Ăn theo sở thích có thể khiến bạn thấy ngon miệng hơn, dễ ăn uống hơn. Thế nhưng nếu thói quen ăn uống thiếu khoa học và không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Theo các chuyên gia y tế, những người uống nhiều rượu và có hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng, ung thư thực quản, thanh quản.
Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên nướng ở nhiệt độ cao, thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản… làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư nguy hiểm
Chế độ ăn nhiều chất béo, ít hoa quả sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
Ăn phải những thực phẩm mốc, thực phẩm chứa các chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng… cũng làm tăng khả năng mắc ung thư đường tiêu hóa như gan, dạ dày – thực quản…
Để có một cơ thể khỏe mạnh, điều cần thiết là nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Cụ thể như sau:
1. Cân bằng thực phẩm trong bữa ăn
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ, việc cân bằng khẩu phần ăn trong bữa ăn hàng ngày rất có lợi cho sức khỏe. Cụ thể là trong 1 khẩu phần ăn nên có 2/3 số thực phẩm phải có nguồn gốc từ thực vật, đạm từ động vật không được nhiều hơn 1/3.
Việc cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, ngừa nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư nguy hiểm.
Cần đa dạng thực phẩm và ăn đúng, ăn đủ để đảm bảo sức khỏe
2. Đa dạng thực đơn ăn uống hàng ngày
Một chế độ ăn nhiều màu sắc sẽ có khả năng ngừa ung thư cao. Vì thế các chuyên gia y tế khuyến khích chúng ta nên ăn các loại trái cây và rau củ quả. Những loại trái cây, rau củ này không chỉ giúp chống ung thư mà còn ngăn ngừa tình trạng thừa cân – béo phì, tăng cường chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa…
3. Nói không với các thực phẩm chế biến sẵn
Những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, thịt nguội sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày. Những thực phẩm chế biến sẵn chứa lượng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu và lượng muối cao. Vì thế sẽ gây hại cho sức khỏe, cần hạn chế và không sử dụng để ngừa ung thư hiệu quả.
4. Hạn chế rượu bia
Ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan và vú đều liên quan tới việc uống rượu bia. Vì thế, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo nên hạn chế uống rượu. Đối với nam giới không nên uống quá hai ly mỗi ngày. Với nữ giới không nên uống quá một ly mỗi ngày.
Hạn chế rượu bia và thuốc lá cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư
5. Chú ý phương pháp chế biến thực phẩm
Cách nấu nướng có ảnh hưởng nhất định tới nguy cơ mắc ung thư. Nếu thường xuyên ăn đồ rán, nướng, và nướng ở nhiệt độ rất cao sẽ sản sinh ra các chất độc hại, làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Vì thế khi chế biến thức ăn cần chú ý, giảm chiên nướng, rán, thay vào đó là hầm, hấp, luộc sẽ giảm lượng các chất độc hại trong thực phẩm.
Tham khảo: Tầm soát phát hiện sớm ung thư
Ngoài ra, để có một cơ thể khỏe mạnh ngừa ung thư, bên cạnh việc ăn uống đúng cách thì chúng ta cần chú ý: thường xuyên vận động thể dục thể thao nhằm nâng cao sức đề kháng. Ăn ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức khuya và chủ động thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ nhằm phát hiện sớm bất thường trong cơ thể để kịp thời xử lý.
Hiểm họa ung thư có thể đến từ chính thói quen ăn uống thiếu khoa học hàng ngày. Chính vì thế, chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới sức khỏe, lắng nghe cơ thể và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.