Chẩn đoán rung nhĩ sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết vì rối loạn này có thể gây ra những biến chứng nặng nề làm bệnh nhân tử vong hoặc tần tật suốt đời.
1. Bệnh rung nhĩ
1.1. Rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là một trong những hình thức rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều thường gặp nhất. Rung nhĩ xảy ra khi tín hiệu điện trong tim bị gián đoạn. Có nhiều loại rung nhĩ khác nhau dựa theo thời gian kéo dài của bệnh: Rung nhĩ kịch phát; Rung nhĩ dai dẳng; Rung nhĩ kéo dài; Rung nhĩ vĩnh viễn.
Tình trạng rung nhĩ phổ biến hơn ở người lớn tuổi và đặc biệt, đây được biết đến là nguyên nhân gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ.
1.2. Triệu chứng bệnh rung nhĩ
Các triệu chứng nhận biết bệnh rung nhĩ bao gồm:
– Nhịp tim nhanh, không đều hoặc cảm thấy nhịp tim bị “bỏ qua”
– Khó thở
– Chóng mặt hoặc có thể bị ngất xỉu
– Mệt mỏi, thiếu năng lượng
– Đau ngực, căng tức ngực
– Thường xuyên lo lắng
Trên thực tế, người bệnh có thể chỉ cảm thấy một hoặc một vài triệu chứng kể trên hoặc thậm chí là nhiều người còn không có triệu chứng. Vì vậy, không ít người chủ quan mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh.
Trên hết, khi nhận thấy các bất thường nghi ngờ bệnh, bạn cần chủ động thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh chính xác và lên phác đồ điều trị đúng cách.
Người bệnh rung nhĩ thường gặp tình trạng nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều.
2. Chẩn đoán rung nhĩ thực hiện như thế nào?
Chẩn đoán rung nhĩ dựa trên tiền sử bệnh của cá nhân người bệnh và gia đình, khám lâm sàng, kết quả của các xét nghiệm. Trong một số trường hợp, rung nhĩ không gây ra bất cứ triệu chứng nào vì thế bệnh có thể được phát hiện tình cơ khi khám sức khỏe hoặc thực hiện điện tâm đồ cho một bệnh lý nào khác.
2.1. Tìm hiểu tiền sử bệnh của người bệnh và gia đình
Trong chẩn đoán rung nhĩ, trước hết bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số câu hỏi như:
– Các dấu hiệu và triệu chứng mà người bệnh gặp phải, có bị đánh trống ngực, chóng mặt hay khó thở không? Bàn chân hoặc mắt cá chân có sưng lên không (đây có thể là dấu hiệu của suy tim) hay có bị đau ngực không?
– Tiền sử bệnh: người bệnh có vấn đề sức khỏe nào khác hay không, chẳng hạn như đã từng mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh phổi tiểu đường hoặc các bệnh về tuyến giáp.
– Tiền sử mắc bệnh của gia đình: có ai trong gia đình từng bị rung nhĩ, bệnh tim hay cao huyết áp hoặc các vấn đề về tuyến giáp không?
– Thói quen: người bệnh có hút thuốc, uống rượu hay cà phê không?
2.2. Khám lâm sàng chẩn đoán rung nhĩ
Tiếp đến bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim và tiến hành đo huyết mạch của người bệnh. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu nào của các vấn đề về cơ tim và van tim hay không. Ngoài ra bác sĩ có thể sẽ nghe phổi để kiểm tra xác định các dấu hiệu của suy tim.
Bên cạnh đó các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra để biết liệu người bệnh có bị sưng bàn chân hay không và các dấu hiệu của cường giáp.
Khám lâm sàng ban đầu với bác sĩ chuyên khoa để nhận các chỉ định thực hiện tiếp theo.
2.3. Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán rung nhĩ
Điện tâm đồ
Điện tâm đồ là xét nghiệm hữu ích nhất trong chẩn đoán rung nhĩ. Đây là một xét nghiệm đơn giản không đau ghi lại hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ cho biết tốc độ đập của tim, nhịp tim có đều hay không.
Do rung nhĩ có thể chỉ thoáng qua nên đôi khi không còn triệu chứng khi người bệnh đi gặp bác sĩ. Trong trường hợp này, có thể sử dụng phương pháp theo dõi điện tâm đồ liên tục trong vòng 24 – 48 giờ (phương pháp Helter).
Siêu âm tim
Siêu âm tim cũng được sử dụng trong chẩn đoán rung nhĩ. Siêu âm tim là một xét nghiệm chẩn đoán bằng cách sử dụng sóng siêu âm tần số cao để có được hình ảnh động về tim và những cấu trúc liên quan đến tim (chẳng hạn như van).
Siêu âm tim qua thực quản
Siêu âm tim qua thực quản là một phương pháp thăm dò không xâm nhập giúp khảo sát tim rõ hơn, khắc phục các nhược điểm của siêu âm tim qua thành ngực.
Buồng trên của tim – tâm nhĩ, nằm trong lồng ngực nên không thể quan sát rõ trong siêu âm tim qua thành ngực. Bác sĩ có thể quan sát và kiểm tra tâm nhĩ rõ hơn qua kết quả siêu âm tim qua thực quản. Xét nghiệm này thường được sử dụng để phát hiện các cục máu đông có thể hình thành trong tâm nhĩ vì rung nhĩ.
Chụp X quang
Chụp X quang cung cấp hình ảnh cấu trúc các cơ quan trong lồng ngực như tim, phổi. Chỉ định này có thể giúp bác sĩ phát hiện thấy sự tích tụ của chất dịch trong phổi và các dấu hiệu biến chứng của rung nhĩ.
Chụp Xquang ngực thẳng trong chẩn đoán bệnh rung nhĩ.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể được chỉ định thực hiện để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp và cân bằng các chất điện giải trong cơ thể.
Thực hiện thăm khám và chẩn đoán rung nhĩ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa là yêu cầu cần thiết với các trường hợp nghi ngờ bệnh. Khi đã có kết luận chính xác về bệnh cần tuân thủ việc điều trị để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.