Mãn kinh là giai đoạn phụ nữ có nhiều biến đổi về nội tiết và tâm sinh lý ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc. Chẩn đoán mãn kinh chủ yếu dựa trên lâm sàng, khi một phụ nữ từ trước đến giờ vẫn có kinh đều mỗi tháng tự nhiên ngừng, không có kinh trong 12 chu kỳ liên tiếp.
Mãn kinh là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, thường xảy ra ở phụ nữ từ 45 – 55 tuổi. Tại giai đoạn này, buồng trứng hầu như ngừng rụng trứng vĩnh viễn, chấm dứt kinh nguyệt, hormone giới tính nữ estrogen sụt giảm trầm trọng. Do đó nếu một phụ nữ trong độ tuổi từ 45 – 55 đang hàng kinh, tự nhiên không có kinh 12 tháng liên tiếp, cần nghĩ đến hội chứng mãn kinh. Đây là một loạt các biến đổi lâu dài từ khi người phụ nữ đến tuổi 30-40 và kéo dài cho đến tuổi 50-60, tùy theo cá nhân.
Chẩn đoán mãn kinh theo một số tiêu chí sau
- Kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt có thể dừng đột ngột hoặc dần dần nhẹ đi hay nặng dần rồi ngừng. Chu kỳ kinh nguyệt không ổn định có thể là những dấu hiệu khởi đầu của mãn kinh.
- Khô âm đạo
- Cảm giác nóng bừng mặt
Một trong số các triệu chứng điển hình của mãn kinh là cảm giác nóng bừng mặt.
- Đổ mồ hôi vào ban đêm và rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi về tính khí: nhạy cảm hơn và dễ bị mất cân bằng trước những biến cố cảm xúc.
- Thay đổi về hình thức bên ngoài: tóc rụng, khô, dễ gãy. Da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da. Tuyến vũ trở nên mềm nhão.
- Tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gắt.
Phụ nữ dưới 40 tuổi không còn hiện tượng kinh nguyệt nữa hoặc những người đã bị cắt tử cung mà có một số các triệu chứng cơ năng của mãn kinh, để chẩn đoán mãn kinh phải thực hiện các xét nghiệm định lượng nội tiết buồng trứng và tuyến yên. Nếu FSH ≥ 40 mIU/ml và Estradiol thấp, khoảng dưới 50 pg/l chứng tỏ người phụ nữ ấy đã mãn kinh.
Mãn kinh thường là tự nhiên nhưng cũng có thể là do phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng vì bệnh lý, do xạ trị.
Điều trị mãn kinh như thế nào
Mãn kinh không đòi hỏi phải điều trị y tế. Thay vào đó các phương pháp điều trị tập trung vào làm giảm các triệu chứng gây khó chịu cho chị em phụ nữ, ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh lý có thể xảy ra do lão hóa. Các phương pháp điều trị bao gồm:
– Liệu pháp hormone thay thế: đây là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất để làm giảm cơn nóng bừng do mãn kinh. Tùy thuộc vào tiền sử bệnh của cá nhân và gia đình, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liều thấp nhất của liệu pháp hormone thay thế để hạn chế các triệu chứng. Estrogen cũng giúp ngăn ngừa loãng xương. Và liệu pháp thay thế hormone có thể có lợi cho sức khỏe trái tim nếu bắt đầu được sử dụng trong vòng 5 năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
– Estrogen âm đạo: làm cho niêm mạc âm đạo phát triển để có độ dày, độ mềm mại cần thiết và tiết ra dịch âm đạo, giúp giảm khó chịu khi giao hợp và một số triệu chứng tiết niệu khác.
Các phương pháp điều trị cho mãn kinh tập trung vào làm giảm các triệu chứng gây khó chịu, ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh lý có thể xảy ra do lão hóa
– Thuốc chống trầm cảm liều thấp: một số thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) giúp làm giảm cơn nóng bừng do mãn kinh. Loại thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp không thể nhận estrogen do sức khỏe hoặc những người có các rối loạn tâm lý cần sử dụng thuốc chống trầm cảm.
– Gabapentin (Neurontin). Gabapentin được sử dụng để điều trị động kinh, nhưng nó cũng đã được chứng minh là giúp giảm nóng bừng. Loại thuốc này là phù hợp với những phụ nữ không thể sử dụng liệu pháp estrogen và những người bị đau nửa đầu.
– Các loại thuốc để ngăn chặn hoặc điều trị bệnh loãng xương. Tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, các bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc để ngăn chặn hoặc điều trị bệnh loãng xương. Một số loại thuốc có thể giúp làm giảm mất xương và nguy cơ gãy xương.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.