Nhiều người gặp các vấn đề về gan, khi làm xét nghiệm thấy kết quả ghi ALT (SGPT) vượt mức giới hạn cho phép. Tuy nhiên họ lại không biết chỉ số này có ý nghĩa gì. Vậy chỉ số xét nghiệm SGPT nằm ngoài giới hạn cho phép thì có gây nguy hiểm gì đến sức khỏe hay không? Khi nào cần làm xét nghiệm SGPT? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
1. Chỉ số xét nghiệm SGPT là gì?
SGPT (ALT) là loại enzyme nằm chủ yếu trong tế bào gan. Một lượng nhỏ nằm trong tế bào cơ vân và tim. Chỉ số SGPT (ALT) đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các tổn thương ở gan. Từ đó có thể giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý về gan mà bạn có thể gặp phải.
Chỉ số xét nghiệm SGPT (ALT) giúp đánh giá lượng men gan và tình trạng thương tổn ở gan (ảnh minh họa)
2. Chỉ số SGPT bình thường là bao nhiêu?
Ở người bình thường nồng độ SGPT trong cơ thể thường thấp. Chỉ số này nằm trong khoảng từ 3-40 U/L. Tuy nhiên khi các tế bào gan có dấu hiệu bị hủy hoại và tổn thương, chúng sẽ giải phóng vào máu nhiều hơn, khiến chỉ số này tăng lên rõ rệt.
Các trường hợp SGPT (ALT) <3 U/L thường rất ít gặp. Chủ yếu là SGPT (ALT) tăng. Khi chỉ số này tăng vượt mức giới hạn cho phép (>40 U/L), bạn cần chú ý các bệnh lý về gan có thể mắc phải.
3. Chỉ số xét nghiệm SGPT tăng cao là bệnh gì?
Chỉ số SGPT tăng cao thường liên quan đến viêm hoặc tổn thương tế bào gan. Khi hàm lượng men gan tăng 5 – 8 lần so với bình thường, thậm chí còn cao hơn, bạn cần đến thăm khám với bác sĩ sớm. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp giúp làm giảm lượng men gan, tránh các biến chứng nguy hiểm về gan. Mức độ tăng của men gan càng cao cảnh báo khả năng tổn thương ở gan càng lớn.
Đối với bệnh nhân mắc viêm gan cấp tính, chỉ số SGPT cùng với các men gan khác sẽ tăng cao trong vòng 1 – 4 tháng. Sau đó SGPT giảm dần về mức bình thường. Tuy nhiên nếu tăng cao quá 6 tháng thì rất có thể đó là dấu hiệu của viêm gan mạn tính.
Không chỉ nguyên nhân viêm gan do virus (A, B, C, D, E…) mà những tổn thương khác về gan như viêm gan, xơ gan do rượu hay ung thư gan đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng men gan tăng cao, trong đó có SGPT. Vì vậy bệnh nhân nên đi kiểm tra men gan ít nhất 6 tháng một lần để kịp thời đánh giá và kiểm soát chức năng gan.
Chỉ số xét nghiệm SGPT tăng cao thường liên quan đến viêm hoặc tổn thương tế bào gan
4. Các xét nghiệm kết hợp cùng SGPT để đánh giá chức năng gan
Xét nghiệm SGPT (ALT) là xét nghiệm máu được sử dụng để phát hiện ra những tổn thương ở gan. Tuy nhiên nó thường được chỉ định kết hợp thực hiện với một số xét nghiệm khác. Mục đích là để đánh giá chính xác và cụ thể nhất về tình trạng chức năng gan hoặc giúp chẩn đoán các bệnh liên quan đến gan.
Hiện nay xét nghiệm ALT (SGPT) cùng với AST (GOT) được coi là hai trong số những chỉ số xét nghiệm quan trọng dùng để phát hiện ra những tổn thương gan, mặc dù ALT tăng cao hơn AST. Đôi khi chỉ số AST được so sánh trực tiếp ALT và được tính toán một tỷ lệ AST/ALT. Tỷ lệ này còn được sử dụng để phân biệt giữa các nguyên nhân gây ra tổn thương gan khác nhau.
Ngoài ra, xét nghiệm ALT còn được sử dụng cùng với cùng với AST để theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân gan. Hoặc nó có thể tiến hành cùng với các xét nghiệm khác nhằm mục đích chẩn đoán.
Thăm khám tại cơ sở y tế uy tín giúp đảm bảo chỉ số xét nghiệm GSPT chính xác, độ tin cậy cao
5. Khi nào nên làm xét nghiệm SGPT?
Bệnh nhân khi có các triệu chứng rối loạn chức năng gan sau đây sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm SGPT:
– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
– Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, chán ăn.
– Vàng da, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu.
– Nổi mẩn ngứa.
Ngoài ra, xét nghiệm SGPT còn được sử dụng phối hợp với các xét nghiệm khác thực hiện ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gan như:
– Bệnh nhân mắc bệnh béo phì, tiểu đường.
– Người từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus viêm gan.
– Người có người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh gan.
– Người nghiện rượu nặng.
Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cũng giúp đánh giá chỉ số ALT (SGPT). Bác sĩ sẽ căn cứ vào các chỉ số xét nghiệm này cùng các kết quả xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất và có biện pháp điều trị hiệu quả.
Để có chỉ số xét nghiệm SGPT chính xác, người bệnh nên thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế uy tín, sở hữu trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, nên thăm khám với đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên gia trong lĩnh vực gan mật. Các bác sĩ chuyên khoa giỏi có nhiều năm kinh nghiệm sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.