả các loại thuốc này đều phải được bác sĩ kê đơn trong quá trình điều trị.
Khi phát hiện người bị nhồi máu cơ tim, cần gọi cấp cứu ngay và thực hiện ép tim hoặc hô hấp nhân tạo nếu người bệnh bất tỉnh.
– Nếu người nhà bị nhồi máu cơ tim
+ Trường hợp người bệnh còn tỉnh: Cần để người bệnh nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi ở nơi thoáng đãng. Nhẹ nhàng động viên, tránh nói to hay hỏi quá nhiều làm người bệnh cảm thấy căng thẳng. Cho người bệnh uống aspirin hoặc nitroglycerin…nếu thuốc đó đã được bác sĩ kê trong đơn thuốc hàng ngày hoặc thuốc cấp cứu đã chỉ định trước.
+ Trường hợp người bệnh đã bất tỉnh hay không còn mạch: hãy ép tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo để người bệnh có thể thở được. Lưu ý, chỉ thực hiện các kỹ thuật sơ cứu này nếu bạn đã nắm rõ và đã được huấn luyện thực hành.
2.2 Xử lý nhồi máu cơ tim ở bệnh viện
Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được cấp cứu bằng các biện pháp sau:
– Khử rung, chuyển nhịp, đặt máy tạo nhịp, sử dụng máy thở trong cấp cứu các rối loạn nhịp tim do nhồi máu cơ tim
– Đặt máy thở hiện đại, màn hình theo dõi đầy đủ các thông số…
– Sử dụng máy hạ thân nhiệt cho bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim do nhồi máu cơ tim
– Thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm men tim, X-quang, siêu âm, chụp CT mạch vành để kiểm tra loại nhồi máu cơ tim cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, từ đó đưa ra phương án cấp cứu kịp thời.
Khi vào viện, bạn sẽ được làm các xét nghiệm, chụp chiếu để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được sử dụng một số loại thuốc và can thiệp khác giúp ổn định huyết áp, nhịp, mạch, tái tưới máu động mạch vành… giúp xử lý cục máu đông, ngăn chặn vùng hoại tử cơ tim lan rộng.
Có thể thấy, xử lý nhồi máu cơ tim có ý nghĩa quyết định đối với bệnh nhân. Nhờ nắm được và thực hiện đúng, kịp thời những bước sơ cấp cứu đơn giản, chúng ta đã có thể tăng thêm cơ hội sống cho chính mình và những người thân. Đừng quên theo dõi sức khỏe của mình và điều trị tích cực các bệnh lý nguy cơ để phòng tránh nhồi máu cơ tim.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.