Gan nhiễm mỡ hay gan thoái hóa mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Gan nhiễm mỡ nếu không điều trị sẽ trở nên rất nguy hiểm, diễn tiến nặng nhất có thể gây xơ gan hoặc ung thư gan. Phát hiện và chẩn đoán gan nhiễm mỡ sớm để có biện pháp xử lý kịp thời là cách hiệu quả nhất giúp ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng nêu trên.
1. Những điều cần biết về tình trạng gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan phổ biến hiện nay, là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Trong các tế bào gan chứa nhiều hạt mỡ.
1.1. Nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ
Thông thường được chia thành hai nhóm: Do rượu và không do rượu. Gan nhiễm mỡ do rượu là một trong các giai đoạn phát triển bệnh gan do rượu. Trong khi đó, gan nhiễm mỡ không do rượu có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố liên quan đến rối loạn chuyển hóa như sau:
– Tình trạng béo phì, thừa cân nặng
– Tình trạng kháng insulin ở một số bệnh nhân
– Người bị tăng đường máu, rối loạn lipid máu
1.2. Triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ gây ra những triệu chứng như sau:
– Người mệt mỏi, chán ăn, gan to
– Lâu dần có thể tiến triển thành xơ gan, gây ra các triệu chứng của xơ gan như: Vàng da, mắt, xuất hiện sao mạch, cổ trướng, lách phình to,..
Hầu hết bệnh nhân gan nhiễm mỡ không phát hiện bệnh chỉ dựa vào triệu chứng. Thường thì họ sẽ phát hiện sau khi tình cờ đi khám, chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ.
- Phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác để có biện pháp xử lý kịp thời là cách hiệu quả nhất giúp ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng nêu trên.
2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao
Ngoài những người sử dụng nhiều rượu bia, các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao bao gồm những trường hợp như sau:
– Người bị tăng cholesterol, triglyceride trong máu
– Người bị béo phì, đặc biệt là béo bụng, người bị đái tháo đường
– Người bị chứng buồng trứng đa nang
– Người bị chứng ngừng thở khi ngủ
– Người bị suy giáp, suy tuyến yến,..
3. Các chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ sẽ bao gồm các cách: Khám lâm sàng và các xét nghiệm máu, siêu âm, sinh thiết gan,.
3.1. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ: Khám lâm sàng và xét nghiệm máu
– Khám lâm sàng: bác sĩ có thể phát hiện gan hơi sưng trong khi kiểm tra ổ bụng. Ngoài ra bác sĩ sẽ tìm hiểu xem người bệnh có gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn hay không. Các thông tin về thói quen uống rượu, tên các loại thuốc hoặc chất bổ sung hiện đang sử dụng (nếu có) cũng là các yếu tố cần thiết cho chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ.
– Các xét nghiệm máu: ở những người bị gan nhiễm mỡ có thể có men gan cao hơn bình thường khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên xét nghiệm này chưa đủ cơ sở để khẳng định gan nhiễm mỡ. Các phân tích sâu hơn sẽ tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng viêm ở gan.
Ngoài ra, có thể đo độ đàn hồi nếu nghi ngờ gan nhiễm mỡ gây ra tình trạng xơ gan, hoặc xét nghiệm thêm virus viêm gan B, C để loại trừ khả năng mắc các bệnh về gan do virus gây ra
-
Những người bị gan nhiễm mỡ có thể có men gan cao hơn bình thường khi xét nghiệm máu.
3.2. Siêu âm chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Mỡ trên gan sẽ hiển thị một khu vực màu trắng trên hình ảnh siêu âm. Các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp CT hoặc chụp MRI cũng có thể được sử dụng trong chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ. Những xét nghiệm này có thể phát hiện chất béo trong gan nhưng không có khả năng phát hiện thêm các thiệt hại khác.
3.3. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ bằng sinh thiết gan
Một mẩu tế bào gan sẽ được lấy ra để kiểm tra dưới kính hiển vi (sau khi gây tê cục bộ để giảm đau). Đây là cách chắn chắn nhất để biết một người có bị gan nhiễm mỡ hay không. Sinh thiết cũng giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này.
4. Điều trị gan nhiễm mỡ: Khi bị bệnh cần làm gì?
Điều trị gan nhiễm mỡ tập trung vào các yếu tố gây ra tình trạng này, chẳng hạn như:
– Điều trị chứng nghiện rượu
– Kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu
– Giảm cân
– Kiểm soát lượng đường trong máu
-
Có thể hạn chế nguy cơ gan nhiễm mỡ bằng cách hạn chế uống rượu, bia.
Có thể hạn chế nguy cơ gan nhiễm mỡ bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt hàng ngày như:
– Giảm cân giúp làm giảm tổn thương gan, cải thiện tình trạng kháng insulin. Đây là điều bệnh nhân cần phải thực hiện bắt buộc. Đối với một số trường hợp không thể đạt mục tiêu cân nặng trong vòng 6 tháng, cần đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn và tư vấn các can thiệp y khoa.
– Bổ sung vitamin E giúp cải thiện tình trạng viêm ở gan nhiễm mỡ (đối tượng không bị đái tháo đường). Tuy nhiên cần lưu ý không dùng vitamin E cho bệnh nhân nam có tiền sử/ tiền sử gia đình bị ung thứ tuyến tiền liệt. Không dùng vitamin E liều cao nếu không hỏi ý kiến bác sĩ.
– Gan nhiễm mỡ kèm tiểu đường có thể dùng thuốc bác sĩ chỉ định để cải thiện viê và xơ hóa ở gan.
Trên đây là những thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ, nguyên nhân, triệu chứng, đặc biệt là các cách chẩn đoán gan nhiễm mỡ cũng như điều trị bệnh. Bệnh nhân cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác cũng như điều trị hiệu quả, kịp thời trước khi bệnh tiến triển thành xơ gan.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.