Ung thư dạ dày là một bệnh lý phổ biến ở đường tiêu hóa, tuy nhiên nhiều bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn ung thư tiến triển hoặc di căn gây khó khăn trong quá trình điều trị. Tìm hiểu những dấu hiệu ung thư dạ dày cảnh báo bạn cần đi thăm khám ngay trong bài viết dưới đây để phát hiện bệnh sớm, tăng cơ hội điều trị thành công.
1. Tầm quan trọng của phát hiện sớm ung thư dạ dày
Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị, nâng cao cơ hội sống cho người bệnh. Cụ thể tỷ lệ sống 5 năm tương đối qua từng giai đoạn khu trú, khu vực, di căn xa của ung thư dạ dày theo dữ liệu của SEER, được thống kê bởi Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ là:
– Giai đoạn khu trú có tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm là khoảng 70%.
– Giai đoạn khu vực (ung thư dạ dày đã lan đến các cấu trúc lân cận, hạch bạch huyết) có tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm là khoảng 32%.
– Giai đoạn di căn xa có tỷ lệ sống trung bình khoảng 6%.
Như vậy có thể thấy ung thư dạ dày được phát hiện càng sớm thì cơ hội điều trị thành công cũng càng gia tăng. Việc điều trị ở giai đoạn sớm cũng dễ dàng hơn so với ung thư đã phát triển và lan tràn đến nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Tầm soát phát hiện sớm ung thư dạ dày có ý nghĩa quan trọng trong điều trị căn bệnh này
2. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày cần thăm khám sớm
Các triệu chứng ung thư dạ dày sớm thường không đáng kể, và không gây chú ý đối với người bệnh. Hoặc các triệu chứng này cũng được đánh giá là không điển hình, có thể bị nhầm lẫn với nhiều triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa. Vậy nên khi ung thư dạ dày được chẩn đoán xác định thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.
Do đó, không nên lơ là trước những tín hiệu cảnh báo sớm phát ra từ cơ thể của bạn. Một số dấu hiệu ung thư dạ dày sớm bạn có thể chú ý là:
2.1 Đầy hơi – Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày
Nghĩa là bạn có thể cảm thấy đầy và căng. Lý giải đây có thể là biểu hiện của ung thư dạ dày là bởi ung thư dạ dày có thể làm cho thành dạ dày của bạn cứng và giảm khả năng lưu trữ thức ăn. Trong trường hợp ung thư lan đến lớp lót khoang bụng có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng trong khoang bụng của bạn.
Đầy hơi là một dấu hiệu không điển hình, dễ gây nhầm lẫn, tuy nhiên người bệnh nên chủ động quan tâm sức khỏe, thăm khám kiểm tra ngay nếu có bất thường để tìm ra nguyên nhân
2.2 Ợ nóng
Triệu chứng ợ nóng, đau rát ở ngực trên là cổ họng là tình trạng phổ biến và thường không phải điều đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu bạn bị ợ nóng kéo dài mà không hết khi đã sử dụng thuốc kháng axit hoặc các loại thuốc khác thì có thể có lý do đáng lo ngại.
Nếu có một khối ung thư lớn hình thành và phát triển ở lối ra của dạ dày, chất lỏng có thể tích tụ và con đường ít kháng cự nhất là có thể quay trở lại ống dẫn thức ăn/thực quản.
2.3 Buồn nôn và ói mửa
Một triệu chứng khác của việc khối u phát triển chặn lối ra của dạ dày bạn là có thể gây ra biểu hiện buồn nôn và thậm chí nôn mửa.
Thực phẩm đi vào trong dạ dày và chất lỏng bạn uống không thể đi đến tá tràng, là phần đầu tiên của ruột, khi đó sẽ gửi tín hiệu đến não của bạn và bạn cảm thấy buồn nôn.
2.4 Giảm cân đột ngột – Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn và đầy hơi, bạn có thể không ăn thường xuyên để tránh cảm thấy buồn nôn. Sau đó, bạn không còn cảm thấy đói và cuối cùng bắt đầu giảm cân mà không cần cố gắng. Đó có lẽ là dấu hiệu đáng lo ngại nhất mà bạn cần chú ý.
2.5 Mệt mỏi toàn thân
Mệt mỏi có thể là do tình trạng mất máu chậm, cùng với việc giảm cân bất ngờ. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày đang cảnh báo. Mất máu cũng có thể dẫn đến thiếu máu, số lượng hồng cầu thấp, đó có thể là nguồn gốc khiến bạn kiệt sức.
2.6 Máu trong phân hoặc chất nôn
Dấu hiệu ung thư dạ dày sớm này ít phổ biến hơn nhưng nó có thể xảy ra nếu bạn bị mất nhiều máu do tác động của khối u. Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi trong phân của mình thành phân rất sẫm màu.
2.7 Cảm thấy no sớm
Bạn cảm thấy no ngay cả khi chỉ ăn một lượng nhỏ. Cụ thể là bạn chỉ có thể ăn khoảng 20% lượng mà bạn thường ăn.
3. Làm thế nào để biết các triệu chứng có phải là nghiêm trọng?
Những dấu hiệu kể trên có thể là do những nguyên nhân khác không phải ung thư dạ dày, tuy nhiên cách tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra. Bởi trong quá trình thăm khám, nếu bạn được chẩn đoán xác định mắc bất cứ bệnh gì, thì điều trị càng sớm càng tốt, càng gia tăng hiệu quả.
Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày như:
– Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori), (vi khuẩn HP).
– Hút thuốc.
– Tuổi tác – nguy cơ tăng lên khi bạn già đi.
– Béo phì.
– Chế độ ăn nhiều thực phẩm hun khói, cá muối và thịt ướp muối.
– Tiền sử gia đình có người thân đã mắc ung thư dạ dày.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. Nắm được những yếu tố này bạn nên chủ động phòng tránh hoặc điều trị để giảm khả năng mắc ung thư dạ dày
Do đó, nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng kể trên thì việc thăm khám, kiểm tra càng sớm càng tốt, không nên để các triệu chứng đầy bụng, buồn nôn, sụt cân, chán ăn… kéo dài, liên tục tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Khuyến cáo chung đối với người dân là nên thực hiện sàng lọc, tầm soát ung thư định kỳ ngay cả khi chưa có những triệu chứng. Việc này sẽ giúp phát hiện ra những mầm mống ung thư, dấu ấn ung thư ẩn nấp, tạo thuận lợi trong việc điều trị, ngăn chặn sớm ung thư, tránh sự nhân lên và lan rộng của tế bào ác tính.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.