Suy tim là một trong trong những tình trạng tim mạch nguy hiểm tuy nhiên thường không hoặc rất ít biểu hiện ở giai đoạn đầu khiến người bệnh khó nhận ra, dẫn tới phát hiện và điều trị muộn. Tuy nhiên, các dấu hiệu suy tim có thể nhận diện sớm nếu bạn chú ý quan tâm và lắng nghe cơ thể.
1. Vì sao bệnh suy tim thường được phát hiện muộn?
Suy tim thường là hậu quả của các bệnh lý tim mạch hoặc biến chứng từ các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, xơ gan,… Những rối loạn này khiến tim suy yếu, suy giảm khả năng hoạt động và thực hiện chức năng.
Tuy nguy hiểm nhưng suy tim vẫn có thể kiểm soát nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, đa số các trường hợp suy tim thường phát hiện muộn do các triệu chứng suy tim ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt, thậm chí không biểu hiện. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ chế bù trừ giúp tim vẫn có thể thực hiện các hoạt động một cách bình thường, đáp ứng đủ lượng máu cần thiết. Khi xảy ra tình trạng mất bù, bệnh mới biểu hiện triệu chứng, lúc này người bệnh thường mới đi khám và phát hiện bệnh.
Tuy ít biểu hiện nhưng vẫn có những dấu hiệu giúp nhận diện bệnh suy tim mà người bệnh cần lưu ý.
Suy tim thường phát hiện muộn do ít biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu.
2. Các dấu hiệu suy tim sớm giúp nhận diện bệnh
2.1 Khó thở – Dấu hiệu suy tim sớm cần cảnh giác
Khó thở là triệu chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân suy tim. Nguyên nhân là khi tim bị suy yếu, máu từ phổi không được hút về hết, ứ lại ở phổi. Phổi mất tính đàn hồi và trở nên cứng, khó giãn ra để không khí lọt vào. Điều này gây nên tình trạng khó thở ở người bệnh suy tim.
Ở những cấp độ suy tim nhẹ, người bệnh thường ít cảm thấy khó thở trong khi gắng sức hoặc vào ban đêm, khi nằm ở tư thế thấp đầu. Trong trường hợp suy tim sung huyết, tình trạng khó thở khi nằm nghiêng là một biểu hiện đáng chú ý. Nhiều người thậm chí phải bật dậy giữa đêm để thở.
Những tình trạng này ngày càng nặng theo độ tiến triển của suy tim. Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở nhiều mỗi khi leo cầu thang, tự tắm giặt kỳ cọ, thậm chí đánh răng rửa mặt. Ở giai đoạn nặng nhất, người bệnh có thể khó thở cả khi ngồi nghỉ, kèm theo cảm giác như hụt hơi, hồi hộp, thở gấp, đau ngực, mệt mỏi.
2.2 Mệt mỏi
Mệt mỏi có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có suy tim. Mệt do suy tim xảy ra khi tim giảm khả năng co bóp, khiến lượng máu trong mỗi lần bơm giảm đi, không đủ đáp ứng nhu cầu của các cơ quan trong cơ thể.
Thiếu máu do suy tim có thể làm cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn, kèm theo những biểu hiện của thiếu máu, như suy nhược, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu,… Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Circulation Research năm 2020 cho thấy người bệnh cảm thấy mệt mỏi rất nhanh nếu suy tim làm giảm lượng máu đến não.
Tình trạng mệt mỏi do suy tim có thể lẫn với các bệnh khác nên thường gây chủ quan hoặc nhầm lẫn cho người bệnh. Tuy nhiên nếu để ý, bạn sẽ cảm nhận được việc thực hiện các hoạt động thường ngày ngày càng khó khăn, thậm chí gây kiệt sức. Ngay cả các việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn như đi bộ cũng khiến cho bệnh nhân nhanh mệt, cảm thấy thiếu sức sống.
Khó thở, mệt mỏi là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh suy tim.
Sự mệt mỏi này ảnh hưởng ngày càng nhiều đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là khi bệnh kéo dài và trở nặng. Trong khi đó ở giai đoạn đầu, biểu hiện mệt mỏi ít rõ ràng hay xảy ra thường xuyên.
2.3 Hạn chế vận động
Tình trạng tim cung cấp không đủ lượng máu ở các vùng khác nhau trên cơ thể và sự dư thừa chất lỏng ở phổi do tim hoạt động kém hiệu quả cũng có thể làm cho việc di chuyển hay tập thể dục thể thao của người bệnh trở nên khó khăn.
2.4 Phù nề – Một trong những dấu hiệu suy tim phải
Sưng phù là một trong những triệu chứng sớm ở bệnh nhân suy tim. Người bệnh có thể nhận ra điều này khi cân nặng tăng nhanh, giày trở nên chật chội hơn.
Các chuyên gia lý giải tình trạng này là do tim bị suy giảm chức năng dẫn tới giảm khả năng tống máu đi. Khi đó tim cũng không có đủ sức mạnh để hút máu trở lại từ các chi dưới theo đường tĩnh mạch khiến máu bị ứ đọng lại. Hậu quả là các mao mạch căng lên, dịch thoát ra ngoài qua thành mao mạch, đi vào các bộ phận lân cận gây ra phù.
Các vị trí dễ trở nên sưng phù do suy tim gồm mắt cá chân, chân, đùi và bụng.
2.5 Ho khan, khó khạc đờm
Khi thấy tình trạng ho kéo dài dai dẳng không rõ nguyên nhân, bạn nên cảnh giác vì đây có thể là một trong những triệu chứng của suy tim. Ho trong suy tim thường là ho khan, khó khạc đờm kèm theo thở khò khè và khó thở dai dẳng. Ho thậm chí kèm chất nhầy màu trắng hoặc bọt hồng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tình trạng chất lỏng tích tụ trong phổi.
Ho kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ. Khi bệnh nặng, người bệnh bị ho khi nằm khiến họ phải ngồi dậy mới dễ chịu.
2.6 Đau tức ngực
Những cơn đau ngực ở bệnh nhân suy tim thường xảy ra sau khi gắng sức, gồm đau ở vùng ngực trái trước tim, nặng ngực, tức ngực, đè ép, thắt nghẹn ở ngực. Đau ngực thường giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc Nitroglycerin.
Bên cạnh đó, người bệnh suy tim có thể có các biểu hiện như khó tiêu, đánh trống ngực.
Khi thấy các dấu hiệu suy tim, không nên chủ quan mà cần đi khám tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh suy tim?
3.1 Lắng nghe sự thay đổi của cơ thể và đi khám ngay
Như đã nói ở trên, các triệu chứng của suy tim thường mờ nhạt và nhầm lẫn khi bệnh còn nhẹ. Vì vậy, bất cứ bất thường nào của cơ thể cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh, bạn cần đi khám sớm khi thấy các biểu hiện này để xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân.
3.2 Kiểm tra và dự phòng khi có các yếu tố nguy cơ
Nếu đang mắc bệnh tim mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, nghiện rượu, bia, thuốc lá, thừa cân,… thì nên đi kiểm tra sớm để dự phòng suy tim. Ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ.
Bệnh suy tim nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát nếu phát hiện sớm qua các dấu hiệu nhận diện và điều trị hiệu quả. Khi thấy các dấu hiệu suy tim dù rất nhỏ, đừng bỏ qua mà hãy đi khám chuyên khoa Tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.