Cao huyết áp thường tiến triển âm thầm, có thể kéo dài 10 – 20 năm mà người bệnh không hề hay biết, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cao huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vì thế việc tìm hiểu về cao huyết áp, biết rõ những đặc điểm và biến chứng nguy hiểm của nó để có biện pháp phòng chống, điều trị kịp thời là rất cần thiết.
1. Không nên tập thể dục khi bị cao huyết áp?
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp làm giảm huyết áp mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch, hạn chế stress và giữ cho cân nặng cơ thể ở mức hợp lý.
Nhận định này là hoàn toàn không đúng bởi việc tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp làm giảm huyết áp mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch, hạn chế stress và giữ cho cân nặng cơ thể ở mức hợp lý.
Những người bị cao huyết áp nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mình phù hợp với loại hình vận động nào và nên tập luyện với cường độ ra sao.
Đi bộ nhanh nửa giờ mỗi ngày trong ít nhất là 5 ngày/tuần là một thói quen tốt cho huyết áp, thậm chí chỉ cần dành 10 phút hàng ngày để luyện tập cũng mang lại hiệu quả cho sức khỏe.
2. Cơ thể tự cảm nhận được khi nào huyết áp tăng?
Đây là một suy nghĩ sai lầm. Vì có rất nhiều trường hợp bị cao huyết áp trong nhiều năm mà không hề hay biết. Theo thống kê ở Mỹ, khoảng 1/5 người bị cao huyết áp nhưng không hề biết mình đang mắc bệnh. Ngay cả khi cơ thể vẫn bình thường thì tăng huyết áp vẫn có thể gây hại cho tim và các cơ quan khác. Do đó hãy đo huyết áp mỗi năm một lần để đảm bảo các chỉ số huyết áp ở mức bình thường.
3. Chỉ cần quan tâm tới chỉ số dưới trong chỉ số huyết áp?
Huyết áp được xác định bằng 2 chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Huyết áp được xác định bằng 2 chỉ số. Chỉ số thứ nhất (hay gọi là chỉ số trên) là huyết áp “tâm thu” – mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp. Chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương – là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng.
Huyết áp bình thường ở mức 120/80. Nếu chỉ số trên là 120 – 139 và chỉ số dưới là 80 – 89, bạn bị tiền cao huyết áp hay có nghĩa là bạn có nguy cơ tiến triển thành huyết áp cao trừ phi nhanh chóng áp dụng các biện pháp để ngăn chặn.
Nếu chỉ số trên là 140 hoặc cao hơn, chỉ số dưới là 90 hoặc cao hơn có nghĩa là bạn bị cao huyết áp.
4. Nếu bị cao huyết áp, cần phải uống thuốc điều trị?
Thay đổi lối sống là biện pháp điều trị đầu tiên của cao huyết áp. Nhiều trường hợp không cần sử dụng thuốc nếu ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm cân, bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu và cắt giảm muối trong thực đơn hàng ngày.
Nếu những điều chỉnh nêu trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho người bị cao huyết áp. Lưu ý người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ kể cả khi huyết áp đã trở lại mức ổn định. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cũng cần duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh. Cả hai biện pháp này giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
5. Cao huyết áp có thể gây bệnh thận?
Cao huyết áp là nguyên nhân thường gặp thứ hai dẫn đến suy thận.
Cao huyết áp là nguyên nhân thường gặp thứ hai dẫn đến suy thận. Huyết áp tăng cao và kéo dài sẽ làm tổn thương và phá hủy các mạch máu trong cơ thể, làm giảm lượng máu cung cấp đến thận và các cơ quan khác. Huyết áp tăng cao đồng thời còn phá hủy bộ lọc ở cầu thận, khiến thận không thể loại bỏ hết những chất cặn bã độc hại cũng như nước dư thừa ra ngoài thận. Nước ứ thừa trong hệ mạch máu ngày một nhiều làm huyết áp lại càng tăng cao hơn. Do đó cao huyết áp kéo theo nguy cơ bị suy thận mạn.
Những người bị cao huyết áp nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc chăm sóc và theo dõi tình trạng thận. Nếu mắc bệnh thận mạn tính, hãy giữ cho huyết áp dưới 130/80 và thay đổi lối sống lành mạnh kết hợp cùng điều trị bằng thuốc.
6. Thiền có thể giúp làm giảm huyết áp?
Không có bằng chứng nào cho thấy yoga hoặc thiền định hay các kỹ thuật thư giãn khác giúp làm giảm huyết áp kéo dài. Tuy nhiên các phương pháp này giúp làm giảm căng thẳng – một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tới chỉ số huyết áp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.