Dấu hiệu của bệnh mạch vành có thể gây nhầm lẫn với các bệnh thông thường, do vậy người bệnh cần chú trọng theo dõi sự thay đổi của cơ thể.
1. Bệnh mạch vành là gì?
Mạch vành là hệ thống động mạch chạy ở bề mặt tim. Hệ thống mạch vành có vai trò quan trọng giúp trái tim hoạt động bình thường. Tuy nhiên, động mạch vành tim cũng là cơ quan dễ bị tổn thương và có nguy cơ dẫn tới các bệnh lý nguy hiểm.
Bệnh mạch vành là tình trạng tắc nghẽn ở các động mạch cung cấp máu cho tim. Tình trạng này cả ra do sự tích tụ các mảng xơ vữa, làm hạn chế lưu thông máu và oxy đến tim.
Sự tích tụ các mảng xơ vữa làm tắc nghẽn động mạch vành
2. Dấu hiệu bệnh mạch vành
2.1. Mệt mỏi và chóng mặt là dấu hiệu của bệnh mạch vành
Mệt mỏi và chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nặng khác nhau. Do đó, người bệnh thường chủ quan không kiểm tra sức khỏe ngay khi nhận thấy những biểu hiện này.
Mạch vành bị tắc nghẽn dẫn tới máu và oxy lên não kém, gây ra tình trạng choáng váng, mệt mỏi. Triệu chứng này càng rõ ràng khi người bệnh lao động quá sức.
2.2. Đau thắt ngực
Dấu hiệu của bệnh mạch vành dễ nhận biết nhất là đau thắt ngực. Các cơn đau thắt ngực dữ dội bắt đầu ở phần ngực trái. Sau đó, cơn đau lan rộng ra cổ, vai, lưng và cánh tay.
Cơn đau thắt ngực diễn ra trong khoảng vài phút và biến mất. Tuy nhiên, một số trường hợp, cơn đau kéo dài và cường độ tăng cao theo thời gian.
Đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nhồi máu cơ tim. Nếu các cơn đau dữ dội hơn và xuất hiện với tần suất liên tục, người bệnh cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đau thắt ngực được chia làm 2 dạng cụ thể:
– Dạng ổn định: Cơn đau xuất hiện khi bệnh nhân vận động quá sức, gặp cú sốc về tinh thần, hoặc thời tiết trở lạnh.
– Dạng không ổn định: Cơn đau đột ngột có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim gây tử vong.
Đau thắt ngực là biểu hiện bệnh mạch vành dễ nhận biết
2.3. Khó thở – dấu hiệu của bệnh mạch vành dễ thấy
Các mảng xơ vữa tích tụ sẽ làm hẹp mạch vành, dẫn tới lưu thông máu và oxy khó khăn. Tình trạng này làm máu lên não giảm, khiến sức khỏe người bệnh sa sút dần.
Lượng máu không lưu thông được sẽ ứ đọng ở các cơ quan khác. Ở phổi, máu tích tụ gây khó khăn cho chức năng hô hấp, khiến người bệnh khó thở. Đi kèm với chứng khó thở là cảm giác mệt mỏi, tay chân rã rời.
2.4. Khó chịu nửa thân trên
Đối với nữ giới hoặc bệnh nhân tiểu đường, khi mắc bệnh mạch vành, người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khác như: ngứa ran, tê, nặng ngực, khó chịu ở ngực và lan rộng ra khu vực hàm, vai và cánh tay.
2.5. Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là triệu chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành. Đây là tình trạng tim đập mạnh và nhanh quá mức, dẫn tới bồn chồn, lo lắng ở người bệnh.
Rối loạn nhịp tim là dấu hiệu mà người bệnh cần hết sức lưu ý vì khả năng cao, triệu chứng này sẽ sẽ tiến triển thành chứng nhịp nhanh thất hoặc rung thất nguy hiểm. Khi mắc hai chứng bệnh này, người bệnh có thể ngừng thở ngay sau vài phút xảy ra bệnh.
2.6. Rối loạn tiêu hóa có thể là dấu hiệu của bệnh mạch vành
Người bệnh thường xuyên bị đầy bụng, buồn nôn sau khi ăn no là các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa. Khi người bệnh sử dụng các thực phẩm chứa các chất như đạm, chất béo… triệu chứng này càng rõ rệt hơn. Đây không chỉ là vấn đề tiêu hóa thông thường mà còn là cảnh báo bệnh mạch vành.
3. Nguyên nhân gây bệnh mạch vành là gì?
3.1. Nguyên nhân cố định
– Tuổi cao: Càng lớn tuổi càng dễ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch dẫn tới bệnh mạch vành.
– Tiền sử bệnh trong gia đình: Nếu gia đình có người mắc bệnh tim mạch, nam giới mắc bệnh trước 55 tuổi, nữ giới mắc bệnh trước 65 tuổi, thì con/em của người đó nguy cơ cao cũng mắc bệnh.
– Giới tính: Thống kê cho thấy, nam giới là đối tượng mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, đối với nữ giới sau mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh lại cao hơn.
– Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở khi đang ngủ có thể làm giảm đột ngột nồng độ oxy trong máu, gây tăng huyết áp và căng thẳng. Đây là yếu tố gây ra bệnh lý động mạch vành.
– Người mắc các bệnh cao huyết áp, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, suy thận mạn thường dễ mắc bệnh hơn.
3.2. Nguyên nhân có thể thay đổi
– Thói quen tập thể dục thể thao: Những người thường xuyên ngồi lâu một chỗ, ít vận động thể dục thể thao sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cao hơn người bình thường.
– Hút thuốc lá: Đây là thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cũng như nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư vòm họng, ung thư phổi… Nam giới là đối tượng chủ yếu gặp phải tình trạng này và khó cải thiện.
– Nghiện rượu bia: Sử dụng nhiều rượu bia cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh mạch vành. Rượu bia sẽ thúc đẩy hình thành các cục máu đông, dễ gây đột quỵ.
– Thừa cân, béo phì: Nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 23, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch chuyển hóa cao hơn.
– Căng thẳng quá mức thường xuyên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của con người. Nguy hiểm nhất là gây tổn hại động mạch, làm xuất hiện xơ vữa mạch máu dẫn tới bệnh mạch vành.
– Chế độ ăn uống: Người sử dụng các thực phẩm chứa chất béo, muối và chất bột đường… thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
4. Phòng ngừa dấu hiệu của bệnh mạch vành thế nào?
Để phòng và ngăn chặn các dấu hiệu của bệnh mạch vành và các biến chứng của bệnh, bạn cần:
– Bổ sung các chất dinh dưỡng, chất xơ có trong nhiều loại rau củ, hoa quả.
– Giảm cân nếu cân nặng tăng cao quá mức.
– Dành thời gian tập luyện thể dục, thể thao theo các bài tập mà bác sĩ khuyến cáo.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị kịp thời bệnh mạch vành và các bệnh liên quan có thể dẫn tới bệnh tim như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, đái tháo đường…
Khám định kỳ giúp phát hiện kịp thời nguy cơ mắc bệnh mạch vành
– Bỏ thuốc lá, tránh những nơi có khói thuốc
– Hạn chế sử dụng bia, rượu và các chất kích thích.
– Hạn chế dùng các loại thức ăn nhanh, đồ dầu mỡ, quá nhiều muối, đường…
– Tạo lối sống tích cực, vui vẻ, tránh căng thẳng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.