Dấu hiệu ung thư vòm họng và cách điều trị như thế nào thì hiệu quả là những vấn đề được quan tâm hàng đầu khi bạn nghi ngờ mình mắc bệnh. Hãy cùng đi tìm đáp án nhé!
1. Ung thư vòm họng là gì?
Vòm họng là phần cao nhất của hầu họng, nằm ngay sau mũi. Ung thư vòm họng, còn được gọi là ung thư biểu mô vòm họng là một trong những bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào vòm họng. Đây là bệnh ung thư nguy hiểm nhất trong số các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Theo số liệu thống kê, ung thư vòm họng phổ biến ở người da vàng hơn so với người da trắng. Khu vực có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao nhất là Đông Nam Á và Trung Quốc.
Ung thư vòm họng thường phát triển theo 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Khó phát hiện, không có triệu chứng rõ ràng. Kích thước khối u còn nhỏ, dưới 2,5cm.
– Giai đoạn 2: Còn gọi là giai đoạn khu trú, khối u dần to lên với kích thước 5-6 cm.
– Giai đoạn 3: Bắt đầu có hiện tượng di căn, tế bào ung thư xâm lấn các cơ quan lân cận.
– Giai đoạn 4: Ung thư di căn đến các hạch bạch huyết, môi, miệng,…
2. Dấu hiệu ung thư vòm họng
Các dấu hiệu của ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tai mũi họng thông thường. Người bệnh có thể thấy đau đầu, ngạt mũi (thường bị một bên), có thể xuất hiện hạch cổ nhưng không có cảm giác đau.
Sau 6 tháng kể từ những triệu chứng đầu tiên, người bệnh có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng dưới đây:
– Khản tiếng, đau rát họng kéo dài.
– Nổi hạch vùng cổ, dễ thấy nhất là ở những vị trí cao.
– Tắc mũi, có thể chảy máu mũi, tiết chất nhầy có lẫn máu.
– Ho dai dẳng khó dứt, thường có lẫn đờm.
– Ù tai, mất chứng năng nghe một bên.
– Đau nửa đầu, đau âm ỉ cả ngày.
– Sụp mi, giảm thị lực, thậm chí mất thị lực.
Đau rát họng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư vòm họng
3. Cách điều trị ung thư vòm họng
Tùy vào tình trạng cụ thể, ung thư vòm họng có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
3.1. Phẫu thuật
Ung thư vòm họng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nền sọ mà tỉ lệ phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư vòm họng cũng tăng thêm.
Người bệnh sẽ được đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi tiến hành phẫu thuật
3.2. Xạ trị
Đây có thể coi là phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến nhất hiện nay.
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể chỉ cần thực hiện xạ trị đơn thuần, với liều xạ là 5 ngày/tuần, kéo dài trong 6 – 8 tuần liên tiếp. Đến giai đoạn muộn, khi bệnh nhân không thể phẫu thuật thì xạ trị chính là lựa chọn hàng đầu.
Các kỹ thuật xạ trị có thể áp dụng là xạ trị truyền thống bằng nguồn tia cobalt, xạ trị bằng máy gia tốc; hay một số kỹ thuật mới như xạ trị mô phỏng 3 chiều, xạ trị điều biến liều,… Đặc biệt, các kỹ thuật xạ trị mới có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn, hạn chế được tác dụng phụ của xạ trị lên cơ thể người bệnh.
Xạ trị vùng đầu – cổ, nhất là vùng vòm họng – thanh quản – amidan sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến vùng răng miệng. Do đó trước khi thực hiện xạ trị, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá những tác động và di chứng mà xạ trị có thể để lại. Một số di chứng có thể kể đến như: viêm nướu răng, hoại tử nướu răng, hiện tượng các khớp thái dương hàm bị xơ cứng,…
3.3. Hóa trị
Khi ung thư vòm họng đã xâm lấn và di căn xa đến các bộ phận khác trên cơ thể, hoặc quá trình xạ trị thất bại thì bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị cho bệnh nhân. Các loại thuốc hóa chất sẽ được đưa trực tiếp vào cơ thể bằng cách uống hoặc tiêm tĩnh mạch để có thể tiêu diệt các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn và nôn mửa, chán ăn, cảm thấy mệt mỏi,… nên người bệnh cần được phổ biến thông tin và chuẩn bị sẵn tâm lý.
Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ
3.4. Một số lưu ý khác
Ung thư vòm họng tương đối nhạy cảm với xạ trị và các loại hóa chất chống ung thư. Chính vì vậy, có thể kết hợp đồng thời hóa trị với xạ trị để điều trị bệnh. Liều lượng và tần suất cụ thể sẽ được quyết định dựa trên từng giai đoạn ung thư cũng như khả năng đáp ứng của bệnh nhân.
Phương pháp phẫu thuật hiện nay hầu như chỉ được áp dụng cho những trường hợp khối u hay hạch cổ còn sót hoặc tái phát sau khi đã điều trị phối hợp bằng hóa – xạ trị.
Ngoài ra, các chuyên gia tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp mới như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch,… để nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ cho người bệnh.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn nắm bắt được các dấu hiệu ung thư vòm họng và cách điều trị hiệu quả. Hãy nhớ rằng ung thư càng được phát hiện sớm thì tỉ lệ chữa khỏi càng cao. Vì vậy bạn nên để ý những dấu hiệu ung thư vòm họng dù là nhỏ nhất, đi khám hoặc tầm soát định kỳ để có được những chẩn đoán chính xác nhất và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.