Cầu cơ động mạch vành là một dị tật bẩm sinh ở tim. Căn bệnh này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% số ca bệnh liên quan đến tim mạch. Tuy nhiên bệnh tim bẩm sinh này thường bị hiểu nhầm là bệnh mạch vành. Vậy dị tật bẩm sinh này là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Cầu cơ động mạch vành là gì?
Cầu cơ động mạch vành hay cầu cơ mạch vành là tình trạng một đoạn mạch vành đi xuyên vào cơ tim.
Động mạch gồm hai mạch là động mạch vành phải và trái, bắt đầu từ gốc động mạch chủ. Bình thường, động mạch vành thường nằm bên ngoài quả tim, dẫn máu chứa oxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tim. Tuy nhiên ở những bệnh nhân mắc bênh này, một đoạn động mạch vành lại nằm sâu trong lớp cơ tim. Khi tim co bóp, mạch vành sẽ bị bóp nghẹt gây nghẽn mạch. Hiện tượng này xảy ra nhiều nhất ở thì tâm thu, khi tim co lại tống máu ra các động mạch. Máu chỉ có thể mang các chất dinh dưỡng đến tim ở thì tâm trương khi tim giãn để các tĩnh mạch đưa máu về tim.
Cầu cơ chính là tên gọi của dải cơ tim nằm trên đoạn mạch vành này. Đoạn cầu cơ thường dài từ 1-3cm, dày từ 1mm – 1cm.
Bệnh này thường xảy ra ở nam giới hơn là nữ giới.
Hình ảnh cầu cơ mạch vành
2. Triệu chứng của bệnh
Theo thống kê trên thế giới, chỉ có khoảng 2/3 số bệnh nhân mắc cầu cơ mạch vành có triệu chứng. Những bệnh nhân còn lại không có bất cứ biểu hiện rõ ràng nào liên quan đến bệnh, vì tim của họ đã thích ứng với trạng thái đặc biệt này trong một khoảng thời gian dài. Họ chỉ thỉnh thoảng cảm thấy tức ngực, khó thở.
Theo các chuyên gia đây là bệnh bẩm sinh lành tính. Nhưng khi xuất hiện triệu chứng nghĩa là đã có tình trạng thiếu máu cơ tim. Vì vậy, với những bệnh nhân có triệu chứng, các dấu hiệu của bệnh khá giống với chứng thiếu máu cơ tim cục bộ như:
– Tức ngực
Bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy tức ngực. Cảm giác khó chịu tăng lên khi thời tiết thay đổi hay khi lo lắng, stress.
– Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh b thiếu máu cơ tim. Cơn đau thắt ngực có thể lan ra vai, cánh tay trái, cổ, lưng hoặc dưới hàm.
– Khó thở
– Nhịp tim nhanh
– Cảm giác mệt mỏi
Những triệu chứng này thường không xuất hiện trước năm 30 tuổi do cơ tim khi còn trẻ vẫn dẻo dai, mềm mại. Nhưng đến sau năm 30 tuổi, mạch vành thường có các mảng xơ vữa, cơ tim dày lên chèn ép thành mạch. Do vậy, tuổi càng cao, triệu chứng bệnh càng xuất hiện rõ ràng và thường xuyên.
Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của tình trạng thiếu máu cơ tim ở những người có cầu cơ mạch vành
3. Bệnh cầu cơ động mạch vành nguy hiểm như thế nào?
Theo thời gian, triệu chứng bệnh ngày càng rõ rệt và gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân dễ gặp phải các biến chứng như:
– Block nhĩ thất
Khi tình trạng thiếu máu cơ tim trở nên nghiêm trọng, nhịp tim sẽ bị rối loạn.
– Suy thất trái
Suy thất trái là biến chứng của bệnh khi cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng trong một thời gian dài. Khi mạch vành bị xơ vữa nặng kết hợp với cầu cơ, suy thất trái rất dễ xảy ra.
– Đột tử
Người bệnh cũng có khả năng bị ngưng tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, bệnh nhân mắc cầu cơ mạch vành ít bị nhồi máu cơ tim. Nếu chỉ mắc bệnh này, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim là rất thấp.
4. Phương pháp phát hiện bệnh cầu cơ mạch vành
Cầu cơ thường được chẩn đoán thông qua hình ảnh. Một vài phương pháp giúp phát hiện bệnh là:
– Điện tim
– Siêu âm nội mạch
– Chụp động mạch vành
Trong đó, chụp động mạch là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh. Người bệnh sẽ được tiêm chất cản quang và đo lưu lượng máu trong buồng tim và mạch vành. Việc chụp mạch vành sẽ giúp kiểm tra và phát hiện được vị trí cầu cơ.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kiểm tra chức năng tim hoặc chức năng tim hạt nhân khi tập thể dục. Với kiểm tra chức năng tim hạt nhân, người bệnh có thể được sử dụng tali hay sestamibi, những chất phóng xạ lành tính với cơ thể. Phương pháp này giúp xác định những triệu chứng còn ẩn giấu có thể bộc lộ sau này.
5. Điều trị bệnh cầu cơ động mạch vành
5.1. Điều trị nội khoa
Theo các chuyên gia, với những người bệnh không có triệu chứng bệnh thì không cần dùng thuốc. Nhưng khi xuất hiện triệu chứng, nghĩa là có tình trạng thiếu máu cơ tim, bệnh nhân sẽ được chỉ định các loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng. Ưu tiên các thuốc nhóm chẹn beta hay chẹn kênh canxi khi điều trị. Chúng sẽ giúp thư giãn tim, giảm rối loạn nhịp tim và giúp hạ huyết áp.
Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giãn mạch nitrate. Vì loại thuốc này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu máu cơ tim.
Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giãn mạch nitrate
5.2. Điều trị ngoại khoa
Các bác sĩ có thể thực hiện tháo cầu cơ mạch vành bằng cách phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện và khả năng thành công thấp. Thay vào đó, bác sĩ có thể cắt cầu cơ và thực hiện bắc cầu động mạch vành sau đó. Biện pháp này đơn giản hơn và cũng có tỷ lệ thành công cao hơn. Điều trị ngoại khoa chỉ được áp dụng khi các loại thuốc điều trị không có kết quả và các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng.
5.3. Điều chỉnh lối sống
Nhiều bệnh nhân mắc cả xơ vữa mạch vành và cầu cơ mạch vành. Hai bệnh lý trên kết hợp có thể gây trầm trọng hơn tình trạng thiếu máu cơ tim. Vì vậy, những bệnh nhân này cần điều chỉnh lại để có một lối sống lành mạnh hơn. Cần bỏ hút thuốc lá, có một chế độ ăn dinh dưỡng, hợp lý, tập thể dục thể thao ít nhất nửa tiếng mỗi ngày để ngăn chặn béo phì. Đồng thời, bệnh nhân nên thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra lại tình hình sức khỏe để có thể phát hiện kịp thời các biến chứng nếu có.
Cầu cơ động mạch vành là một bệnh lý bẩm sinh liên quan đến tim nên khá lành tính. Các triệu chứng của bệnh hầu như không xuất hiện trước năm người bệnh 30 tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng khi xuất hiện có thể ngày càng thường xuyên và tăng nặng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng như tức ngực, đau thắt ngực… người bệnh cần đến ngay những cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.