Bệnh Parkinson là một loại bệnh thoái hóa mạn tính tiến triển của tổ chức não. Bệnh lý này đa phần xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi (khoảng từ 55 tuổi trở lên). Xu hướng mắc bệnh tăng lên tỷ lệ thuận với tuổi thọ trung bình của người bệnh. Parkinson vẫn được đánh giá là bệnh chưa tìm ra nguyên nhân khởi phát. Bệnh sẽ tiến triển từ từ và gắn liền đến suốt đời. Vậy làm cách nào để tạo môi trường sống và chăm sóc bệnh nhân Parkinson tốt nhất?
1. Triệu chứng điển hình của Parkinson
Giai đoạn đầu bệnh thường có các biểu hiện chính như: mệt mỏi, đau nhức cơ, khó khăn khi sinh hoạt,… hay các hiện tượng kéo lê một chân, run tay. Các triệu chứng này xuất hiện không thường xuyên mà lúc có lúc không.
Đến giai đoạn điển hình thì Parkinson biểu hiện bằng ba triệu chứng cơ bản như:
– Run thấy rõ ở ngọn chi, môi và lưỡi. Run đa phần khu trú ở một bên của cơ thể trong nhiều năm đầu mới mắc. Run có thể tạm mất đi khi vận động, nhưng sau đó sẽ xuất hiện lại. Thường khi ngủ sẽ hết run còn xúc động run tăng lên. Tuy nhiên một số trường hợp lại hoàn toàn không có biểu hiện run.
– Cứng đơ tay chân. Đây được xem là triệu chứng quan trọng nhất, chân tay khi này sẽ bị cứng ở các nhóm cơ, đi lại thì khó khăn.
– Hạn chế các vận động. Bệnh nhân sẽ mất dần đi các động tác tự nhiên của tay chân và cả cảm xúc trên gương mặt. Khi này người bệnh sẽ gặp khó khăn khi biểu lộ tình cảm và khó có thể chớp mắt.
Run tay, co cứng cơ – biểu hiện điển hình của parkinson
Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện một vài triệu chứng khác nữa như: loạn cảm giác đau, đứng ngồi không yên, tăng tiết, phù nề, tím tái, trầm cảm lo âu, hoang tưởng, rối loạn về giấc ngủ,…
2. Vì sao cần có kế hoạch chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân
Qua những triệu chứng kể trên bạn có thể thấy Parkinson là bệnh dạng rối loạn thoái hóa và các triệu chứng sẽ tăng dần theo thời gian. Khi đó sức khỏe và khả năng tự chăm sóc bản thân của người bệnh sẽ ngày càng giảm đi. Vì vậy, việc lên kế hoạch để chăm sóc riêng cho bệnh nhân của hội chứng này là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Điều đó sẽ giúp cho chất lượng cuộc sống và sự độc lập của người bệnh được cải thiện hơn.
Ngoài ra, người thân hoặc những người xung quanh cũng cần chuẩn bị tâm lý tốt để thích nghi với môi trường sống và thói quen của người bệnh.
3. Kế hoạch và chế độ chăm sóc cho bệnh nhân Parkinson
Việc lên kế hoạch, chế độ chăm sóc bệnh nhân Parkinson không chỉ dừng ở chế độ dinh dưỡng mà còn phải tập trung cả vào cường độ luyện tập và môi trường sống. Cụ thể như sau:
3.1. Tạo môi trường sinh hoạt an toàn cho người bệnh
Các triệu chứng ở hội chứng Parkinson lâu dần sẽ khiến người bệnh tăng nguy cơ vấp ngã. Vì vậy người thân xung quanh cần chú ý hơn về môi trường sống của bệnh nhân thông qua việc:
– Dùng thảm trải sàn: giúp giảm nguy cơ trơn trượt. Thảm sẽ giúp cố định các góc hạn chế va vấp. Ngoài ra có thể thay thế bằng lát đá hóa chống trơn hay lát sàn gỗ.
– Chú hệ thống đèn và dây điện: Đảm bảo các công tắc nằm trong tầm với và sử dụng của người bệnh. Bên cạnh đó, cần cố định các loại dây điện tránh nguy cơ bị rơi hay làm người bệnh té ngã.
– Sắp xếp đồ đạc: cần sắp xếp hợp lý để người bệnh và thiết bị hỗ trợ có thể di chuyển thuận lợi.
– Hạn chế các loại đồ trang trí như: bình hoa lớn, tượng,… ở lối đi chính.
– Phòng ngủ: tình trạng người bệnh có thể dần diễn biến tệ hơn nhất là việc đi lại. Vì thế cần lắp đặt thêm các thanh chắn hay tay cầm an toàn cạnh khung giường để có thể hỗ trợ bệnh nhân di chuyển.
– Khu vực phòng ăn: cần bố trí đồ dùng dụng cụ thường dùng trong tầm với của người bệnh.
– Phòng tắm: theo đánh giá thì đây là nơi nguy hiểm có khả năng trượt ngã khá cao. Vì vậy đối với gia đình có người bị parkinson cần chú ý đảm bảo an toàn bằng việc lắp đặt các thanh vịn cạnh bồn rửa mặt, bồn tắm hay bồn cầu.
3.2. Chăm sóc bệnh nhân Parkinson qua chế độ ăn uống
Đối với người bệnh cần được bổ sung đồ ăn giàu chất chống oxy hóa, omega-3, vitamin.
– Chất chống oxy hóa: những thực phẩm trong nhóm này sẽ ức chế các gốc tự do, làm ổn định dopamine trong não và kìm hãm sự phát triển của parkinson. Nhóm thực phẩm này gồm các loại rau củ quả nhiều màu như: súp lơ, cà chua, đậu đỏ, việt quất, dâu tây, lựu,…
Tăng cường bổ sung đồ ăn giàu chất chống oxy hóa
– Omega-3: đây là dưỡng chất vô cùng cần thiết cho não bộ nhằm cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh Parkinson. Omega-3 thường có nhiều trong các loại cá béo như: cá ngừ, cá trích, cá hồi, cá thu,… hay các loại hạt: hạt lanh, hạt chia, quả óc chó,…
– Viatmin và khoáng chất. Cần tăng cường bổ sung các loại vitamin C, canxi, magie,… sẽ giúp cải thiện các triệu chứng run, yếu cơ, trầm cảm,… của người bệnh.
Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế những loại thực phẩm không tốt cho người bệnh như:
– Protein: Thực phẩm chứa nhiều protein sẽ khiến giảm hấp thụ các loại thuốc điều trị bệnh. Bạn nên hạn chế ăn các loại thịt, tăng sử dụng protein trong cá và các loại đậu.
– Chất béo bão hòa: các loại thực phẩm như nội tạng động vật, đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp. Đây chính là nguyên nhân khiến các gốc tự do gây thoái hóa tế bào thần kinh tăng lên đẩy mạnh tốc độ phát triển bệnh.
– Muối, đường. Việc sử dụng quá nhiều hai gia vị này sẽ làm mất cân bằng natri gây thừa cân, béo phì.
– Cồn, chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm đẩy mạnh sự phát triển bệnh.
Ngoài ra có thể sử dụng bát đĩa cao su và dụng cụ ăn uống riêng biệt cho người bệnh. Hay khi chế biến đồ ăn có thể xay hoặc cắt nhỏ để dễ ăn tránh người bệnh bị hóc hay bị khó tiêu.
3.3. Duy trì vận động trong chăm sóc bệnh nhân Parkinson
Các chuyên gia khuyến cáo nên dành ra từ 30-50 phút/ngày để luyện tập cho người bệnh. Điều này giúp giảm các cơn run, cơ cúng và giúp họ đi lại vận động dễ hơn.
Người bệnh Parkinson có thể lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga, đạp xe,…
Đi bộ giúp cải thiện khá tốt tình trạng
– Đi bộ: là một trong những biện pháp được cho là tốt nhất trong luyện tập. Khi kết hợp với dùng thuốc sẽ giúp sự linh hoạt của cơ thể được tăng lên. Bệnh nhân nên đi theo đường thẳng, bước dài và tách hai chân để giữ thăng bằng tốt. Khi đi cần đưa hai tay đều và khi cần xoay lại nên đi theo cung tròn.
– Tập “đi” khi đang ở thế ngồi. Ngồi ghế có tựa và nhấc đầu gối trái phải lên cao như đi bộ.
– Tập kéo vai. Người bệnh ngồi thẳng lưng để hai tay về trước, khuỷu tay và bàn tay sát lại. Sau đó đưa dần hai tay sang hai bên càng xa càng tốt.
– Động tác đứng lên ngồi xuống. Sử dụng các loại ghế tựa có tay vịn và chỗ ngồi chắc. Khi đứng lên cần nghiêng người về trước và vịn hai tay vào thành ghế để đẩy lên. Khi ngồi xuống thì quay lưng và nghiêng người về trước rồi từ từ ngồi xuống.
Việc lên kế hoạch và chăm sóc người bệnh bước đầu có thể gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên mọi người đều phải giữ tinh thần lạc quan kiên trì và cảm thông với người bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.