Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính xảy ra tại gan với số ca bệnh mắc mới và tử vong cao hàng đầu tại Việt Nam. Việc điều trị ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh… Phương pháp điều trị chủ yếu được sử dụng hiện nay là điều trị phẫu thuật và không can thiệp phẫu thuật.
1. Ung thư gan nguyên phát là gì?
Ung thư gan nguyên phát là ung thư có xuất phát điểm từ gan khi các tế bào gan hình thành và phát triển bất thường tạo nên khối u ác tính. Ung thư gan nguyên phát được phân loại thành các dạng nhỏ hơn, đó là:
– Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là loại phổ biến nhất chiếm khoảng 75% các trường hợp mắc bệnh. HCC xuất phát từ các tế bào gan, thường xảy ra ở những người nhiễm virus viêm gan B, C, xơ gan.
– Ung thư đường mật/ ống mật: Ung thư xuất phát từ ống mật trong gan.
– U nguyên bào gan: Là loại ung thư gan rất hiếm gặp, đa số các trường hợp mắc bệnh thường là trẻ em dưới 4 tuổi.
– U máu ác tính: Là một dạng ung thư hiếm gặp, xuất phát từ mạch máu ở gan với tốc độ phát triển nhanh.
2. Chẩn đoán xác định bệnh ung thư gan nguyên phát
2.1 Chẩn đoán xác định bệnh
Để xác định chính xác bạn mắc ung thư gan nguyên phát hay không, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, sau đó sẽ thăm khám tổng thể kiểm tra thể chất, các dấu hiệu bất thường tại bụng, lòng trắng mắt…
Khi nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về gan, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng như: Xét nghiệm chức năng gan thận (ALT, AST, BIlirubin, Albumin, Creatinin/ máu…), xét nghiệm viêm gan (Anti HBsAg, HbeAg, HBsAg, HCV-RNA, HBV-DNA, Anti HCV), chụp X-Quang phổi, chụp CT bụng, siêu âm Doppler mạch máu gan… Một số trường hợp sẽ được chỉ định sinh thiết để chẩn đoán xác định bệnh cụ thể.
Sau khi thực hiện đầy đủ các kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán bệnh ung thư tế bào gan nguyên phát ở dạng bệnh cụ thể nào.
Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết sẽ giúp bác sĩ có kết quả chẩn đoán chính xác nhất
2.2 Chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh
Không chỉ chẩn đoán phân biệt được loại ung thư gan nguyên phát, mà bác sĩ còn xác định được giai đoạn ung thư, một yếu tố lớn quyết định phương hướng điều trị bệnh:
– Giai đoạn 1: Có 1 khối u trong gan chưa xâm lấn sang cơ quan khác.
– Giai đoạn 2: Một số khối u nhỏ tồn tại trong gan kích thước dưới 5cm, hoặc một khối u đã lan đến mạch máu.
– Giai đoạn 3: Có nhiều khối u lớn hoặc một khối u đã xâm lấn đến một mạch máu chính trong gan.
– Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn sang bộ phận khác của cơ thể: Hạch bạch huyết gần gan, phổi, xương, não…
Hình ảnh minh họa ung thư gan giai đoạn 3
3. Điều trị bệnh ung thư gan nguyên phát thế nào?
Việc xác định phương hướng điều trị ung thư gan sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên quá trình xem xét và đánh giá các yếu tố: Số lượng kích thước, vị trí khối u trong gan, chức năng gan, mức độ xâm lấn của khối u, tình trạng bệnh lý khác tại gan, các bệnh lý liên qua, tuổi tác…
Phác đồ điều trị chuyên biệt được xây dựng cho bệnh nhân ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố
3.1 Phẫu thuật loại bỏ ung thư gan
Đây là phương pháp điều trị triệt căn được thực hiện khi các tế bào ung thư chỉ giới hạn trong gan. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần gan chứ khối u ác tính. Sau đó người bệnh sẽ được chăm sóc và điều trị để các tế bào gan khỏe mạnh tái tạo, bù lại đảm bảo chức gan cho người bệnh.
3.2 Phẫu thuật ghép gan
Phẫu thuật ghép một phần hoặc toàn bộ lá gan từ nguồn hiến tạng phù hợp. Phẫu thuật này sẽ phù hợp cho người bệnh có khối ung thư gan kích thước lớn, phải cắt bỏ phần lớn hoặc toàn bộ gan. Chính vì vậy chức năng gan sẽ không đảm bảo vì thế cần phải ghép gan thay vì chờ tế bào gan tự tái tạo.
3.3 Điều trị tại chỗ ung thư gan
Điều trị ung thư gan tại chỗ là các phương pháp có thể tác động trực tiếp vào tế bào ung thư gan hoặc khu vực xung quanh khối u ác tính để tiêu diệt tế bào ung thư.
Phá hủy tại chỗ bằng sóng cao tần (RFA), hoặc tiêm cồn tuyệt đối
Là phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn, đa số được thực hiện qua da dưới hướng dẫn của siêu âm, phù hợp với khối u có kích thước dưới 3cm. Đốt sóng cao tần u gan sử dụng dòng điện để đốt nóng, hoặc sử dụng tia laser, sóng điện từ chiếu trực tiếp vào khối u, để tiêu diệt tế bào ung thư.
Tiêm cồn tuyệt đối được tiêm trực tiếp vào khối u sẽ giúp tế bào ung thư gan bị tiêu diệt
Nút mạch hóa – xạ trị
Hóa chất được tiêm trực tiếp vào khối u hoặc khu vực ung thư gan sẽ mang đến hiệu quả cho người bệnh. Lý do là bởi các tế bào ác tính bị tiêu diệt do bị cắt nguồn máu tới nuôi khối u đồng thời có sự tác động của thuốc hóa chất.
Nút mạch phóng xạ là phương pháp bơm trực tiếp hạt vi cầu phóng xạ vào nhánh động mạch đang nuôi dưỡng khối u. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ gây tắc các vi mạch trong khối u đồng thời phát ra tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.
3.4 Các phương pháp khác điều trị bệnh ung thư gan
Xạ trị ngoài
Là phương pháp sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào khối u ác tính tại gan để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được sử dụng trước phẫu thuật hoặc phương pháp điều trị khác khi kích thước khối u lớn. Lúc này xạ trị sẽ được sử dụng để hạn chế sự lan rộng của tế bào ung thư, cải thiện triệu chứng bệnh, kéo dài thêm thời gian sống.
Hóa trị – Thuốc điều trị đích – Thuốc điều trị miễn dịch
Được sử dụng ở những trường hợp khối u kích thước lớn, xâm lấn rộng, di căn xa bằng cách cách đưa vào cơ thể theo đường truyền tĩnh mạch đối với hóa chất, theo đường uống hoặc truyền đối thuốc điều trị đích và theo đường truyền tĩnh mạch đối với thuốc miễn dịch. Các phương pháp này nhằm kiểm soát ung thư trên diện rộng, hiệu quả với các trường hợp ung thư gan tiến triển, ung thư gan di căn.
Ung thư gan nguyên phát có th
ể điều trị được điều trị thành công hoặc chỉ có thể điều trị duy trì, kéo dài sự sống cho người bệnh phụ thuộc vào tình trạng bệnh, khả năng đáp ứng với phác đồ. Việc phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội điều trị khỏi bệnh ung thư gan càng cao. Đặc biệt, trong quá trình điều trị ung thư gan, bệnh nhân nên tuân thủ theo chỉ dẫn của y bác sĩ để có kết quả điều trị tốt đúng mong đợi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.